Kinh tế Xây dựng - Giao thông Tái định cư 'đụng' vùng... rốn lũ

TTH - Nằm bên sông A Sáp, người dân khu tái định cư (TĐC) Hồng Thượng (xã Hồng Thượng, huyện A Lưới) thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi lũ lớn, gây thiệt hại hoa màu, uy hiếp đời sống khu dân cư.

Khu vực thôn A Sáp thường xuyên chịu ảnh hưởng ngập lụt

Khu vực thôn A Sáp thường xuyên chịu ảnh hưởng ngập lụt

Năm 2011, khu TĐC Hồng Thượng được xây dựng. Để nhường đất cho thủy điện A Lưới, 106 hộ dân đầu tiên được đưa đến khu TĐC này. Đến nay, khu TĐC được chia thành 2 thôn A Đên và A Sáp với 165 hộ dân. Đời sống người dân trong khu vực còn nhiều khó khăn do đất đai khô cằn, lẫn nhiều đá và đặc biệt là vùng “rốn lụt” do nằm bên sông A Sáp.

Người dân thôn A Sáp và A Đên đều được bố trí TĐC dọc theo bờ sông, nơi cách xa bờ cũng chỉ vài trăm mét. Mỗi mùa mưa lũ, nước sông A Sáp cuộn chảy về, dâng cao hơn 1m, gây ngập nặng cho các hộ dân dọc theo triền sông, đặc biệt trong đó có 26 hộ dân ở thôn A Sáp được xem như là “rốn rũ”. Chịu tác động của mưa lũ thường xuyên nên dọc bờ sông A Sáp về phía hạ lưu cũng xuất hiện nhiều điểm sạt lở uy hiếp nhà cửa, nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp.

Ông Hồ Văn Liêm, một hộ dân ở thôn A Sáp cho biết, năm 2011, gia đình phải nhượng đất trồng sắn (do nằm trong lòng hồ thủy điện A Lưới), sợ ngập lụt nên được TĐC đến khu ở mới. Thời gian đầu thấy đây là vùng đất cao ráo, không ngập lụt. Nhưng kể từ năm 2013 đến nay, cứ gặp mưa lớn, nước sông A Sáp chảy về phía “họng nạp” của thủy điện (nằm trên địa bàn xã Phú Vinh) cộng với nhiều khe suối cắt ngang từ trên đồi cao chảy xuống khu TĐC, làm cho nước sông dâng lên nhanh chóng, ngập hết thôn làng. Hoa màu, vật nuôi đều bị cuốn, thiệt hại rất lớn. Cứ đến mùa lũ, bà con lại lũ lượt di dời nên đời sống rất khó khăn, thiếu ổn định.

Ông A Viết Huy, Bí thư Chi bộ thôn A Sáp cho rằng, trong 2 thôn TĐC thì A Sáp ngập nặng hơn do nằm ở thượng nguồn, xa “họng nạp” nước của thủy điện. Vào mùa mưa lũ, địa phương cử cán bộ về vận động dân di dời lên nhà văn hóa thôn, các gia đình có nhà ở địa hình cao. Đặc biệt, tập quán bà con chủ yếu sản xuất nương rẫy, vào mùa mưa lũ, các lực lượng chức năng cần thông báo sớm để người dân kịp trở về nơi lưu trú, trong trường hợp nước sông A Sáp dâng cao sẽ bị kẹt lại trên rừng không về được.

“Ý kiến cử tri đã kiến nghị nhiều lần, chính quyền các cấp cũng có kiểm tra và lên phương án di dời. Từ năm 2011 đến nay đã xảy ra 3 trận lũ lớn, nếu địa phương không chủ động phương án di dời, bảo vệ tài sản thì thiệt hại về người và của rất lớn. Nguyện vọng bà con là được TĐC hoặc di dời xen ghép vào trong các khu dân cư có địa hình cao”, ông A Viết Huy cho biết.

Ông Trần Ngọc Chinh, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện A Lưới (cơ quan thường trực phòng, chống lụt bão huyện A Lưới) thông tin: Vào mùa mưa lũ, khu vực 26 hộ dân thuộc khu TĐC Hồng Thượng ven sông A Sáp đối diện với nguy cơ rất cao, có những trường hợp phải di dời khẩn cấp trong đêm rất nguy hiểm cho người dân, cũng như vất vả cho lực lượng chức năng.

Thông thường nước sông A Sáp dâng cao lên cao trình +553 thì thủy điện phải xả tràn. Tuy nhiên, khi cao trình chỉ mới đạt +551 hoặc +552 thì sông A Sáp không chỉ chảy về phía đường Hồ Chí Minh (đoạn xã Phú Vinh) nữa mà nắn thẳng vào khu dân cư. Nguyên nhân do tình trạng biến đổi khí hậu khiến dòng chảy phức tạp hơn. Hàng năm vào mùa mưa lũ, chúng tôi phối hợp với chính quyền địa phương cử cán bộ về phụ trách từng hộ dân; tổ chức phương án di dời tùy theo mức độ từng đợt lũ và ở lại cùng dân. Trong trường hợp các hộ dân không chịu di dời buộc phải cưỡng chế. Về phương án lâu dài, để ổn định cuộc sống người dân, UBND huyện A Lưới cũng đã chọn được vị trí TĐC trên diện tích 15ha, cách vị trí cũ khoảng 2km để di dời các hộ dân này. Theo tính toán của đơn vị khảo sát thiết kế, kinh phí cho việc di dời xây dựng khu TĐC cho các hộ dân khoảng 20 tỷ đồng.

Thủy điện A Lưới được xây dựng trên sông A Sáp từ tháng 6/2007. Dự án thủy điện này ảnh hưởng gần 2.000 héc ta đất của hơn 1.300 hộ dân trên địa bàn huyện. Trong đó, có 205 hộ dân nằm trong lòng hồ phải di dời... Đến nay, việc cấp đổi đất để sản xuất lúa nước cho người dân khu TĐC Hồng Thượng mới chỉ thực hiện được 9/24ha, diện tích 15ha còn lại không sản xuất được do có nhiều sỏi đá, tầng canh tác không đảm bảo, lượng nước tưới thủy lợi không đủ. Xã Hồng Thượng đề nghị các cấp, các ngành nghiên cứu, áp dụng các biện pháp cải tạo đất, hướng dẫn bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp đối với diện tích đất này để sử dụng đất có hiệu quả, đảm bảo ổn định kinh tế cho các hộ gia đình.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/tai-dinh-cu-dung-vung-ron-lu-a112369.html