Kinh tế tuần hoàn: Bài học từ 6 ngành công nghiệp cốt lõi của Đài Loan

Với việc sớm thúc đẩy 6 ngành công nghiệp cốt lõi trên nền tảng của Chương trình Công nghiệp Sáng tạo 5+2, Đài Loan đã giành ưu thế đầu tiên để tận dụng các cơ hội giai đoạn hậu đại dịch COVID-19

Những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt như cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu… đang ngày một trở nên phức tạp hơn trong bối cảnh chúng ta đang tiếp tục quá trình tăng dân số và đô thị hóa. Cách tiếp cận kinh tế tuyến tính truyền thống kéo theo những hệ lụy ngày càng nghiêm trọng đối với nguồn cung tài nguyên, lượng chất thải lớn, an ninh môi trường và an ninh nguồn nước.

Trước thực tế này, nhiệm vụ triển khai nền kinh tế số, kinh tế tuần hoàn sẽ tạo cơ hội lớn cho phát triển nhanh và bền vững; tạo không gian phát triển mới, mở ra cơ hội phát triển đột phá.

Vững vàng trong tình huống khẩn cấp

Nhìn từ nền kinh tế Đài Loan, nơi phải nhập khẩu tới hơn 98% năng lượng (dầu lửa, khí đốt) cũng như phân bón, thức ăn chăn nuôi, và hơn 60% thực phẩm từ nước ngoài…, mô hình kinh tế tuần hoàn của hòn đảo này được triển khai mạnh mẽ từ trước đại dịch COVID-19, hiện đang chứng tỏ tính hiệu quả và xu thế bền vững đáng học hỏi.

Phó Chủ nhiệm Hội đồng Phát triển Đài Loan, bà Shien Quey Kao (giữa). (Ảnh: Trần Long/Vietnam+)

Phó Chủ nhiệm Hội đồng Phát triển Đài Loan, bà Shien Quey Kao (giữa). (Ảnh: Trần Long/Vietnam+)

Trả lời phỏng vấn phóng viên VietnamPlus hồi tuần qua, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Phát triển Đài Loan (NDC), bà Shien-Quey Kao cho rằng từ thực tế những căng thẳng địa chính trị trên thế giới hiện nay, mọi quốc gia đều phải tìm biện pháp tăng cường chuỗi cung ứng.

Tháng 5/2020, theo chỉ thị của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen), NDC đã tham vấn các cơ quan hữu quan triển khai 6 ngành công nghiệp chiến lược (cốt lõi) của nền kinh tế, và một trong 6 ngành này là công nghiệp dự trữ chiến lược. Với ngành công nghiệp dự trữ chiến lược, Đài Loan có thể đảm bảo rằng trong tình huống khẩn cấp, hòn đảo vẫn có thể duy trì nguồn cung ứng năng lượng ổn định, thậm chí là cho nhu cầu thiết yếu hàng ngày.

Phó Chủ nhiệm NDC cho biết Đài Loan cũng phát triển nguồn năng lực sản xuất nội địa. Trong trường hợp không thể triển khai sản xuất nội địa, Đài Loan sẽ tìm cách đa dạng hóa các nguồn nhập khẩu để đảm bảo sự linh hoạt và giảm thiểu các rủi ro. Khi phải nhập khẩu hơn 98% nguồn năng lượng, để hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, đầu tiên, Đài Loan phải từng bước giảm bớt tỷ lệ nhập khẩu năng lượng. Thứ hai là phải đạt tới cam kết NetZero về cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính về mức bằng 0. Theo bà Shien-Quey Kao, đó là lý do tại sao mà với ngành công nghiệp chiến lược thứ 6 của nền kinh tế Đài Loan, việc phát triển công nghiệp Xanh và công nghiệp năng lượng tái tạo là một trong những ưu tiên mạnh mẽ.

Nhà cung ứng điện gió chủ chốt cho châu Á-Thái Bình Dương

Đài Loan đã công bố mục tiêu hoàn thành cam kết NetZero vào năm 2050. Điều đó có nghĩa là để đạt được cam kết này, nền kinh tế này phải tăng cường sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, tối đa hóa tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo trong tổng thể các nguồn năng lượng. Trong một vài năm qua, Đài Loan đã đầu tư mạnh mẽ vào các dự án điện gió ngoài khơi và điện năng lượng mặt trời.

Cuộc tọa đàm về kinh tế tuần hoàn và kinh tế số diễn ra tại Hội đồng Phát triển Đài Loan ngày 19/6/2023. (Ảnh: Trần Long/Vietnam+)

Cuộc tọa đàm về kinh tế tuần hoàn và kinh tế số diễn ra tại Hội đồng Phát triển Đài Loan ngày 19/6/2023. (Ảnh: Trần Long/Vietnam+)

Mục tiêu của Đài Loan là tới năm 2025, lượng năng lượng tái tạo được sử dụng chiếm 20% tổng nguồn năng lượng nói chung, tới năm 2050, tỷ lệ này sẽ tăng lên từ 60%, thậm chí 70%.
Phó Chủ nhiệm NDC nhấn mạnh việc sản xuất nội địa các nguồn năng lượng tái tạo này sẽ giúp Đài Loan giảm hẳn mức độ phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu.

Trong lĩnh vực công nghiệp Xanh và công nghiệp năng lượng tái tạo, trong tương lai gần, Đài Loan sẽ xây dựng một khu công nghiệp năng lượng tái tạo và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển (R&D), tăng cường an ninh mạng cho các giao dịch chứng nhận năng lượng tái tạo. Mục tiêu của NDC là tạo ra cho Đài Loan vai trò của nhà cung ứng điện gió chủ chốt trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tạo điều kiện để các sản phẩm điện gió nội địa xuất khẩu sang các quốc gia khác.

Nhận thức của người lãnh đạo

Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua tại Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7 tháng 6 năm 2022. Quyết định này đã khẳng định chủ động phát triển kinh tế tuần hoàn là tất yếu, phù hợp với xu hướng, yêu cầu tạo đột phá trong phục hồi kinh tế và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG).

Rào cản lớn nhất trong thực hiện chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn chính là nhận thức của người lãnh đạo. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Rào cản lớn nhất trong thực hiện chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn chính là nhận thức của người lãnh đạo. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Theo nhiều chuyên gia, để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh phải xử lý một loạt thách thức, Chính phủ Việt Nam cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai một số nhóm giải pháp về đổi mới tư duy lãnh đạo quản lý và năng lực điều hành kinh tế.

Theo đó, rào cản lớn nhất thực hiện kinh tế số, chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn không phải là vốn, công nghệ mà chính là nhận thức của người lãnh đạo. Việc chuyển sang nền tảng số và kinh tế tuần hoàn đồng nghĩa với chuyển đổi mô hình kinh doanh của doanh nghiệp, chuyển đổi trình độ và kỹ năng của người lao động.

Ngoài ra, đã có nhiều khuyến nghị về việc Chính phủ cần hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý tạo khuôn khổ pháp luật đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Chúng ta đang cần phải nhìn nhận nghiêm túc hơn về yêu cầu phát triển bền vững, tăng cường mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế và sức chống chịu của chuỗi cung ứng...; trong đó, việc thúc đẩy việc phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn là một trong những giải pháp và hướng đi quan trọng phù hợp với định hướng mà nhiều quốc gia trên thế giới đang tiếp cận và chuyển đổi.

Cùng với đó, hợp tác quốc tế có vai trò rất quan trọng, nhằm tiếp cận, ứng dụng và làm chủ khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế tuần hoàn. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thực hiện dự án kinh tế tuần hoàn là rất cần thiết./.

Chương trình xúc tiến 6 ngành công nghiệp cốt lõi được nội các Đài Loan phê chuẩn ngày 10/12/2020 gồm:

1. Công nghiệp thông tin và số hóa
2. Công nghiệp an ninh mạng
3. Công nghiệp y tế công nghệ cao
4. Công nghiệp Xanh và năng lượng tái tạo
5. Công nghiệp quốc phòng chiến lược
6. Công nghiệp dự trữ chiến lược

Với việc sớm thúc đẩy 6 ngành công nghiệp cốt lõi và công tác chuẩn bị-xây dựng trên nền tảng của Chương trình Công nghiệp Sáng tạo 5+2, Đài Loan đã giành ưu thế đầu tiên để tận dụng các cơ hội trong giai đoạn hậu đại dịch COVID-19 được tạo ra bằng cách tái tổ chức các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trần Long (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/kinh-te-tuan-hoan-bai-hoc-tu-6-nganh-cong-nghiep-cot-loi-cua-dai-loan/871613.vnp