Kinh tế | Vấn đề hôm nay | Bạn đọc viết TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Hiện nay, huyện Tam Đường cơ bản kiểm soát, khống chế được dịch bệnh trên đàn lợn. Tuy nhiên, các hộ chăn nuôi vẫn khó tái đàn lợn với nhiều nguyên nhân khách quan.

Chuyến công tác vừa qua, chúng tôi thấy một số hộ nuôi nhiều lợn trên địa bàn huyện trước đây nay vẫn chưa tái đàn. Bởi dư âm các đợt dịch tả lợn Châu Phi từ năm 2020 đến tháng 5/2021 liên tiếp xảy ra khiến bà con “lao đao”. Hàng nghìn con lợn bị dịch tả lợn Châu Phi chết, phải tiêu hủy, gây thiệt hại kinh tế của người dân hàng chục tỷ đồng. Sau mỗi lần UBND huyện công bố hết dịch, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tuyên truyền, khuyến khích hộ chăn nuôi tái đàn lợn trở lại. Tuy nhiên, đàn lợn nái trong huyện bị dịch tả lợn Châu Phi chết trên 90%, gây hệ lụy lớn cho bà con trong việc tái đàn lợn thịt. Hiện nay, con giống khan hiếm, giá giống cao (từ 200 - 250 nghìn đồng/kg lợn giống). Con giống đắt đỏ, dịch bệnh gia súc luôn “rình rập” khiến nông dân không mặn mà với tái đàn lợn.

Bà Nguyễn Thị Vân (ở bản Đoàn Kết, xã Bản Giang) chăm sóc lợn nái.

Bà Nguyễn Thị Vân (ở bản Đoàn Kết, xã Bản Giang) chăm sóc lợn nái.

Từ năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 trong nước bùng phát kéo theo giá thức ăn chăn nuôi “leo thang” cũng là nguyên nhân khiến người chăn nuôi dè dặt trong việc tái đàn lợn. Hiện, giá thức ăn chăn nuôi gia súc tăng từ 60 - 70 nghìn đồng/bao 25kg so với cùng kỳ năm 2020 nên người dân ngại đầu tư chăn nuôi lợn quy mô lớn. Không những thế, hộ chăn nuôi còn chịu chi phí vật tư, thuốc điều trị bệnh cho gia súc tăng cao. Các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, điều kiện chuồng trại khó bảo đảm cho việc phòng, chống các loại dịch bệnh triệt để nên người dân chưa “mạnh tay” đầu tư tái đàn lợn.

Ông Hoàng Văn Phưởng - Chủ tịch UBND xã Bình Lư cho biết: “Trước đây, nông dân trong xã phát triển mạnh nghề chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa. Nhiều hộ nuôi từ 30 - 70 con lợn thịt/lứa. Tuy nhiên, hiện nay, đàn lợn của xã giảm 30% so với trước đây. Việc chăn nuôi bấp bênh do dịch bệnh, không có lãi nên người dân vẫn chưa mạnh dạn tái đàn. Bên cạnh đó, đàn lợn nái bị dịch tả lợn Châu Phi đã chết khá nhiều, bà con gặp khó khăn với việc chọn mua giống, tái đàn lợn thịt”.

Đến bản Tân Bình (nơi nuôi lợn quy mô lớn, tập trung của xã Bình Lư trước đây), chúng tôi thấy nhiều hộ chăn nuôi bỏ trống chuồng hoặc chuyển sang nuôi gia cầm. Đơn cử, gia đình anh Trần Đình Trưởng trước đây là một trong những hộ của bản nuôi lợn thương phẩm theo hướng hàng hóa, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bấy giờ, gia đình anh nuôi 7 con lợn nái để gây đàn lợn bột và luân phiên gối đàn lợn thịt. Mỗi năm, anh xuất bán gần 15 tấn lợn thương phẩm. Năm 2020, gia đình anh thiệt hại nặng bởi dịch tả lợn Châu Phi bùng phát khiến đàn lợn nái và 20 con lợn thịt bị tiêu hủy. Hiện nay, gia đình anh chuẩn bị tái đàn nhưng giá lợn giống tăng cao, khó mua. Mặt khác, anh muốn đầu tư, mở rộng chăn nuôi, bảo đảm an toàn sinh học nhưng tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường. Vì vậy, gia đình anh đang thận trọng trong việc tái đàn lợn.

Xã Bản Giang có 3.935 con lợn đạt 75,67%, tháng 5 vừa qua toàn xã bị chết 10 con lợn do dịch tả lợn Châu Phi phải tiêu hủy. Thời điểm này, gia đình bà Nguyễn Thị Vân (ở bản Đoàn Kết, xã Bản Giang) cũng giảm đàn lợn xuống một nửa so với trước đây. Bà Vân tâm sự: “Thời gian gần đây, cán bộ xã thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn tôi tái đàn lợn. Tuy nhiên, gia đình tôi mới nuôi được 2 con nái nuôi tại ngăn chuồng nhỏ; còn dãy chuồng lớn (nơi có số lợn phải tiêu hủy đợt trước) vẫn chưa nuôi lại. Mặc dù, dịch tả lợn Châu Phi đã được kiểm soát nhưng tôi vẫn lo dịch bùng phát trở lại nên nuôi cầm chừng”.

Để giúp người dân yên tâm chăn nuôi, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con vệ sinh chuồng trại, phun hóa chất khử trùng, tiêu độc và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, thực hiện việc nuôi lợn nái, tái đàn lợn thịt có kiểm soát. Hộ chăn nuôi vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch và bảo vệ môi trường nông thôn. Bà con chủ động lựa chọn con giống chất lượng, rõ nguồn gốc, tuyệt đối không mua con giống trôi nổi trên thị trường. Với quyết tâm, Phòng NN&PTNT huyện khuyến khích nông dân một số xã như: Thèn Sin, Bản Giang, Bản Bo và Bình Lư... dồn sức tái đàn lợn.

Để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh việc tái đàn lợn, huyện mong tỉnh sớm có những chính sách hỗ trợ phù hợp giúp người chăn nuôi có điều kiện vực dậy đàn lợn thịt theo hướng hàng hóa. Như vậy, đàn lợn của huyện mới tăng về số lượng theo hướng bền vững, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/tam-%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng-kh%C3%B3-t%C3%A1i-%C4%91%C3%A0n-l%E1%BB%A3n