Kỳ 1: Những hệ lụy đau lòng từ ma túy

Không chỉ xuất hiện ở các thành phố lớn, ma túy đã len lỏi, xâm nhập vào thôn làng ở huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum). Ngoài việc hủy hoại sức khỏe của người sử dụng, ma túy còn đảo lộn cuộc sống vốn yên bình ở làng, là thủ phạm gây ra những bi kịch đau lòng cho nhiều gia đình.

LTS: Ma túy hay còn gọi “cái chết trắng” là nỗi lo của mỗi người, mỗi gia đình và là vấn nạn của cả cộng đồng. Hiện nay, tình trạng buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn tỉnh Kon Tum (đặc biệt là khu vực ngã ba Đông Dương, huyện Ngọc Hồi) đang là vấn đề đáng báo động. Tội phạm ma túy hoạt động ngày càng tinh vi, phức tạp, đối tượng sử dụng cũng đa dạng hơn.

Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự, sức khỏe cộng đồng và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Đáng lo hơn, hiện nay tội phạm ma túy còn lợi dụng người dân tộc thiểu số (DTTS) để vận chuyển ma túy từ nước ngoài về địa bàn. Bởi vậy, cuộc đấu tranh với tội phạm ma túy của các cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Ngọc Hồi vẫn luôn là cuộc đấu tranh bền bỉ nhưng không kém phần khốc liệt.

Pờ Y – “điểm nóng” về ma túy

Ngọc Hồi là huyện miền núi, biên giới nằm phía Tây Bắc của tỉnh Kon Tum, nơi có vị trí địa lý, chính trị quan trọng của khu vực Tây Nguyên nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng. Huyện có đường biên giới giáp 2 nước bạn Lào và Campuchia với tổng chiều dài 47km (trong đó tuyến biên giới giáp Lào dài 34km và giáp Campuchia dài 13km).

Là ngã ba biên giáp với Lào và Campuchia, xã Pờ Y (huyện Ngọc Hồi) được xem là “điểm nóng” về ma túy trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Cùng với việc có Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, nơi diễn ra các hoạt động xuất – nhập cảnh, xuất – nhập khẩu…có đường biên giới dài, tiếp giáp 2 nước Lào và Campuchia, dọc đường biên có nhiều đường mòn, lối mở nên nhiều đối tượng đã móc nối, tuồn ma túy về Việt Nam để kiếm lời. Các “con mồi” mà chúng nhắm tới đa phần là người DTTS, đời sống còn nhiều khó khăn, hạn chế hiểu biết về pháp luật, dễ bị mua chuộc, lợi dụng và lôi kéo.

 Cột mốc biên giới ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia hay còn gọi là cột mốc ba biên Đông Dương, khu vực vẫn được ví là một tiếng gà gáy ba nước đều nghe

Cột mốc biên giới ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia hay còn gọi là cột mốc ba biên Đông Dương, khu vực vẫn được ví là một tiếng gà gáy ba nước đều nghe

Vì được trả tiền công cao, thấy được lợi nhuận từ việc vận chuyển thuê ma túy, một số cá nhân đã không quan tâm đến sự trừng trị nghiêm khắc của pháp luật mà tham gia vào con đường vận chuyển ma túy để rồi nhận lại cái kết “đắng”.

Những ngày cuối tháng 9, PV Báo Nhà báo và Công luận có dịp theo chân các cán bộ, chiến sỹ Công an xã Pờ Ê tham gia tuyên truyền phòng, chống ma túy ở làng Đắk Mế (xã Pờ Ê). Nằm cách trung tâm huyện Ngọc Hồi chừng 15km, làng Đắk Mế tọa lạc nơi ngã ba biên giới Việt Nam – Lào – Campuchia, là nơi quần tụ của hơn 450 nhân khẩu người dân tộc thiểu số Brâu - một trong những dân tộc ít người nhất cả nước.

Hàng chục năm qua, nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, đời sống của đồng bào Brâu đã “thay da, đổi thịt”. Làng Đắk Mế được các cấp chính quyền địa phương quan tâm đầu tư nhiều nguồn lực để ổn định định canh, định cư phát triển kinh tế, nhiều giá trị văn hóa truyền thống cũng được gìn giữ và phát huy…Tuy nhiên, những năm gần đây “bóng đen” ma túy đã xâm nhập làm đảo lộn cuộc sống của người dân và đang vấy bẩn tương lai tươi sáng của làng Đắk Mế.

Thiếu tá Hoàng Văn Long - Phó Trưởng Công an xã Pờ Y cho biết: “Chỉ từ năm 2020 đến tháng 9/2024, các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý 47 vụ/62 đối tượng vi phạm về ma túy; thu giữ gần 12.000 gram Heroin, hơn 20.000 gram Methamphetamine và 2 viên hồng phiến. Trong các vụ phần lớn là tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy và sử dụng trái phép chất ma túy. Đây cũng là địa bàn có các đối tượng lãnh án chung thân và tử hình liên quan đến ma túy nhiều nhất tỉnh Kon Tum”.

Con mất cha, vợ mất chồng

Từng là một gia đình rất hạnh phúc, hằng ngày 2 vợ chồng chị Y Thếp (SN 1987, trú tại thôn Đắk Mế) chăm chỉ lên rẫy làm lụng nuôi 2 hai con ăn học. Sau những giờ lao động mệt nhọc trên nương rẫy, tối đến cả nhà bốn người cùng sum vầy bên mâm cơm rộn rã tiếng cười. Cuộc sống yên bình và hạnh phúc cứ thế trôi qua, cho đến khi A Hùng (chồng của Thếp) dính vào ma túy.

 Chị Thếp (ở giữa) kể về quá khứ lầm lỗi của người chồng khiến cuộc sống gia đình vốn đang êm ấm bị đảo lộn

Chị Thếp (ở giữa) kể về quá khứ lầm lỗi của người chồng khiến cuộc sống gia đình vốn đang êm ấm bị đảo lộn

Từ một con nghiện Hùng đã tham gia vào con đường vận chuyển trái phép chất ma túy rồi bị bắt giữ vào tháng 1/2024 vì vận chuyển 2 bánh heroin. Mất trụ cột gia đình cùng khoản nợ đè nặng lên vai của người vợ, kinh tế gia đình chị Thếp lâm vào cảnh bần cùng, con cái phải sống cảnh không cha, vợ xa chồng, mẹ già thường xuyên đau ốm không có người chăm sóc.

Gạt giọt nước mắt lăn dài trên gò má, chị Y Thếp trải lòng: “Ngày trước anh ấy rất chăm chỉ làm ăn, 2 vợ chồng còn dự định sẽ tích góp mua thêm đất để phát triển kinh tế. Thế nhưng từ khi theo bạn bè tụ tập rồi nghiện ma túy, từ một người khỏe mạnh ổng trở nên gầy gò, ốm yếu. Cũng từ đó, kinh tế của gia đình ngày càng sa sút. Chứng kiến con trai nghiện nặng, khuyên ngăn không được mẹ chồng cũng buồn rầu rồi sinh ra bệnh tật. Để chữa bệnh cho bà, gia đình phải bán hết ruộng vườn và vay mượn khắp nơi. Và cũng vì bố dính đến ma túy nên đứa con út cũng mặc cảm, tự ti với bạn bè rồi bỏ học khi vừa mới lên lớp 6”.

 Người vợ trẻ không thể ngăn giọt nước mắt khi nhắc về chồng

Người vợ trẻ không thể ngăn giọt nước mắt khi nhắc về chồng

Chồng bị bắt, ruộng vườn cũng đã bán hết, ngay cả căn nhà cấp 4 xuống cấp nơi trú ngụ của 2 mẹ con cũng bị A Hùng cầm cố trước đó. Lo sợ bị mất nhà, chị Y Thếp đành nhờ người con đầu (đã lập gia đình) trông nom em rồi sang Lào làm thuê, kiếm tiền trả nợ. Thế nhưng được vài tháng, con gái sinh không ai chăm sóc và cũng lo sợ con trai thiếu thốn tình cảm gia đình, bị lôi kéo đi vào vết xe đổ của cha nên chị đành khăn gói trở về.

Thêm một lần nữa nhắc về chồng, chị Y Thếp khựng lại, giọt nước mắt bỗng tuôn trào. Mặc dù vụ án của chồng chưa được được xét xử nhưng trong thâm tâm chị hiểu rõ mức án mà người chồng phải đối mặt là rất nặng và có lẽ chẳng thể sớm trở về cùng gia đình.

Cách nhà chị Thếp vài con ngõ là ngôi nhà tuềnh toàng, xiêu vẹo của người bà, người mẹ Y Diêu (SN 1989). Căn nhà chưa đầy 40m2, được thưng bằng những tấm ván mỏng cũ kỹ, thủng lổ chỗ, trong nhà không có lấy 1 thứ gì giá trị là nơi sinh sống của 4 mẹ con, bà cháu.

 Căn nhà tạm được quây bằng những tấm ván cũ kỹ của chị Diêu cùng 2 người con gái và đứa cháu ngoại

Căn nhà tạm được quây bằng những tấm ván cũ kỹ của chị Diêu cùng 2 người con gái và đứa cháu ngoại

Có lẽ thứ giá trị của chị Diêu chính là 2 cô con gái và đứa cháu ngoại vừa mới chào đời. Từ ngày chồng lãnh án tử vì tham gia vận chuyển 3kg ma túy, hàng ngày chị phải gồng mình làm thuê, làm mướn để có tiền nuôi con và cháu.

“Cuộc sống vốn khó khăn nhà lại không có đất rẫy, ruộng vườn gì nên chồng mình - Thao Say phải sang Lào làm thuê. Cũng từ đây, ổng bị dụ dỗ, lôi kéo vào con đường vận chuyển ma túy thuê để rồi phải lãnh án tử. Năm nay là năm thứ 5 chấp hành án nhưng lần nào đi thăm chồng cũng bật khóc, ân hận vì hành vi của mình, tuy nhiên giờ có khóc thì cũng đã muộn màng”, chị Y Diêu bộc bạch.

 Chị Y Diêu (bên trái) kể về bi kịch của gia đình khi người chồng dính vào ma túy

Chị Y Diêu (bên trái) kể về bi kịch của gia đình khi người chồng dính vào ma túy

Nỗi đau mang tên ma túy

Rời thôn Đăk Mế, chúng tôi tiếp tục tìm đến thôn Bun Ngai, xã Sa Loong (huyện Ngọc Hồi). Cũng vì ma túy đã khiến cuộc sống của gia đình bà Y Nguyên (SN 1982) rơi vào bế tắc, bị đảo lộn hoàn toàn. Đứa con trai út vừa mới chào đời được vài tháng thì bà Nguyên hay tin chồng là Thao Minh Xá (SN 1977) bị Công an bắt trong vụ vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy liên tỉnh hồi tháng 3/2024.

Chưa kịp định thần, thế nhưng cũng chẳng còn sự lựa chọn nào khác, bà Nguyên đành phải gắng gượng cán đán mọi thứ, vay mượn khắp nơi lo từng bữa ăn cho đàn con thơ.

“Gia đình tôi có 4 người con trong đó 1 cháu đã lập gia đình, cháu nhỏ nhất chưa được 1 tuổi. Mặc dù khó khăn vất vả song cuộc sống trước đây của chúng tôi rất hạnh phúc. Đều đặn hàng ngày 2 vợ chồng cùng nhau đi làm thuê, dù không dư giả nhưng cũng đủ ăn. Nghĩ rằng kiếm thêm một ít để kinh tế vững hơn, để 2 cháu út được đến trường, không dở dang như anh chị nên sau đó chồng mình đã sang Lào làm việc.

Thế nhưng khi chưa được đồng nào mang về thì tháng 3/2024, mình như chết lặng nghe tin chồng bị bắt trong đường dây vận chuyển 5kg ma túy. Nhà không có điều kiện nên từ đó đến nay mình cũng chưa được đi thăm chồng”, bà Y Nguyên nghẹn ngào nói.

 Chồng bị bắt đã hơn nửa năm nay song bà Y Nguyên vẫn chưa thể chấp nhận sự thật

Chồng bị bắt đã hơn nửa năm nay song bà Y Nguyên vẫn chưa thể chấp nhận sự thật

Theo tìm hiểu của PV, phần lớn những gia đình có người thân vướng vòng lao lý vì ma túy, sự học của các con em đều dở dang, tình trạng học sinh bỏ học rất nhiều. Năm 2023, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có đến 3 án chung thân và tử hình vì liên quan đến ma túy và chỉ trong 9 tháng đầu năm 2024 có đến 4 án tử và 1 án chung thân cũng liên quan đến ma túy.

Bà Đinh Thị Khiêm – Bí thư kiêm Thôn trưởng thôn Đăk Mế cho biết: “Vì hám lợi, cộng với thiếu hiểu biết về pháp luật lại bị kẻ xấu lợi dụng, mua chuộc nên nhiều người dân tộc thiểu số ở làng đã tham gia mua bán, vận chuyển ma túy. Hậu quả của việc mua bán, vận chuyển ma túy là gia đình tan nát, an ninh trật tự thôn làng bị đảo lộn, tệ nạn xã hội nảy sinh. Có gia đình cả vợ lẫn chồng đều vướng vào vòng lao lý vì ma túy, con cái đành phó mặc cho ông bà già yếu chăm sóc, nhiều đứa trẻ không nơi nương tựa… rất thương tâm”.

Bài và ảnh: Trần Hiền

Kỳ 2: “Đánh” án ma túy ở ngã ba Đông Dương

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ky-1-nhung-he-luy-dau-long-tu-ma-tuy-post317414.html