Kỳ 2: Những bất cập của cán bộ Văn phòng Đảng ủy hoạt động không chuyên trách cấp xã

Vị trí cán bộ Văn phòng Đảng ủy cấp xã là đối tượng không chuyên trách, chế độ phụ cấp thấp, một số người được bố trí kiêm nhiệm thêm công việc khác để tăng thêm thu nhập, nhưng mức tăng cũng không đáng kể.

Công việc nhiều, thu nhập thấp

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Công tác văn phòng có tầm quan trọng đặc biệt, giúp cho cán bộ lãnh đạo nắm được tình hình, cán bộ văn phòng nắm tình hình sai thì lãnh đạo sẽ giải quyết công việc không đúng”.

Ngoài giải quyết công việc hành chính được phân công phụ trách, cán bộ không chuyên trách Văn phòng Đảng ủy cũng gắn bó với phong trào ở thôn, xóm

Văn phòng là một bộ phận quan trọng trong bộ máy các cơ quan tham mưu, giúp việc, giúp cấp ủy tổ chức, điều hành công việc lãnh đạo. Vì vậy, có thể xem văn phòng cấp ủy là “bộ óc thứ hai” của cấp ủy cơ sở. Thực tế hiện nay, Văn phòng cấp ủy có chức năng tham mưu và phục vụ. Hai nội dung này đan xen, quan hệ mật thiết với nhau, trong đó, để làm tốt công tác tham mưu, đòi hỏi người cán bộ văn phòng phải có hiểu biết, đặc biệt phải thạo việc.

Chị Dương Thị Hoa, cán bộ không chuyên trách Văn phòng Đảng ủy xã Xuân Liên (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cho biết, Văn phòng cấp ủy tham mưu rất nhiều nội dung nhằm giúp cấp ủy thực hiện công tác lãnh đạo hằng ngày. Đó là phối hợp với các cơ quan, bộ phận xây dựng và tham mưu việc tổ chức thực hiện chương trình của cấp ủy, đồng thời chủ động nắm bắt tình hình và chuẩn bị các báo cáo theo quy định; giúp cấp ủy tổ chức hội nghị hoặc các cuộc làm việc của cấp ủy với các cấp thuộc quyền; tiếp đón khách, Nhân dân đến liên hệ công tác có liên quan đến cấp ủy; thực hiện nhiệm vụ công tác văn thư, lưu trữ, quản lý con dấu, thu, nộp đảng phí và quản lý tài sản trong trụ sở cấp ủy. Ngoài ra văn phòng cấp ủy cơ sở còn có nhiệm vụ giúp cấp ủy giải quyết các yêu cầu đột xuất như: kết nạp đảng viên, khen thưởng, kỷ luật đảng viên; tiếp nhận và xử lý đơn, thư gửi cấp ủy, kiến nghị với cấp ủy xử lý những đơn, thư cần thiết...

"Song song với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của Văn phòng cấp ủy, mặc dù là cán bộ không chuyên trách nhưng do yêu cầu nhiệm vụ, hầu như cả tuần, chúng tôi phải đi làm như các cán bộ, công chức khác", chị Võ Thị Thùy, cán bộ không chuyên trách Văn phòng Đảng ủy xã Xuân Hội (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị An, cán bộ không chuyên trách Văn phòng Đảng ủy xã Cổ Đạm (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang giải quyết công việc hành chính được phân công phụ trách

Đánh giá về cán bộ không chuyên trách Văn phòng Đảng ủy, bà Phan Thị Phương Nam, Phó Bí thư Đảng ủy xã Cổ Đạm (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cho biết, những thành công của cấp ủy địa phương trong thời gian qua có sự đóng góp rất tích cực của cán bộ không chuyên trách văn phòng đảng ủy. Trong công việc thường ngày, cán bộ không chuyên trách văn phòng đảng ủy luôn nêu cao tinh thần làm việc; sẵn sàng chia sẻ, gánh vác trách nhiệm với các bộ phận khác. Ngoài giải quyết công việc hành chính được phân công phụ trách, cán bộ không chuyên trách Văn phòng Đảng ủy cũng gắn bó với phong trào ở thôn, xóm, tham gia các hoạt động tại cơ sở.

Tuy nhiên, khó khăn đối với cấp ủy cơ sở hiện nay là, văn phòng cấp ủy cơ sở chỉ duy nhất một đồng chí phụ trách, bởi trong quy định, chức danh “văn phòng đảng ủy” là cán bộ không chuyên trách. Nghị định 92/CP, ngày 22/10/2009 của Chính phủ, không quy định văn phòng đảng ủy có định biên. Đây cũng là một khó khăn lớn đối với sự hoạt động của cấp ủy xã, phường, tác động trực tiếp vào đời sống của cán bộ đảm nhận công việc này. Bởi cho đến nay, vị trí cán bộ Văn phòng Đảng ủy cấp xã là đối tượng hợp đồng thời vụ, không chuyên trách nên không được hưởng lương, chỉ được hưởng phụ cấp hằng tháng bằng 1,0 mức lương tối thiểu chung. Một số người được bố trí kiêm nhiệm thêm công việc khác để tăng thêm thu nhập, nhưng mức tăng cũng không được quá 2.0, tức tương đương với khoảng 2,6 triệu đồng/tháng.

Chị Nguyễn Thị An (SN 1977), cán bộ không chuyên trách Văn phòng Đảng ủy xã Cổ Đạm (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cho biết, chị bắt đầu làm cán bộ Văn phòng Đảng ủy xã từ tháng 12/2006. Năm 2010, lãnh đạo xã thấy phụ cấp của chị ít ỏi nên cho kiêm thêm công việc của Phó Chủ tịch UBMTTQ xã. Với hai vị trí này, mỗi tháng, chị được hưởng 2,6 triệu đồng. Tuy vậy, thu nhập hàng tháng của chị không đáp ứng nhu cầu trang trải tối thiểu của cuộc sống gia đình.

Thay đổi thường xuyên do thiếu " mặn mà" công việc

Ngoài lý do phụ cấp không đáng kể so với mức lương làm cho các cơ sở kinh doanh, dịch vụ bên ngoài, không ít cán bộ không chuyên trách văn phòng Đảng ủy muốn nghỉ việc. Theo quy định, cán bộ không chuyên trách mỗi tuần phải có mặt ở cơ quan 3 ngày. Tuy nhiên, trên thực tế đội ngũ này phải thường xuyên có mặt ở cơ sở hoặc nơi công tác để làm cho hết phần việc chuyên môn. Ngoài ra, còn bao việc không tên khác mà mỗi cán bộ, công chức phải tham gia, kể cả trong ngày nghỉ, giờ nghỉ.

Công việc nhiều, đãi ngộ thấp dẫn đến nhiều người làm cán bộ văn phòng đảng ủy xã (phường/thị trấn) bỏ việc, gây khó khăn cho cấp ủy cơ sở.

Ông Phan Duy Vĩnh - Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Xuân An (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cho biết, từ tháng 6/2017 đến tháng 6/2018, Đảng ủy thị trấn này đã 4 lần phải tìm người thay thế làm công tác văn phòng, bởi không ai "mặn mà" được lâu dài.

Lương thấp, công việc không ổn định là những lí do cơ bản để những cán bộ làm công tác văn phòng cấp ủy thị trấn Xuân An, dù học hành bài bản, có bằng cấp hẳn hoi nhưng đều tự mình "dứt áo" ra đi tìm công việc mới. Dù biết rằng, việc mới không phù hợp với chuyên môn của mình nhưng lương thưởng bảo đảm hơn, không còn bị coi là "bán chuyên" nữa.

Tháng 6/2017, cán bộ Văn phòng Đảng ủy Thị trấn Xuân An Cao Hoàng Yến - người đảm nhiệm công việc này hơn 6 năm xin thôi việc để về kinh doanh. Chị Yến cho biết, lương chỉ được 1,8 triệu đồng/tháng, trong khi cuộc sống gia đình cần chi tiêu nhiều thứ. Hiện chị Yến đã mở cửa hàng bán quần áo thời trang tại thị trấn Xuân An, cho thu nhập khá hơn nhiều so với công việc ở Đảng ủy. Kế sau chị Yến, nữ cán bộ văn phòng có trong tay bằng chính quy ngành Lịch sử và luật cũng đành bỏ lại công việc ở văn phòng đảng ủy cho người khác, sau khi chỉ làm việc này được hơn 4 tháng. Với kiến thức và kỹ năng học được, hiện cô đang tư vấn luật qua mạng cho một công ty luật ở Hà Nội.

Kế nhiệm cô gái thứ 2, nữ cán bộ văn phòng đảng ủy thứ 3, chưa kịp quen việc, đã xin rời ghế cũng với những lý do nói trên. Hiện chị đã tìm được một công việc khác tại Nghệ An, nghe tin có thu nhập khá và ổn định.

Dù là cán bộ không chuyên trách nhưng do yêu cầu nhiệm vụ, hầu như cả tuần,cán bộ văn phòng đảng ủy phải đi làm như các cán bộ, công chức khác

"Mức hỗ trợ từ phụ cấp như hiện tại chỉ đủ để đổ xăng, trả cước điện thoại mà thôi. Biết là bấp bênh nhưng đã “trót” theo đuổi công việc nên tôi phải tự động viên mình tiếp tục công tác, cũng vì niềm vui được cống hiến cho xã hội, trách nhiệm với cộng đồng”, chị T., một cán bộ không chuyên trách Văn phòng Đảng ủy ở huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đề nghị dấu tên chia sẻ.

Một lãnh đạo xã ở huyện Kỳ Anh phân tích, bây giờ, ra làm ngoài mỗi tháng lương 4-5 triệu đồng, trong khi làm cán bộ không chuyên trách văn phòng Đảng ủy, dù đã làm 10 - 15 năm, mỗi tháng chỉ nhận chưa nổi vài ba triệu đồng thì anh em lấy đâu mà sống, mà lo cho gia đình. Vì vậy, dù địa phương luôn quan tâm, động viên nhưng thực tế đó không thể nào làm cán bộ an tâm, gắn bó được.

Trần Phong

Kỳ 3: Cần lắm một biên chế cho cán bộ văn phòng cấp ủy ở cơ sở

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ky-2-nhung-bat-cap-cua-can-bo-van-phong-dang-uy-hoat-dong-khong-chuyen-trach-cap-xa-post161320.html