Kinh tế tuần hoàn yêu cầu tất yếu để phát triển bền vững

Kinh tế tuần hoàn (circular economy) = CE là một mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường.

Phát triển du lịch gắn với nông nghiệp sạch. Ảnh: T.Trang - N.Ngà

Phát triển du lịch gắn với nông nghiệp sạch. Ảnh: T.Trang - N.Ngà

Theo Ellen MacArthur Foundation (2012), định nghĩa về kinh tế tuần hoàn được nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế thừa nhận rộng rãi hiện nay là “Một hệ thống có tính khôi phục và tái tạo thông qua các kế hoạch và thiết kế chủ động. Nó thay thế khái niệm “kết thúc vòng đời” của vật liệu bằng khái niệm khôi phục, chuyển dịch theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo, không dùng các hóa chất độc hại gây tổn hại tới việc tái sử dụng và hướng tới giảm thiểu chất thải thông qua việc thiết kế vật liệu, sản phẩm, hệ thống kỹ thuật và cả các mô hình kinh doanh trong phạm vi của hệ thống đó”.

Ngày nay, tình trạng khẩn cấp về khí hậu và những thách thức về môi trường khiến các công ty và cá nhân phải suy nghĩ lại về mô hình sản xuất và tiêu dùng của họ. Và, nền kinh tế tuần hoàn đang được coi là một trong những câu trả lời cho những thách thức này.

Việt Nam tiếp cận kinh tế tuần hoàn (KTTH) cũng khá sớm, với các khái niệm liên quan đến mô hình KTTH đã có từ cách đây 30 năm với những định danh khác. Đó là mô hình VAT (Vườn - Ao - Chuồng), một mô hình chúng ta áp dụng khá thành công. Ngoài ra, còn có các khái niệm “khu công nghiệp sinh thái - ecological industrial zone”, “sản xuất sạch hơn - Cleaner production”, “Không phát thải - zero emission”. Trong thời gian qua, Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết nhằm định hướng phát triển KTTH như: Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 11/02/2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành nhằm mục tiêu huy động mọi nguồn lực xã hội thực hiện mọi giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả để đạt được mục tiêu đến năm 2025. Xây dựng KTTH đã được xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 vừa được Chính phủ phê duyệt, khẳng định rõ ràng, tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đặt ra 3 mục tiêu quan trọng là giảm phát thải, xanh hóa các ngành kinh tế và xanh hóa lối sống, thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Mục tiêu lâu dài trong tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu là giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP. Theo đó, Chiến lược đặt ra mốc đến năm 2030, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15% so với năm 2014. Xa hơn, năm 2050, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 30% so với năm 2014.

Đối với Lâm Đồng, trong những năm qua đã tập trung phát triển KTTH như: Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ; kinh tế trang trại; du lịch canh nông, du lịch chất lượng cao; chương trình bảo tồn đa dạng sinh học; định hướng phát triển năng lượng tái tạo... Tuy nhiên, việc phát triển KTTH còn mang tính phân tán ở các lĩnh vực mà chưa có chương trình mang tính tích hợp, mang tính tổng thể để KTTH tạo tính đột phá trở thành động lực phát triển bền vững. UBND tỉnh Lâm Đồng cũng ban hành Quyết định số 68/QĐ-UBND ngày 12/01/2021 về việc phê duyệt kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021 - 2030 với 5 mục tiêu tổng quát: (1) Thực hiện có hiệu quả Chiến lược và Kế hoạch hành động Quốc gia về tăng trưởng xanh. Định hướng phát triển các ngành chính của tỉnh trong kế hoạch tăng trưởng xanh là: Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Du lịch và các ngành hỗ trợ là Năng lượng, Giao thông vận tải và Quản lý tài nguyên nước. Xác định các giải pháp cho các vấn đề kinh tế - xã hội và môi trường trong các ngành này nhằm đạt được mức tăng trưởng kinh tế hợp lý, tiến tới nền kinh tế phát thải các-bon thấp, bảo tồn, tăng cường chất lượng của các hệ sinh thái và dịch vụ của hệ sinh thái, bảo vệ các nguồn tài nguyên, duy trì, phát triển sản xuất xanh và tiêu dùng bền vững; (2) Hỗ trợ tái cơ cấu nền kinh tế của tỉnh để đạt được cơ cấu dịch vụ - nông nghiệp - công nghiệp vào năm 2030 và dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp sau năm 2030, dựa trên nền tảng công nghệ cao, ít phát thải, chú trọng sử dụng năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; (3) Lĩnh vực dịch vụ tập trung phát triển du lịch chất lượng cao, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh, phấn đấu phát triển thành phố Đà Lạt thành trung tâm du lịch lớn cả nước và khu vực; tối ưu hóa khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên, phát triển du lịch bền vững. Đẩy mạnh kết nối tới các trung tâm kinh tế lớn, gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ và các địa phương khác; (4) Lĩnh vực công nghiệp tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế biến và sử dụng nguyên liệu từ nông nghiệp của địa phương, phát triển tiểu thủ công nghiệp phục vụ du lịch; (5) Lĩnh vực nông nghiệp tập trung phát triển các thế mạnh của tỉnh gồm: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, bền vững và an toàn, đảm bảo chất lượng; sản xuất gắn với thu mua, chế biến; hỗ trợ tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu; đa dạng hóa sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong điều kiện thực tiễn tại địa phương, để phát triển KTTH, cần rà soát lại thực trạng, từ đó có định hướng phát triển KTTH các lĩnh vực một cách khoa học và sáng tạo. Trong đó, tích hợp ngay ngành nông nghiệp và ngành môi trường có thể tiếp cận KTTH sẽ hiệu quả cao trong quá trình phát triển bền vững. Toàn ngành nông nghiệp có diện tích canh tác trên 300.000 ha, tổng lượng phân bón các loại 1,673 triệu tấn, trong đó: 1,02 triệu tấn phân hữu cơ (phân bón hữu cơ công nghiệp 0,37 triệu tấn, chiếm 36,3%; phân hữu cơ tự nhiên do người dân tự ủ 0,65 triệu tấn, chiếm 63,7%) và 0,653 triệu tấn phân vô cơ, nếu thực hiện giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển mở rộng đồng cỏ ở những diện tích lúa một vụ, diện tích canh tác cho doanh thu thấp, phát triển chăn nuôi đại gia súc sử dụng nguồn phân chuồng chế biến phân bón hữu cơ phục vụ nông nghiệp hữu cơ cũng đã thúc đẩy hiệu quả KTTH. Đối với lĩnh vực môi trường, hàng năm khối lượng chất thải rắn đô thị có 158.202 tấn, trong đó thành phần hữu cơ chiếm 69,7%, khối lượng chất thải hữu cơ khoảng 110.267 tấn; khối lượng chất thải rắn nông thôn có 168.214 tấn, trong đó thành phần hữu cơ chiếm 65%. Như vậy tổng khối lượng chất thải hữu cơ từ rác thải khoảng 219.606 tấn, nếu toàn tỉnh định hướng phân loại rác từ nguồn sẽ có một lượng chất thải hữu cơ rất lớn phục vụ sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, phụ phẩm nông nghiệp thải bỏ hàng năm khoảng 571.888 tấn; khối lượng vỏ cà phê hàng năm khoảng 480.000 tấn và tổng lượng phân chuồng ngành chăn nuôi hàng năm khoảng 866.404 tấn. Và, nếu chúng ta tổ chức sản xuất thu gom tất cả các nguồn thải hữu cơ toàn tỉnh để chế biến phân bón hữu cơ sẽ là nguồn cung cấp phân bón sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ rất lớn, đồng thời sẽ giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường mà gia tăng nông sản hữu cơ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

PHẠM S - PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/bao-xuan-2022/202201/kinh-te-tuan-hoan-yeu-cau-tat-yeu-de-phat-trien-ben-vung-3101332/