Kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ người dân vùng đặc biệt khó khăn

Tiếp tục phiên thảo luận trực tuyến chiều nay, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần đánh giá đúng thực trạng những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế và Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong bối cảnh chịu nhiều tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid - 19 thời gian qua để kịp thời ban hành các chính sách phù hợp hơn.

Dịch bệnh Covid - 19 làm giảm tỷ lệ người tham gia BHYT

BHYT là một trong những chính sách trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, để chăm sóc sức khỏe cho người dân. Sau 7 năm thực hiện Nghị quyết số 68 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo BHYT toàn dân, tính đến ngày 31.12.2020 số người tham gia BHYT là 87,97 triệu người, tăng 2,23 triệu người (1,75%) so với năm 2019, đạt tỷ lệ bao phủ khoảng 90,85% dân số, vượt 10,85% so với chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết 68. Tính đến hết ngày 31.8.2021, tổng số người tham gia BHYT là 85,21 triệu người, giảm 0,53 triệu người so với năm 2019 và giảm 2,76 triệu người so với năm 2020 (tương ứng với 3,1%).

Ảnh: Quang Khánh

Ảnh: Quang Khánh

Tăng cường y tế cơ sở

Từ điểm cầu Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh, ĐBQH Nguyễn Tri Thức nhận định, vừa qua, chúng ta vẫn chưa quan tâm và khai thác hết hiệu quả trạm y tế xã. Nghị quyết 68/2013/QH13 đã đặt ra mục tiêu nâng cấp trạm y tế xã nhưng đến nay vẫn chưa đạt được. Thời gian qua khi ảnh hưởng bởi bệnh dịch Covid-19, y tế cơ sở đã phát huy vai trò rất quan trọng, nhất là các trạm y tế xã tại các vùng sâu vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Do đó, đại biểu Nguyễn Tri Thức đề nghị Chính phủ cần tập trung chỉ đạo để phát triển trạm y tế xã. Bên cạnh đó, cũng cần mở rộng danh mục thuốc ở trạm y tế xã để đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe người dân và nâng cao chất lượng hoạt động của trạm y tế xã.

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ có quy định về việc đóng, hỗ trợ đóng BHYT hay hỗ trợ về mặt chính sách để tạo tính liên tục cho việc mua BHYT đối với lực lượng công nhân, lao động. Do đại dịch Covid-19, rất nhiều công nhân, lao động đã có sự gián đoạn trong việc mua BHYT do công ty trốn đóng cũng như một số doanh nghiệp giải thể… Sự gián đoạn này đã ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của người lao động và chẳng may nếu như họ bị bệnh trong thời gian không đóng BHYT thì sẽ vô cùng khó khăn trong việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh. Đặc biệt, theo quy định của BHYT, nếu bị gián đoạn 3 tháng không đóng BHYT rồi mua lại thì bảo hiểm được mua lại sẽ được tính lại từ đầu, do đó, Chính phủ cần xem xét vấn đề này để bảo đảm cho lực lượng lao động.

Hồ Long

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kip-thoi-ban-hanh-chinh-sach-ho-tro-nguoi-dan-vung-dac-biet-kho-khan-r4qgsqfouf-65276