Kỳ 2: Mức xử phạt chưa có tính răn đe đối với cá nhân, doanh nghiệp vi phạm

Quảng cáo một cách 'hồn nhiên', bất chấp những quy định của phạm pháp luật thế nhưng các quảng cáo trên mạng xã hội lại luôn tiếp cận với lượng lớn người dùng. Mặc dù đã có chế tài xử phạt, thế nhưng những cố gắng của cơ quan chức năng vẫn như cóc bỏ đĩa… bởi sự đơn giản của quảng cáo trên mạng xã hội.

Luật Quảng cáo (sửa đổi) - Quảng cáo trên mạng xã hội

 Những quảng cáo vi phạm các quy định của pháp luật “hồn nhiên” xuất hiện trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình.

Những quảng cáo vi phạm các quy định của pháp luật “hồn nhiên” xuất hiện trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình.

Các quy định rất rõ ràng về các hành vi quảng cáo bị nghiêm cấm

Dù luật pháp Việt Nam đã nghiêm cấm hành vi lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức, nhưng rõ ràng, việc quảng cáo về các phương thuốc lựa chọn thai nhi hoặc xét nghiệm giới tính sớm vẫn bất chấp để “giăng” dày đặc trên mạng xã hội. Điều này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn đe dọa gây mất cân bằng giới tính nghiêm trọng trong tương lai. Đây không chỉ là một vấn đề xã hội mà còn là một nguy cơ đối với an ninh quốc gia, khi sự mất cân bằng giới tính có thể dẫn đến nhiều hệ lụy khác nhau.

Thực tế, các quảng cáo liên quan đến chọn giới tính thai nhi hoặc làm bằng cấp, giấy tờ giả… là những hành vi không được phép quy định rất rõ trong các bộ Luật.

Cụ thể, khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 nghiêm cấm những hành vi trong hoạt động quảng cáo. Cụ thể như quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng…

Còn Nghị định 38/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, Khoản 1 Điều 34 quy định phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với các hành vi quảng cáo sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn về khả năng cung cấp sản phẩm, dịch vụ. Còn theo Khoản 2 Điều 34 quy định, nếu quảng cáo vi phạm các chuẩn mực về đạo đức, văn hóa (đi ngược lại với thuần phong mỹ tục), mức phạt có thể tăng lên từ 20 triệu đến 40 triệu đồng. Ngoài việc phạt tiền, các hình thức xử phạt bổ sung có thể bao gồm buộc gỡ bỏ quảng cáo hoặc cải chính thông tin.

Nghị định 125/2021/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới thì việc sử dụng từ ngữ quảng cáo phân biệt giới tính có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 30 triệu đồng tại Khoản 3 Điều 10. Cơ quan quản lý có quyền yêu cầu chỉnh sửa hoặc rút bỏ nội dung quảng cáo nếu vi phạm về bình đẳng giới.

Không chỉ vậy, ngay cả việc đưa lên mạng xã hội những bài viết có nội dung về phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn cũng bị phạt từ 5-10 triệu đồng. Hành vi dịch, xuất bản, sản xuất, in, phát hành, nhân bản, sao chụp xuất bản phẩm, bài viết có nội dung về phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn cũng bị phạt từ 10-15 triệu đồng.

Còn đối với các quảng cáo về dịch vụ mua bán giấy tờ giả, việc mua bán, sử dụng các loại giấy tờ giả không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật hành chính mà còn vi phạm và bị xử lý về hình sự theo quy định tại Điều 341, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cụ thể, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật thì bị phạt tiền từ 30 triệu đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Theo các luật sư, hành vi này ngoài việc xâm phạm đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước về con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác mà nó còn có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng nếu người sử dụng giấy tờ giả để hoạt động trong lĩnh vực y tế, giáo dục, điều khiển phương tiện tham gia giao thông...

 Poster quảng cáo về dịch vụ xét nghiệm giới tính của 1 phòng khám đăng trên mạng xã hội. Ảnh: N.D

Poster quảng cáo về dịch vụ xét nghiệm giới tính của 1 phòng khám đăng trên mạng xã hội. Ảnh: N.D

Mức xử phạt chưa có tính răn đe

Theo báo cáo của nền tảng chuyên thu thập và cung cấp dữ liệu Statista, quảng cáo trên mạng xã hội là thị trường lớn thứ hai trong lĩnh vực quảng cáo kỹ thuật số. Tính riêng năm 2023, doanh thu quảng cáo trên mạng xã hội đã đạt 207 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng lên 255 tỷ USD vào năm 2028.

Lợi nhuận của dịch vụ quảng cáo trên mạng xã hội đến từ việc khai thác các lợi thế sẵn có như lượng người dùng đông đảo, khả năng lan truyền thông tin nhanh chóng, tiếp cận khách hàng dựa trên sở thích người dùng mạng xã hội, tương tác với khách hàng tiềm năng...

Theo báo cáo của We Are Social, tại Việt Nam, lượng người xem quảng cáo trên Facebook chiếm 67,2% tổng dân số quốc gia, trong khi đó lượng người xem quảng cáo trên YouTube chiếm 63,9% tổng dân số.

Bên cạnh đó, sự phát triển của thương mại điện tử cũng góp phần vào quá trình tăng trưởng nhanh chóng của thị trường quảng cáo trên mạng xã hội. Bởi lẽ, người dùng mạng xã hội không cần phải trực tiếp đến các cửa hàng, siêu thị, cơ sở cung cấp dịch vụ để mua hàng mà có thể giao dịch nhanh chóng trên các nền tảng này.

Trong khi đó, chính sách quản lý quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội đang lỏng lẻo. Vì mục tiêu tiếp cận khách hàng tiềm năng, các đơn vị cung ứng dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới sẵn sàng phân phối các nội dung quảng cáo "sạch" vào các video, trang tin có nội dung xấu, nhảm nhí. Đơn cử, Facebook cho phép tất cả tài khoản cá nhân, tài khoản fanpage được phép tạo quảng cáo miễn là trả phí theo phương thức mà mạng xã hội này cung cấp.

Đây là kẽ hở nghiêm trọng để các doanh nghiệp, cá nhân thiết lập các tài khoản rao bán, quảng cáo những dịch vụ pháp luật không cho phép.

Như đã dẫn ở trên từ việc xử phạt quảng cáo “thuốc sinh con trai” hay lựa chọn giới tính thai nhi, từ năm 2021, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định quan trọng nhằm siết chặt hoạt động quảng cáo. Tiếp đến, ngày 23/3/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố Danh sách nội dung "đã được xác thực" trên mạng (White List) sử dụng cho hoạt động quảng cáo để khuyến khích các đơn vị phát hành, cung cấp dịch vụ quảng cáo trên mạng xã hội đặt quảng cáo trên các trang thông tin điện tử tổng hợp, báo, tạp chí điện tử, kênh, mạng xã hội đã được cơ quan nhà nước xác minh và cấp phép.

Tính đến thời điểm hiện tại, từ những quy định pháp luật cụ thể này, cơ quan chức năng đã xử lý không ít cá nhân, doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo. Tuy nhiên, mức xử phạt hiện nay chưa có tính răn đe đối với cá nhân, doanh nghiệp vi phạm. Một điều nữa, đối tượng xử phạt về vi phạm quảng cáo hiện nay ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở các đơn vị phân phối quảng cáo trên mạng xã hội mà chưa vươn tới các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube.

Bởi lẽ, thuật toán của các nền tảng này hoàn toàn có thể nhận diện được các tài khoản mạo danh cá nhân, doanh nghiệp; loại bỏ các quảng cáo vi phạm pháp luật cũng như phân phối chính xác các quảng cáo "sạch" đến White List. Dù vậy, các doanh nghiệp này lại đang tỏ ra vô can, thiếu trách nhiệm trong việc cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới với lý do họ chỉ là đơn vị trung gian.

(Còn nữa)

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-2-muc-xu-phat-chua-co-tinh-ran-de-doi-voi-ca-nhan-doanh-nghiep-vi-pham-397673.html&dm=027b572e9e1c071dcb7910c5daa29efe&utime=mjayndewmtewnza1ndq=&secureurl=96