Kỳ 2: Để phủ kín mạng lưới điện

PTĐT - Toàn tỉnh hiện có gần 90 khu dân cư trong tình trạng chưa có điện hoặc 'đói điện', trong đó tập trung nhiều tại huyện Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập. Nhu cầu thiết yếu về điện của người dân tại những khu vực này là hoàn toàn chính đáng song để giải quyết thỏa đáng lại không thể xong trong một sớm, một chiều.

>>> Kỳ 1: Những “ô trống” trên mạng lưới điện PTĐT - Toàn tỉnh hiện có gần 90 khu dân cư trong tình trạng chưa có điện hoặc “đói điện”, trong đó tập trung nhiều tại huyện Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập. Nhu cầu thiết yếu về điện của người dân tại những khu vực này là hoàn toàn chính đáng song để giải quyết thỏa đáng lại không thể xong trong một sớm, một chiều.

Huyện Yên Lập hiện có 4 khu chưa có điện hoặc khan điện đó là khu Vông 1, Vông 2, xã Phúc Khánh; khu Bằng, khu Gầy, xã Trung Sơn. Tại xã Phúc Khánh, sau nhiều lần đề xuất, kiến nghị chưa đạt kết quả, cuối năm 2018, UBND xã Phúc Khánh đã làm đơn xin rút khu Vông 1, Vông 2 ra khỏi danh sách “dùng ké” điện của Công ty Dịch vụ và Môi trường thị trấn Yên Lập để chờ điện lưới Quốc gia do Công ty Điện lực cung cấp.
Trao đổi với ông Trần Việt Hùng- Chủ tịch UBND huyện Yên Lập được biết: Đối với 2 khu Gầy và Bằng thuộc xã Trung Sơn hoàn toàn chưa có điện, UBND huyện Yên Lập đã làm việc, kiến nghị với Sở Công thương và Công ty Điện lực Phú Thọ. Tuy nhiên vẫn phải đợi phân bổ nguồn vốn từ dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia. Riêng khu Vông 1, Vông 2 tại xã Phúc Khánh, Công ty Điện lực Phú Thọ đã thống nhất sẽ đưa cấp điện cho khu Vông 1, Vông 2 vào kế hoạch đầu tư trong năm 2020.

Đèn pin, nguồn ánh sáng duy nhất đem con chữ cho học sinh tại khu Vông 1, Vông 2 xã Phúc Khánh, huyện Yên Lập

Đèn pin, nguồn ánh sáng duy nhất đem con chữ cho học sinh tại khu Vông 1, Vông 2 xã Phúc Khánh, huyện Yên Lập

Ông Nguyễn Anh Vũ – Giám đốc điện lực Cẩm Khê, đơn vị quản lý và vận hành lưới điện tại 2 huyện Yên Lập và Cẩm Khê khẳng định: Điện lực Cẩm Khê đã khảo sát thực địa tại khu Vông 1, Vông 2 và đã báo cáo xin chủ trương đầu tư của Công ty Điện lực Phú Thọ để lập dự án trình Tổng công ty Điện lực miền Bắc. Dự kiến đơn vị sẽ đầu tư 1,3 km dây trung thế và 2,5km dây hạ thế cùng trạm biến áp 180 KVA nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định cho 2 khu trên trong năm 2020. Liên quan đến vấn đề điện tại huyện Thanh Sơn, đặc biệt là tình trạng “đói điện” ở khu Đồng Chỏm, xã Tất Thắng, đại diện Điện lực huyện Thanh Sơn đưa ra giải pháp: Trước mắt ngành điện triển khai ưu tiên “cấy” các trạm biến áp cho khu vực đông dân cư và những vùng chưa có điện. Với đặc thù huyện miền núi có diện tích rộng, dân cư phân bố rải rác thì hệ thống đường dây xương cá vẫn phải chờ kinh phí đầu tư. Rất mong nhân dân chia sẻ với khó khăn của ngành điện. Còn về vấn đề điện yếu tại xã Tất Thắng, một tin vui sắp tới cho bà con nhân dân là năm 2020, dự án lắp đặt 2 trạm biến áp công suất 180 kVA và 130 kVA tại hai khu 13 và 15 ở xã Tất Thắng với tổng số tiền đầu tư trên 3 tỷ đồng sẽ chính thức khởi động. Hai trạm biến áp sẽ giảm bán kính cấp điện và giải quyết được vấn đề điện yếu đã tồn tại nhiều năm qua.Trên thực tế, việc xây dựng mạng lưới điện cho các khu, xóm đặc biệt là tại vùng núi là một khó khăn không chỉ tại riêng của tỉnh mà là khó khăn chung của nhiều địa phương trên cả nước, bởi suất đầu tư trên 1km đường dây truyền tải điện ở đây lớn hơn rất nhiều so với vùng đồng bằng do chi phí vận chuyển, xây dựng trên địa hình phức tạp. Bên cạnh đó, sau khi xây dựng xong cần đảm bảo nhân, vật lực để vận hành, duy tu, bảo dưỡng cũng rất khó khăn và tốn kém cho ngành điện. Các khu, xã vùng núi địa hình khó khăn, địa bàn rộng, mật độ dân cư thưa thớt nên lượng tiêu thụ điện không nhiều, bởi vậy nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải điện đến các hộ gia đình chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách Nhà nước và các dự án viện trợ ODA. Được biết, Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia của tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2316/QĐ-UBND ngày 26/9/2014 với tổng kinh phí đầu tư là gần 227 tỷ đồng, đầu tư tại 104 thôn, bản thuộc 23 xã trên địa bàn 4 huyện Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập, Thanh Thủy. Theo số liệu của Sở Công thương tỉnh, trong giai đoạn I của dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia đã kết thúc vào năm 2018 với tổng kinh phí thực hiện là 61,5 tỷ đồng, đã có 18 thôn, bản được cấp mới, nâng cấp hệ thống để ổn định cung cấp điện cho người dân sử dụng. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách từ Trung ương khó khăn, nên phải đến năm 2019 chủ đầu tư là Sở Công thương tỉnh mới tiếp tục nhận được vốn từ nguồn vốn tài trợ không hoàn lại của EU với tổng kinh phí là hơn 123 tỷ đồng để triển khai tiếp dự án trong giai đoạn 2018-2020.Đại diện lãnh đạo phòng Quản lý năng lượng, Sở Công thương tỉnh cho biết, đến thời điểm hiện tại, Chủ đầu tư đã nhận được phân bổ nguồn vốn từ Trung ương và đang chuẩn bị đấu thầu dự án. Ngay sau khi đấu thầu xong dự án sẽ được triển khai và khi hoàn thành cơ bản 100% số khu, xóm, bản trên toàn tỉnh sẽ được sử dụng điện từ lưới điện Quốc gia.Bên cạnh những khó khăn, vất vả của người dân không chỉ là miếng cơm, manh áo mà còn là nỗi khát khao, mong mỏi được sử dụng điện lưới quốc gia từ bao lâu nay, mọi hoạt động đều phụ thuộc vào tự nhiên. Chính vì vậy, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, ngoài cái đói, cái nghèo, người dân không được tiếp cận với thông tin, không cập nhập được những kiến thức khoa học tiến bộ để áp dụng trong sản xuất; đời sống giải trí tinh thần càng nghèo nàn hơn. Phủ kín mạng điện trên toàn tỉnh là mong muốn lớn nhất của chính quyền địa phương và người dân ở những “ô trống” để người dân được sử dụng những thiết bị điện, học hỏi khoa học kỹ thuật… giúp họ xóa đi cái nghèo, có cuộc sống no ấm, ngày càng văn minh hơn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Việt Hà – Đức Hoàng

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/201908/ky-2-de-phu-kin-mang-luoi-dien-166553