Kỳ 4: Cái giá phải trả của kẻ mượn danh để lừa đảo
Một buổi sáng tháng 5/1940, Georgi Tylner - thám tử nổi tiếng của Cục Điều tra hình sự Moscow - đọc tin tức buổi sáng. Linh tính nghề nghiệp khiến ông dừng lại ở tấm ảnh đăng kèm bài viết trên tờ Sự thật Thanh niên Cộng sản ca ngợi phóng viên Valentin Purgin của báo này vừa được tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Tylner nhớ ông đã từng thấy người trong ảnh trên một... lệnh truy nã!
Từ bài báo ca ngợi một anh hùng...
Lục lại hồ sơ lưu, Tylner tìm ra lệnh truy nã, gương mặt thì giống nhưng tên trong hồ sơ lại là Valentin Golubenko. Năm 1933, khi mới 19 tuổi, Golubenko bị phạt 5 năm tù về tội phá két và làm giả tài liệu, nhưng được tha trước hạn. Năm 1937, đối tượng này lại bị tuyên án 5 năm tù về hành vi làm giả tài liệu và mạo danh lừa đảo, nhưng đã trốn trại tù trong lúc lao động.
Theo bài viết, Pugrin lớn lên ở một đồn biên phòng vùng Viễn Đông, phụ việc cho tờ báo biên phòng địa phương. Nhờ chiến đấu bảo vệ đồn biên phòng bị tập kích, Purgin được tặng Huân chương Sao Đỏ khi mới 18 tuổi. Tốt nghiệp trường báo chí, Purgin về làm việc cho 2 tờ báo trước khi được giới thiệu với tờ Sự thật Thanh niên Cộng sản năm 1939. Tháng 6 năm đó, Purgin tới Mông Cổ tham gia trận Khalkhil Gol và được tặng Huân chương Lê-nin. Đầu năm 1940, Purgin được cử tới chiến trường Phần Lan và nhận danh hiệu Anh hùng Liên Xô kèm Huân chương Lê-nin thứ 2.
Sau khi Tylner cảnh báo, cuộc điều tra đã được tiến hành. Lệnh tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Liên Xô cho Purgin là có thật, tên của Purgin nằm ở vị trí thứ 10 trong danh sách 15 người được ký ngày 21/4/1940. Mặc dù vậy, ở tòa soạn báo Sự thật Thanh niên Cộng sản, ít ai biết Purgin. Phóng viên này chỉ làm tin ngắn, không phải cây bút chủ lực. Purgin thường biến mất một thời gian dài với lý do "được biệt phái đi công tác với nhiệm vụ rất quan trọng", bí mật đến mức Ban biên tập cũng không biết.
Bằng cách ứng xử "nửa kín nửa hở", Purgin tạo ra cảm giác anh ta là người của một tổ chức quyền lực nào đó. Chẳng hạn, khi có ai hỏi lý do được tặng Huân chương Sao Đỏ, Purgin đáp: "Chẳng ai phát không huân chương ấy cả!".
Purgin bị bắt khi đang cùng một nữ thư ký trong tòa soạn hưởng tuần trăng mật bên bờ Biển Đen - quà tặng của báo. Tác giả bài viết ca ngợi "Trưởng ban Quân sự - Thể thao của tòa soạn" và nữ thư ký nọ bị cơ quan điều tra mời làm việc, nhưng sau đó không cơ quan nào thông báo số phận của Purgin. Những người liên quan tới đối tượng này vẫn tiếp tục làm việc dù bị khiển trách.
... Đến tái hiện câu chuyện sau nửa thế kỷ
Hơn nửa thế kỷ sau, chuyện về Purgin mới được khơi lại, với những phiên bản khác nhau về chi tiết. Theo đó, ngày 20/6/1940 Đoàn Chủ tịch Xô viết Tối cao đã quyết định hủy bỏ việc phong danh hiệu Anh hùng cho Valentin Purgin.
Sự thực là sau khi bỏ trốn vào năm 1937, Valentin Golubenko (tên thật của Purgin) đã lấy trộm giấy tờ tùy thân của một hành khách trên chuyến tàu tới TP.Sverlovsk. Ở đó, Golubenko làm việc cho bản tin nội bộ ngành đường sắt. Sau đó, Golubenko làm giấy tờ giả để vào Học viện Giao thông Quân sự Leningrad (ở Saint Peterburg), dù mới học hết lớp 5. Ít lâu sau, Golubenko bỏ học, tới Moscow - nơi hắn làm việc tại báo Tiếng còi của Bộ Giao thông và làm quen với 2 nhà báo của tờ Sự thật Thanh niên Cộng sản. Nhờ họ giới thiệu, Golubenko vào làm việc tại Ban Quân sự - Thể thao của báo này từ ngày 03/3/1939. Đi đâu, Golubenko cũng trưng thư từ, giấy tờ có đóng dấu (tất cả đều là giả) để minh họa cho câu chuyện bịa đặt về hắn mà Tylner đã đọc được.
Golubenko chưa hề tham gia mặt trận nào, thời gian chủ yếu dùng để giao du với giới bất hảo nhằm tạo bỏ bọc. Đối tượng này từng làm giả tài liệu của Bộ Quốc phòng, Bộ Hải quân, Tòa án Xô viết Tối cao và các đơn vị quân đội; đặt thợ làm giả Huân chương Cờ Đỏ và Huân chương Lê-nin, các con dấu, giả mạo điện thoại từ các cơ quan khác tới để tạo cớ cho những chuyến "công tác biệt phái" đồng thời củng cố hồ sơ giả xin phong Anh hùng. Thực sự hồ sơ này là do Bộ Hải quân trình lên trên cơ sở đề nghị của một sư đoàn cấp dưới. Hiển nhiên, danh xưng phóng viên của tờ Sự thật Thanh niên Cộng sản đã giúp Golubenko tạo mối quan hệ với nhiều người ở các cấp mà hắn có thể lợi dụng.
Tháng 8/1940, Tòa án Quân sự xét xử vụ án Valentin Purgin (tên thật Valentin Golubenko) và khép bị cáo vào nhiều tội. Phán quyết tử hình bằng xử bắn đã được thực hiện vào tháng 11 cùng năm sau khi đơn xin ân xá của Purgin bị từ chối.
(Còn tiếp...)