Kịp thời phân bổ vốn đầu tư, tạo đà thúc đẩy tiến độ giải ngân

Với định hướng đầu tư trọng tâm, trọng điểm, khẩn trương hoàn thành và đưa các công trình vào sử dụng, phát huy hiệu quả các công trình, dự án, đồng thời khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, kéo dài, giảm tối đa số lượng các dự án khởi công mới..., ngay từ đầu năm 2022, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã tập trung hoàn thiện xây dựng kế hoạch, kịp thời phân bổ vốn đầu tư nhằm đáp ứng nguồn lực cho các công trình, dự án. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, phục hồi và tăng trưởng cho nền kinh tế, tạo sự đột phá về phát triển hạ tầng và thu hút đầu tư.

Các đơn vị thi công tích cực đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ Dự án cầu Đầm Vạc. Ảnh: Nguyễn Lượng

Các đơn vị thi công tích cực đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ Dự án cầu Đầm Vạc. Ảnh: Nguyễn Lượng

Năm 2021, đại dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát và diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước (NSNN) trên địa bàn tỉnh.

Song nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; sự nỗ lực, chủ động của các sở, ban, ngành, địa phương, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư công, nguồn vốn được bố trí đảm bảo cho các dự án thực hiện đúng tiến độ, nhiều dự án, công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả vốn đầu tư, không gây nợ đọng trong XDCB.

Phát huy những kết quả này, ngay từ đầu năm 2022, tỉnh tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, chỉ đạo các ngành chức năng kịp thời phân bổ chi tiết nguồn vốn đầu tư để các ngành, địa phương chủ động triển khai kế hoạch đầu tư công, tạo đà đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tạo thuận lợi cho các đơn vị, nhà thầu thi công các dự án, công trình, đưa vào phục vụ phát triển KT - XH của tỉnh.

Đồng thời, thường xuyên chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công; kịp thời điều chuyển vốn từ những công trình, dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang các công trình, dự án có khối lượng lớn và khả năng hoàn thành cao.

Việc phân bổ vốn đầu tư dựa trên nguyên tắc phân bổ vốn phù hợp với khả năng thực hiện và giải ngân của từng dự án trong năm 2022.

Bảo đảm tuân thủ theo thứ tự ưu tiên: Bố trí đủ vốn cho các dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trước năm 2022; bố trí vốn thực hiện chuẩn bị đầu tư, quy hoạch, vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp thực hiện theo tiến độ được phê duyệt.

Sau khi bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ này mới bố trí vốn cho các dự án khởi công mới trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Theo dự kiến, tổng kế hoạch vốn đầu tư công toàn tỉnh năm 2022 hơn 7.950 tỷ đồng, bao gồm: Vốn đầu tư thuộc nguồn NSNN do tỉnh quản lý trên 6.937 tỷ đồng và vốn đầu tư từ nguồn ngân sách địa phương (NSĐP) giao bổ sung trong năm từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi hơn 1.014 tỷ đồng.

Trong tổng vốn đầu tư thuộc nguồn NSNN do tỉnh quản lý, dự kiến nguồn vốn hơn 793 tỷ đồng do ngân sách Trung ương hỗ trợ được phân bổ cho các dự án hạ tầng giao thông kết nối liên vùng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển KT - XH nhanh và bền vững, như tuyến đường Vành đai 5 - Vùng thủ đô; đoạn tuyến đường ven chân núi Tam Đảo kết nối giữa đường Vành đai 5 với QL2B đến Khu di tích lịch sử và danh thắng Tây Thiên, đi QL2C và tỉnh Tuyên Quang...

Phân bổ vốn khởi công mới một số dự án, như: Đường Tây Thiên - Tam Sơn, đoạn từ Tây Thiên đến cầu Hợp Lý và đoạn từ QL2C đến hồ Vân Trục và Dự án Đường trục Đông - Tây, đoạn nối từ đường Vành đai 3 với đường Vành đai 4; mở rộng đường trục trung tâm Khu đô thị mới Mê Linh và đường liên xã từ đường Thượng Trưng - Tuân Chính đi ngã ba cổng làng Tam Phúc (Vĩnh Tường)...

Một phần vốn sẽ phân bổ cho 2 dự án chuyển tiếp là Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - Dự án thành phần tỉnh Vĩnh Phúc và Dự án sửa chữa, nâng cao an toàn đập tỉnh Vĩnh Phúc.

Số vốn còn lại thuộc ngân sách địa phương NSĐP được phân bổ theo cơ cấu: Giao về cấp huyện 30% tổng nguồn vốn phân theo nguyên tắc, tiêu chí của NSĐP; bố trí vốn đối ứng các dự án sử dụng vốn ODA theo nhu cầu của sử dụng vốn; phân bổ 30% tổng nguồn vốn theo nguyên tắc tiêu chí của NSĐP cho các ngành, lĩnh vực.

Phân bổ theo nhu cầu đầu tư cụ thể của từng ngành trong năm kế hoạch; số còn lại phân theo nguyên tắc, tiêu chí và nguồn thu sử dụng đất cấp tỉnh quản lý, bố trí cho các dự án trọng điểm và các chương trình, nhiệm vụ nghị quyết theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và phương án kế hoạch đầu tư công năm 2022.

Tính đến tháng 12/2021, tỉnh đã dự kiến phân khai chi tiết hơn 6.320 tỷ đồng (trong đó, vốn NSĐP trên 5.530 tỷ đồng; vốn ngân sách Trung ương hơn 793 tỷ đồng).

Còn lại trên 1.620 tỷ đồng chưa đủ cơ sở phân bổ vốn do các ngành, lĩnh vực có công trình, dự án đang làm thủ tục quyết toán dự án hoàn thành và các dự án dự kiến khởi công mới chưa hoàn thiện đủ thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công sẽ để lại phân khai tiếp trong năm 2022.

Trên cơ sở vốn kế hoạch được giao, ngay từ đầu năm, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các chủ đầu tư khẩn trương thực hiện các thủ tục đầu tư dự án mới và thủ tục quyết toán các dự án hoàn thành, đảm bảo kịp thời công tác bố trí kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022.

Đến hết tháng 1/2022, tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn NSNN thực hiện ước đạt trên 460 tỷ đồng, tăng gần 4% so với cùng kỳ; trong đó, vốn ngân sách cấp tỉnh thực hiện đạt hơn 215 tỷ đồng, vốn ngân sách cấp huyện thực hiện đạt gần 222 tỷ đồng và vốn ngân sách cấp xã đạt 26,5 tỷ đồng.

Đây là nguồn lực quan trọng, hỗ trợ tích cực cho các ngành, địa phương khắc phục những tác động tiêu cực bởi dịch bệnh trong thời gian vừa qua, đáp ứng nhu cầu khôi phục và phát triển kinh tế của tỉnh.

Việt Sơn

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/73785/kip-thoi-phan-bo-von-dau-tu-tao-da-thuc-day-tien-do-giai-ngan.html