Kon Tum: Huyện nghèo Tu Mơ Rông trồng hơn 100.000 cây xanh hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới
Lãnh đạo tỉnh Kon Tum cùng các sở, ngành, UBND huyện Tu Mơ Rông và bà con Xơ Đăng vừa xuống giống trồng hơn 102.000 cây xanh trong buổi Lễ phát động Tết trồng cây nhằm hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6.M
Sáng ngày 5/6, UBND tỉnh Kon Tum đã phối hợp với các đơn vị tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ năm 2024 và hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6 trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông”.
Tại buổi lễ phát động, lãnh đạo UBND tỉnh Kon Tum, cùng các sở, ngành, già làng, trưởng thôn, học sinh đã trồng 2.020 cây thông ba lá và cây bàng lá nhỏ tại khuôn viên Trường Tiểu học Đắk Hà (huyện Tu Mơ Rông) và dọc Quốc lộ 40B từ Trung tâm chính trị huyện lên đỉnh đèo Măng Rơi.
Hưởng ứng lời phát động của UBND tỉnh Kon Tum, cùng ngày UBND huyện Tu Mơ Rông đã tổ chức trồng thêm 100.000 cây thông 2 năm tuổi do Khoa Thanh nhạc - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam trao tặng trước đó.
Ông Võ Trung Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Rừng có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, tạo cảnh quan, nâng cao sinh kế và là môi trường lý tưởng để trồng quốc bảo sâm Ngọc Linh. Huyện Tu Mơ Rông xác định con đường giúp người dân thoát nghèo bền vững chính là việc quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, trồng dược liệu, chăn nuôi dưới tán rừng phải gắn với du lịch.
Đối với số cây xanh được trồng trong lễ phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ và hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, UBND huyện đã cử các đơn vị chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, để cây đạt tỷ lệ sống cao, hướng đến nâng cao độ che phủ rừng, giúp cây sâm có môi trường tốt nhất để phát triển”.
Nhận thức được mục đích, ý nghĩa về vai trò, tác dụng to lớn, lợi ích toàn diện, lâu dài của việc trồng cây và trồng rừng, hằng năm UBND huyện Tu Mơ Rông đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Theo đó, trong 3 năm qua, huyện Tu Mơ Rông đã xây dựng kế hoạch trồng, vận động người dân trồng 2 triệu cây phân tán và gần 1.000 ha ha rừng tập trung.
Trong năm 2024, toàn huyện dự kiến trồng 220 ha rừng từ nguồn chương trình mục tiêu quốc gia và vận động người dân trồng hàng trăm ha rừng từ nguồn xã hội hóa. Việc trồng rừng đã từng bước phủ xanh đồi núi trọc, góp phần quan trọng trong việc chủ động phòng, chống thiên tai, cải thiện môi trường sinh thái, làm đẹp thêm cảnh quan thiên nhiên, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân.