Kỳ 3: Bổ sung các quy định về quảng cáo trên mạng xã hội vào Luật

Để góp phần siết chặt hơn hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới, tại dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi đã bổ sung các quy định về nội dung này.

Luật Quảng cáo (sửa đổi) - quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội

Sửa đổi luật Quảng cáo để “dẹp” loạn quảng cáo. Ảnh: N.D

Sửa đổi luật Quảng cáo để “dẹp” loạn quảng cáo. Ảnh: N.D

Công cụ để kiểm soát nội dung, vi phạm quảng cáo chưa đảm bảo hiệu quả

Trước đó, theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), theo thống kê số thu thuế của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế năm 2023, các nền tảng số xuyên biên giới đăng ký nộp thuế đã thu được số tiền 8.000 tỷ; có những doanh nghiệp nộp tương ứng 10% doanh thu, có những doanh nghiệp tương ứng 5%. Như vậy chỉ riêng khu vực trên mạng, nội dung số doanh thu quảng cáo khoảng 4 tỷ USD, trong đó 70% là nước ngoài, chúng ta chỉ thu được phần nhỏ.

Như vậy có thể thấy, Việt Nam đang là một mảnh đất hết sức "màu mỡ" đối với các doanh nghiệp kinh doanh nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. Thế nhưng do hệ thống luật pháp đi sau so với thực tiễn nên công tác quản lý nhà nước gặp rất nhiều khó khăn.

Không chỉ mất đi nguồn thu thuế cho nhà nước mà nguy hiểm hơn, hệ lụy kéo theo đó là những vi phạm kéo dài trong lĩnh vực này. Cùng với việc quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, vi phạm bản quyền tràn lan các đối tượng còn lợi dụng dịch vụ quảng cáo của Facebook, Google, Youtube để phát tán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bị cấm, thậm chí kể cả các sản phẩm cờ bạc, cá độ.

Ngoài ra, lợi dụng tình trạng các đơn vị đặt quảng cáo chỉ yêu cầu số lượng view và khá dễ dãi... nên các đại lý quảng cáo thả lỏng và nhiều sản phẩm quảng cáo bị gắn với các nội dung xấu độc, chống phá Đảng và Nhà nước, sai sự thật, khiêu dâm, trái thuần phong mỹ tục, giật gân, câu view, vi phạm bản quyền...

Theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Bộ TT&TT, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trước hết, đó là người kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài chưa nghiêm túc tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam; trong đó, Youtube, Facebook, TikTok cho người sử dụng mạng xã hội đăng tải tràn lan nội dung vi phạm pháp luật và bật tính năng kiếm tiền cho phép cài đặt quảng cáo trên các kênh, trang, tài khoản đó. Bên cạnh đó, công cụ để kiểm soát nội dung quảng cáo, vi phạm quảng cáo chưa đảm bảo hiệu quả.

Cơ chế quản lý nội dung, bật kênh kiếm tiền cho kênh, tài khoản mạng xã hội lỏng lẻo, chạy theo lợi nhuận, chưa coi trọng việc đảm bảo an toàn cho thương hiệu và tuân thủ các quy định pháp luật; cơ chế xử lý vi phạm thiếu trách nhiệm, không triệt để.

Trong khi đó, các nhãn hàng, đại lý quảng cáo thì chủ quan, chạy theo lợi nhuận, có xu hướng quảng cáo tràn lan trên các trang thông tin điện tử vi phạm, kém chất lượng; không sử dụng hoặc không cập nhật thường xuyên danh sách loại trừ hiển thị quảng cáo khỏi vị trí vi phạm.

Bổ sung các quy định về quảng cáo trên mạng xã hội vào Luật

Bộ TT&TT cho biết, Bộ sẽ sử dụng đồng bộ các giải pháp nhằm tạo lập môi trường quảng cáo sạch, ngăn chặn quảng cáo vi phạm.

Cụ thể, đối với người kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài không thông báo thông tin liên hệ theo Nghị định số 70/2021/NĐ-QĐ, có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn. Đối với doanh nghiệp không đặt máy chủ tại Việt Nam, Cục sẽ phối hợp với các nhà mạng viễn thông để xác minh và xử lý nếu có sai phạm.

Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng sẽ tăng cường rà quét và xử lý vi phạm quảng cáo trên mạng, nhất là các nền tảng phát hành quảng cáo xuyên biên giới; công bố công khai các nhãn hàng, đại lý quảng cáo, các nền tảng phát hành quảng cáo, trang thông tin điện tử vi phạm bao gồm website, tài khoản mạng xã hội, kênh nội dung, trang cộng đồng và khuyến cáo không hợp tác quảng cáo với các đối tượng đó.

Đồng thời, để góp phần siết chặt hơn, hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới cũng được đưa vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Quảng cáo sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 sắp tới.

Trong tờ trình Chính phủ về dự án Luật Quảng cáo (sửa đổi), cơ quan soạn thảo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, sau hơn 10 năm triển khai thi hành Luật, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, hệ thống pháp luật về quảng cáo đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập.

Theo đó, Luật Quảng cáo hiện tại có một số quy định của pháp luật về nội dung và hình thức quảng cáo chưa phù hợp với sự phát triển đa dạng của hoạt động quảng cáo. Một số quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, hoạt động quảng cáo môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới cần điều chỉnh để đáp ứng sự phát triển và xu thế hội nhập.

Cụ thể, hiện nay, hoạt động quảng cáo đang có sự chuyển dịch từ quảng cáo theo hình thức truyền thống (quảng cáo ngoài trời trên bảng, biển, băng-rôn, báo in, báo nói, báo hình...) sang hình thức quảng cáo trên môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới (quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng di động...) kéo theo sự khó khăn trong công tác quản lý nhà nước do việc ràng buộc trách nhiệm, phát hiện và xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo trên phương tiện này áp dụng với một loại chủ thể không giới hạn phạm vi lãnh thổ.

Luật Quảng cáo chưa có quy định cụ thể về quyền, trách nhiệm của đối tượng tham gia, quy trình phát hiện và xử lý vi phạm mà nằm rải rác tại một số văn bản dưới Luật nên hiệu quả quản lý chưa cao.

Và để góp phần siết chặt hơn hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới, tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Quảng cáo, Bộ VHTTDL bổ sung quy định tại Điều 23 và Điều 23a.

Cụ thể, luật quy định quy trình quản lý hoạt động quảng cáo xuyên biên giới như sau: khi phát hiện nội dung quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật Việt Nam, các cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi thông báo đến Bộ Thông tin và Truyền thông để yêu cầu xử lý.

Sau khi tiếp nhận bằng chứng quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật, trong thời hạn 05 ngày, Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát, kiểm tra nội dung vi phạm và gửi yêu cầu xử lý bằng văn bản hoặc qua tiện điện tử cho tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới.

Thông tin về các quảng cáo vi phạm đã được gửi cho tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới để xử lý sẽ được thông báo công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Sau khi nhận được yêu cầu từ Bộ TT&TT, trong thời gian 24 giờ, tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới thực hiện việc xử lý quảng cáo vi phạm theo yêu cầu.

Sau thời hạn nêu trên, nếu tổ chức, cá nhân nước ngoài không xử lý quảng cáo vi phạm theo yêu cầu mà không có lý do chính đáng, Bộ TT&TT sẽ thực thi các biện pháp ngăn chặn quảng cáo vi phạm pháp luật.

Trong trường hợp phát hiện quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Việt Nam, cơ quan chức năng có thẩm quyền của Việt Nam thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn quảng cáo vi phạm pháp luật.

Biện pháp ngăn chặn chỉ được gỡ bỏ sau khi các quảng cáo vi phạm đã được tổ chức, cá nhân nước ngoài xử lý theo yêu cầu của Bộ TT&TT…

Còn nữa

Ngọc Dung

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-3-bo-sung-cac-quy-dinh-ve-quang-cao-tren-mang-xa-hoi-vao-luat-397783.html&dm=027b572e9e1c071dcb7910c5daa29efe&utime=mjayndewmtqwmdiwmty=&secureurl=76