Kỳ 2: 'Điểm nhấn' từ ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách thủ tục hành chính

Bên cạnh chú trọng cải cách thể chế, tổ chức bộ máy, trong giai đoạn 2011-2020, TP Hà Nội đã quyết liệt rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo nhiều thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp (DN).

Giải quyết đúng hạn 99,18% hồ sơ hành chính

Hàng năm, UBND TP đều ban hành các Kế hoạch để tổ chức thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Đồng thời, ban hành hàng ngàn quyết định công bố TTHC, danh mục TTHC; thường xuyên rà soát, chuẩn hóa, xóa bỏ dữ liệu TTHC dư thừa, trùng lặp trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC; kịp thời nhập, đăng tải công khai, tích hợp dữ liệu TTHC thuộc phạm vi chức năng trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC.

Trong 5 năm từ 2015 đến 2019, TP đã hoàn thành việc rà soát, đơn giản hóa các TTHC thuộc nhiều lĩnh vực. Qua đơn giản hóa 481 thủ tục, chi phí tiết giảm thực hiện TTHC cho tổ chức, cá nhân ước tính khoảng trên 91 tỷ đồng/năm. Đồng thời, TP ban hành mới 399 TTHC, danh mục 969 TTHC, sửa đổi bổ sung 1145 TTHC, bãi bỏ 742 TTHC; phê duyệt 1.717 quy trình nội bộ trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước của Sở, ngành.

Việc giải quyết TTHC ngày càng được đảm bảo đúng thời gian, qui trình, tỷ lệ giải quyết trước hạn đạt tỷ lệ cao. Tính từ năm 2015 đến năm 2019, toàn TP đã tiếp nhận 66.274.910 hồ sơ (bao gồm cả số hồ sơ TTHC do cơ quan ngành dọc đóng trên địa bàn tiếp nhận, giải quyết), đã giải quyết đúng hạn 65.731.793 (tỷ lệ đúng hạn 99,18%).

Công tác kiểm tra hoạt động kiểm soát TTHC được thực hiện thường xuyên, công tác tự kiểm tra được quan tâm thực hiện, phục vụ tốt cho công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo và nâng cao ý thức trách nhiệm của công chức trong thực thi công vụ.

Các cơ quan, đơn vị thuộc TP cũng chủ động triển khai thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông với nhiều mô hình, sáng kiến, cách làm hay. Hiện nay, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các cơ quan, đơn vị đều được bố trí độc lập và đặt tại nơi trang trọng của cơ quan, đơn vị, thuận lợi cho cá nhân, tổ chức đến giao dịch.

Nhằm tạo thuận lợi cho DN, TP tiếp tục thực hiện đăng ký thành lập mới DN qua mạng trong 2 ngày làm việc (trước 1 ngày so với yêu cầu của Luật DN) đối với quá trình giao dịch trên mạng và trả kết quả sau 2 giờ kể từ khi tiếp nhận hồ sơ bằng bản giấy tại cơ quan đăng ký kinh doanh.

Trong lĩnh vực quản lý đất đai, TP đã rút ngắn thời gian thực hiện TTHC trong công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất xuống còn 12 ngày; thời gian cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ 30 ngày xuống còn 14 ngày. Xây dựng Cổng giao tiếp điện tử giữa cơ quan thuế và người nộp thuế; tiếp tục triển khai hệ thống gửi thư điện tử tự động đến 114.072 email của các DN về thông báo nợ thuế, các chính sách thuế mới, hướng dẫn quyết toán thuế…

Đáng quan tâm, TP đẩy mạnh việc liên thông các nhóm TTHC. Hiện, Hà Nội là địa phương duy nhất thực hiện được việc liên thông TTHC về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi theo Thông tư liên tịch 05 và triển khai trên ứng dụng trực tuyến.

Đồng thời, thực hiện liên thông các TTHC đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí, và rút ngắn thời gian giải quyết của các nhóm TTHC liên thông từ 7 ngày đến 18 ngày…

Giải quyết TTHC cho người dân tại Bộ phận một cửa phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội.

Giải quyết TTHC cho người dân tại Bộ phận một cửa phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội.

96% sử dụng văn bản điện tử

Cùng với chú trọng cải cách TTHC, TP Hà Nội đặc biệt quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính quyền điện tử với mục tiêu phấn đấu đi đầu cả nước về xây dựng Chính quyền điện tử và TP thông minh.

Hiện, TP đảm bảo duy trì mạng thông tin điện tử, chia sẻ dữ liệu giữa Thành ủy - HĐND - UBND TP phục vụ chỉ đạo, điều hành, duy trì, khai thác sử dụng thường xuyên hệ thống họp trực tuyến. Phát triển cơ sở hạ tầng CNTT đến cấp huyện và cấp xã phục vụ yêu cầu giải quyết công việc và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. UBND TP đã chỉ đạo triển khai lắp đặt các thiết bị màn hình cảm ứng, trang thiết bị CNTT để tuyên truyền và hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại các khu chung cư, tổ dân phố,... tại các quận, huyện, thị xã theo hình thức xã hội hóa.

100% Sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn sử dụng phần mềm quản lý văn bản kết nối, liên thông trên môi trường mạng. TP đã triển khai hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành TP, kết nối Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử. 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng (trừ văn bản mật), trong đó 96% sử dụng văn bản điện tử, không gửi giấy.

Về cơ sở dữ liệu (CSDL) cốt lõi, TP đã hoàn thành 4/6 CSDL: CSDL dân cư trên 7,9 triệu người dân Hà Nội; CSDL quản lý DN, hoàn thành số hóa 100% dữ liệu hồ sơ đăng ký DN; CSDL tài chính, từng bước hình thành hệ thống dữ liệu thống nhất, tập trung; tích hợp các hệ thống thông tin quản lý về giá, quản lý tài sản công; quản lý đầu tư liên ngành…

Tính đến tháng 6 năm 2020, trên địa bàn Hà Nội, tổng số thủ tục hành chính đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 là 1.518/1.659 thủ tục hành chính. Trong đó, 1.130 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 388 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Từ ngày 26-10-2018 đến ngày 24-5-2020, tổng số hồ sơ tiếp nhận trên hệ thống thông tin một cửa điện tử TP là 3.458.474 hồ sơ, trong đó hồ sơ tiếp nhận trực tuyến là 691.694/3.458.474 hồ sơ được tiếp nhận trực tuyến, đạt tỉ lệ 20%. Tổng số kinh phí thu được từ giải quyết TTHC bằng việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến tại các đơn vị thuộc TP từ năm 2016 đến ngày 15/11/2019 là: 160.819.619.000 đồng.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ky-2-diem-nhan-tu-ung-dung-cong-nghe-thong-tin-va-cai-cach-thu-tuc-hanh-chinh-200436.html