Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Ngày 13/7, Bộ Công thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Lễ bàn giao Cổng Thông tin cơ sở dữ liệu thương mại Việt Nam (VNTR) bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến với các điểm cầu trong cả nước.

Điểm cầu Hà Nội có đồng chí Nguyễn Hồng Diên - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương và Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đồng chủ trì. Dự Hội nghị có đại diện các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan; các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp và thương vụ của Việt Nam tại các nước tham gia Hiệp định RCEP.

Điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Trần Văn Sứng - Phó Giám đốc Sở Công thương cùng đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT và các hiệp hội trên địa bàn tỉnh.

Hội nghị nhằm giới thiệu về Hiệp định RCEP và thảo luận việc tận dụng Hiệp định để thúc đẩy thương mại và lưu thông hàng hóa giữa Việt Nam với các nước khác trong khu vực RCEP.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực là một hiệp định thương mại tự do, bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 5 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do (Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand) vào ngày 15/11/2020 tại Hà Nội. Hiệp định, hướng tới mục tiêu hình thành Hiệp định thương mại tự do Đông Á và khởi đầu cho đối tác kinh tế toàn diện Đông Á. Hiệp định sẽ có hiệu lực trong năm 2022, sau khi được phê chuẩn bởi các quốc gia thành viên.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh.

Tại Hội nghị, đại diện các vụ, cục, hiệp hội, chính quyền và đoàn thể các địa phương đã tham luận tập trung vào các nội dung: Giới thiệu tổng quan về Hiệp định RCEP; kế hoạch thực hiện Hiệp định RCEP của Chính phủ (theo Quyết định số 01/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) và Kế hoạch thực hiện Hiệp định RCEP của Bộ Công thương. Tận dụng cơ hội từ Hiệp định RCEP để thúc đẩy đa dạng hóa và tăng cường xuất khẩu.

Tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức từ Hiệp định RCEP - góc nhìn từ cộng đồng doanh nghiệp. Phương hướng thúc đẩy xuất khẩu hàng dệt may sang các thị trường khu vực RCEP. Khó khăn, thách thức trong xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc - giải pháp đề xuất từ phía doanh nghiệp. Thủ tục quản lý xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu biên giới - giải pháp hỗ trợ hàng hóa xuất khẩu Việt Nam. Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản từ Việt Nam sang các thị trường khu vực RCEP.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Bộ Công thương khẳng định: Việc ký kết và thực thi Hiệp định RCEP có ý nghĩa rất quan trọng, hứa hẹn nhiều cơ hội to lớn đối với nền kinh tế nước ta cũng như các đối tác trong khu vực. Hiệp định RCEP được thực thi sẽ tạo thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm 1/3 dân số thế giới. Những cam kết mạnh mẽ về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, đặc biệt là việc áp dụng nguyên tắc xuất xứ chung trong 15 nước tham gia Hiệp định sẽ là điều kiện thuận lợi cho việc hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Đây cũng là cơ hội tạo lập không gian sản xuất chung, mở ra thị trường xuất khẩu lớn, ổn định, lâu dài cho các doanh nghiệp trong nước.

Đồng chí cũng nhấn mạnh: Bên cạnh cơ hội, vẫn còn thách thức đặt ra, vì các nền kinh tế trong khu vực đều có sức cạnh tranh khá cao, kể cả lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh. Hàng hóa của Việt Nam sẽ phải chịu sức ép cạnh tranh rất lớn. Vì vậy đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước cần chủ động thích ứng, nỗ lực chinh phục, biến thách thức thành cơ hội để cạnh tranh thành công.

Để triển khai có hiệu quả Hiệp định RCEP, đồng chí Bộ trưởng Bộ Công thương đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện sớm và hoàn tất việc ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định đảm bảo công tác thực thi đạt hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về Hiệp định và các văn bản có liên quan; chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung, trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách đồng bộ, khả thi. Xây dựng các chương trình hỗ trợ, đào tạo chức năng chuyên sâu, giúp các ngành, doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất và cung ứng toàn cầu...

Dịp này cũng diễn ra Lễ bàn giao Cổng thông tin Thông tin cơ sở dữ liệu thương mại Việt Nam giữa Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam với Bộ trưởng Bộ Công thương.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/tri%E1%BB%83n-khai-k%E1%BA%BF-ho%E1%BA%A1ch-th%E1%BB%B1c-hi%E1%BB%87n-hi%E1%BB%87p-%C4%91%E1%BB%8Bnh-rcep