Kỳ 2: Thẳng thắn nhìn nhận để 'gỡ' những vướng mắc
Thực tế cho thấy, khó khăn đối với công tác phát triển đảng viên ở khu vực nông thôn, ngoài những nguyên nhân khách quan còn xuất phát từ chính nội tại là địa phương thiếu giải pháp mang tính đột phá, giúp thanh niên yên tâm lập thân, lập nghiệp ngay tại quê hương. Ngoài ra, các cơ sở đoàn nhất là ở thôn xóm chưa thể hiện rõ vai trò tập hợp, giáo dục thanh niên... chính những vướng mắc này đã khiến công tác phát triển đảng viên trẻ gặp khó.
Khó từ khâu tạo nguồn
Qua khảo sát, tại nhiều địa phương ngoại thành Hà Nội, nguồn phát triển Đảng ở khu vực nông thôn chủ yếu lực lượng đoàn viên thanh niên. Tuy nhiên, lực lượng này đang “vắng bóng” dần khiến công tác phát triển đảng viên của nhiều chi bộ, đảng bộ gặp khó khăn. Thanh niên sau khi học xong thường thoát ly làm ăn xa, một bộ phận khác ở quê không có việc làm cũng tìm ra các thành phố kiếm sống.
Trăn trở với vấn đề này, ông Nguyễn Thế Hùng - Bí thư Chi bộ thôn Núi Sáo (xã Mỹ Lương, huyện Chương Mỹ) cho biết: "Có một thực tế là hiện nguồn phát triển đảng viên trong thôn chủ yếu dựa vào lực lượng thanh niên, nhưng hiện nay lực lượng này số thì đi học, một số đi làm ăn xa hoặc làm trong các công ty, doanh nghiệp không có thời gian tham gia sinh hoạt Đảng.
Số thanh niên ở nhà trình độ, năng lực hạn chế, lại thiếu ý chí phấn đấu, ngại tham gia sinh hoạt các đoàn thể hoặc không mặn mà nên khó có thể bồi dưỡng trở thành quần chúng ưu tú giới thiệu cho Đảng".
Vướng mắc này không chỉ khiến Bí thư Chi bộ thôn Núi Sáo trăn trở, ở nhiều khu vực khác cũng đang gặp phải khó khăn tương tự. Thôn Nam Quất (xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên) là một ví dụ.
Qua tìm hiểu, tại thôn Nam Quất, cao điểm có gần 300 người đi lao động tại nước ngoài và các công ty ngoài địa bàn. Ông Lâm Văn Tiếp - Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nam Quất, cho biết: "Do đặc thù lao động trong thôn phần lớn đi làm ăn xa nên công tác phát triển đảng viên ở chi bộ gặp rất nhiều khó khăn, cá biệt có thời điểm, không đạt chỉ tiêu đề ra.
Việc ly nông, ly hương để lập nghiệp của thanh niên hiện nay là không thể tránh khỏi. Dễ thấy, trước đây xã Nam Triều là một xã nghèo của huyện Phú Xuyên, nhưng đến nay có hơn 90% số hộ khá và giàu, nhà cửa kiên cố, cao rộng. Thành quả trên, phần lớn nhờ vào sự đóng góp của những người đi xuất khẩu lao động, làm ăn xa mà có.
Bởi vậy, để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển đảng viên và lợi ích kinh tế của lao động trẻ đang là một bài toán khó đặt ra đối với địa phương. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn đảng viên trẻ ở các chi bộ nông thôn".
Ngoài các nguyên nhân khách quan, ở không ít địa phương việc phát triển đảng viên hạn chế một phần xuất phát từ việc Chi bộ chưa làm tốt công tác vận động, bồi dưỡng những quần chúng ưu tú để họ phấn đấu được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Thậm chí, ở một số chi bộ, việc hướng dẫn làm thủ tục kết nạp Đảng chưa được sát sao. Đồng thời, chưa có những giải pháp tích cực, thường xuyên để tạo chuyển biến thực sự trong nhận thức đối với tổ chức cơ sở Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong việc phát triển đảng viên mới.
Gỡ “nút thắt” để phát triển
Khảo sát tại một số địa phương, cơ sở cho thấy, nhìn chung, các Đảng bộ ở cấp xã vẫn hoàn thành kế hoạch kết nạp đảng viên mới, nhưng chủ yếu lấy số lượng từ các Chi bộ nhà trường, cơ quan… còn số lượng đảng viên được kết nạp tại các chi bộ khu vực nông thôn thường không đạt.
Nhiều Bí thư chi bộ nông thôn chia sẻ, nếu như trước kia, số quần chúng muốn được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng rất nhiều. Có thời điểm, hồ sơ, đơn xin vào Đảng xếp thành chồng thì nay việc phát hiện quần chúng ưu tú để bồi dưỡng kết nạp cũng gặp khó khăn.
Làm sao để tháo gỡ khó khăn trong phát triển đảng viên ở khu vực nông thôn? Câu hỏi này đã và đang khiến không ít Đảng bộ trăn trở tìm phương cách. Ông Nguyễn Khắc Quang – Phó Ban Tổ chức Huyện ủy Đan Phượng, chia sẻ: Với đối tượng là đoàn viên thanh niên sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông họ thường không có thời gian tham gia sinh hoạt, hoạt động tại nơi cư trú.
Đối với quần chúng đã tốt nghiệp, khi ra trường họ đều đi làm cho các cơ quan, đơn vị và không có nhiều thời gian tham gia sinh hoạt đoàn và công tác tại địa phương theo quy định… Chính vì những lý do này khiến họ không đủ thời gian để xem xét, kết nạp Đảng, phân công đảng viên theo dõi, hướng dẫn.
Để khắc phục vấn đề này, ngay từ năm 2017, huyện Đan Phượng đã xây dựng Đề án số 04 “Về một số giải pháp trọng tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Đảng viên huyện Đan Phượng giai đoạn 2017 – 2020”. Trong đó có nội dung thường xuyên làm tốt công tác phát triển đảng viên, và nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên mới.
Với cấp ủy đảng ở mỗi địa phương, bên cạnh việc làm tốt công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh, thì đều tập trung lãnh đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân để quần chúng thấy rõ vai trò lãnh đạo tiên phong, gương mẫu của Đảng. Việc lựa chọn những quần chúng ưu tú cho Đảng cũng được các Chi bộ quan tâm đúng mức và có những cách làm phù hợp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên.
Rõ ràng, bên cạnh những yếu tố khách quan, “nút thắt” chính khiến công tác phát triển đảng viên tại các Chi bộ Đảng khu vực nông thôn gặp phải lại chính từ việc chưa nhận thức đúng đắn ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên, thiếu đi các giải pháp thiết thực nhằm đẩy mạnh bồi dưỡng, tạo nguồn cũng như khắc phục tình trạng “cạn nguồn” ở cơ sở.
Đặc biệt, việc quá cứng nhắc, cố tình gây khó dễ cho quần chúng trong quá phấn đấu, xét duyệt vào Đảng cũng nên được thẳng thắn nhìn nhận vào tháo gỡ… Chỉ có như vậy, công tác phát triển đảng viên mới có thể đạt được kết quả như mong muốn.
Lê Thắm
(Kỳ cuối: Nhân rộng những cách làm hiệu quả)
Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-2-thang-than-nhin-nhan-de-go-nhung-vuong-mac-95226.html