Kỳ 5: Thách thức với ngành hàng được kỳ vọng mang lại gần 10 tỷ USD

Thị trường hoa quả của Việt Nam những năm qua đã có nhiều khởi sắc nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật sâu rộng và nắm bắt cơ hội từ các hiệp định thương mại. Tuy nhiên, để phát triển bền vững và giữ vững kim ngạch tỷ đô, ngành hàng hoa quả vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ như nguồn lực tài chính, quy hoạch vùng sản xuất, tiết kiệm chi phí logistics…

Thanh long Tầm Vu đang khó khăn vì số nợ vay xây dựng nhà xưởng - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Thanh long Tầm Vu đang khó khăn vì số nợ vay xây dựng nhà xưởng - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021-2030. Theo đó, kỳ vọng được đặt ra đến năm 2030, giá trị kim ngạch xuất khẩu (XK) rau quả đạt 8 đến 10 tỷ USD.

Khó khăn nguồn lực tài chính

Trước dịch COVID-19, mỗi năm, hợp tác xã (HTX) thanh long Tầm Vu (huyện Châu Thành, tỉnh Long An) xuất khẩu khoảng 6.000 tấn thanh long chính ngạch vào các thị trường Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Pháp và Singapore. Nhưng 2 năm trở lại đây, HTX chỉ xuất được 2.000 đến 3.000 tấn và hiện tại DN rất khó khăn vì trước đây đã vay 17 tỷ với lãi suất khoảng 10%/năm để xây dựng nhà xưởng và kho lạnh.

Ông Trương Quang An, Giám đốc HTX thanh long Tầm Vu cho biết, hiện khó khăn nhất với ông là việc tiếp cận vốn vay ưu đãi cho lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể, HTX muốn vay vốn ưu đãi cho nông nghiệp, nhưng phải có đất công để thế chấp tài sản trong khi ở địa phương ông không có nguồn đất công như yêu cầu.

Còn ông Nguyễn Hữu Trí, Tổng Giám đốc Công ty TRIVIE Việt Nam chuyên chế biến và xuất khẩu nông sản đã qua chế biến, cho rằng vấn đề tài chính là một trong những điểm nghẽn lớn nhất, gây khó khăn nhất cho sản xuất nông nghiệp, cả với người dân sản xuất nhỏ lẻ và doanh nghiệp.

Theo ông Trí, hiện tại nguồn tài chính cho sản xuất nông nghiệp chủ yếu từ ngân hàng thương mại, với các khoản vay ngắn hạn, nhỏ và phải có tài sản bảo đảm. Vì vậy, người sản xuất gặp rất nhiều khó khăn và thường phải chịu lệ thuộc vào hệ thống thương lái do hệ thống này ứng vốn, dẫn đến việc ép giá mua non nông sản, khống chế hoạt động sản xuất, làm sản xuất chậm phát triển.

Ông Trí cho rằng cần nghiên cứu cơ chế hỗ trợ sản xuất nông nghiệp tiếp cận được với nguồn tài chính chi phí thấp, bao gồm cả các nguồn tài chính từ đầu tư nước ngoài (FDI), vay trực tiếp từ đối tác nước ngoài dựa trên tín chấp…

Cách đây không lâu, tại Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ V (tháng 10/2020), nhiều nội dung liên quan đến vốn cho sản xuất nông nghiệp được nêu lên dù đã có Nghị định 55 và Nghị định 116 của Chính phủ liên quan đến vấn đề này.

Theo ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank), ngành ngân hàng cũng khá lúng túng khi thực hiện cho vay tín chấp trong nông nghiệp bởi rủi ro của lĩnh vực này vẫn khá cao. “Chúng tôi mong muốn tháo gỡ đến cùng việc thế chấp tài sản để tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Hiện Agribank hoàn toàn có quyền cho vay tín chấp, với gần 300.000 tỷ dư nợ tín chấp. Nhưng để cho vay được thì ngoài vấn đề tài sản tín chấp, phương án sản xuất cũng phải thực sự khả thi", ông Vượng nhấn mạnh.

Quả vài chiếu xạ xuất khẩu sang Mỹ - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Quả vài chiếu xạ xuất khẩu sang Mỹ - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Đội giá thành do chi phí logistics

Nhắc đến khó khăn trong xuất khẩu nông sản thời điểm này, bà Ngô Thị Thu Hồng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần AMEII Việt Nam, lo lắng nhất về chi phí logictics: “Tình trạng lịch tàu thay đổi, hoãn, cước tăng, rồi thiếu vỏ container khiến doanh nghiệp rất bất an. Chẳng hạn, xuất khẩu đi thị trường Nhật trước đây chỉ 1,6 USD/kg thì giờ có lúc lên đến 4,8 USD/kg, khiến doanh nghiệp rất khó cạnh tranh dù các mùa vụ trước, chúng ta đã mở được cánh cửa và làm rất tốt công tác thị trường ở nước bạn”.

Đồng quan điểm, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết đa số thành viên trong hiệp hội của ông đang rất lo lắng về tình trạng thiếu container, thiếu tàu, thiếu phương tiện vận chuyển dù đang có nhiều cơ hội lớn trong xuất khẩu. Ông Nguyên dẫn ví dụ: "Sau khi thực thi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Vương Quốc Anh (UKVFTA), xuất khẩu rau quả vào thị trường Anh tăng khoảng 20%. Nhưng việc thuế giảm hiện nay hầu như không có ý nghĩa gì so với chi phí logistics tăng quá cao. Trước đây, cước chỉ là 2.000 USD/container, thì hiện nay chi phí tăng lên tới 6.000 đến 8.000 USD/container. Cước tăng như vậy, giá thành hàng hóa quá cao khó có thể cạnh tranh với nhiều hàng nông sản ở thị trường này".

Một bài toán “đau đầu” khác với các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả là chi phí bỏ ra cho dịch vụ hỗ trợ. Hiện có 6 loại quả đã được thị trường Mỹ đón nhận nhưng cả nước mới chỉ có một cơ sở chiếu xạ được công nhận đủ tiêu chuẩn là Nhà máy chiếu xạ của Công ty TNHH Sơn Sơn (ở TPHCM), nên không thể đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp xuất khẩu. Mặc dù TPHCM đang có thêm một nhà máy chiếu xạ rau quả xuất khẩu nhưng chưa chính thức được phía đối tác công nhận. Trong khi đó, ở miền Bắc, có một trung tâm của Viện Năng lượng nguyên tử (Bộ KH&CN) cũng muốn thực hiện công tác này để hỗ trợ các doanh nghiệp nhưng lại vướng cơ chế.

Theo lý giải của ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NN&PTNT): “Để được phía Mỹ công nhận là đơn vị chiếu xạ đủ tiêu chuẩn, bước đầu phải bỏ chi phí làm chứng nhận và hiệu chỉnh thiết bị với các tổ chức quốc tế. Cùng với đó, phải đóng phí vào quỹ ủy thác của chương trình (do Bộ Nông nghiệp Mỹ vận hành). Nhưng hiện tại chưa có cơ chế tài chính cho các đơn vị nhà nước thực hiện những việc này. Chưa kể trung tâm ban đầu xây dựng để làm công tác nghiên cứu chứ không phải để xử lý hoa quả cho xuất khẩu nên có rất nhiều khó khăn về kỹ thuật và quy trình vận hành”.

Liên quan đến việc giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp, có nhiều ý kiến cho rằng cần một chiến lược tổng thể về logistics, trong đó có quy hoạch cho từng vùng trên cả nước để vận chuyển nông, lâm thủy sản không bị ùn ứ, tránh cảnh chỗ cần thì khan hàng, chỗ sản xuất thừa thì không vận chuyển đi bán được.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng rất cần nghiên cứu và tìm cách mở các đường bay thẳng chuyên chở hàng hóa đến các thị trường có lượng nhập khẩu hàng hóa lớn và tiềm năng như Mỹ và các nước EU để cắt giảm chi phí logistics cho nông sản.

Giải bài toán vùng nguyên liệu sản xuất đòi hỏi sự vào cuộc của địa phương - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Giải bài toán vùng nguyên liệu sản xuất đòi hỏi sự vào cuộc của địa phương - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Loay hoay bài toán vùng nguyên liệu

Ông Nguyễn Hữu Trí, Tổng Giám đốc Công ty TRIVIE Việt Nam cho biết khó khăn với doanh nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu của ông hiện nay là việc tìm kiếm vùng nguyên liệu. “Các sản phẩm đã qua chế biến mà vẫn giữ được giá trị dinh dưỡng như sản phẩm tươi sống đang được ưa chuộng ở các thị trường cao cấp, nhưng các sản phẩm này phải được truy xuất nguồn gốc. Do đó, chúng tôi rất cần vùng nguyên liệu đảm bảo được việc này. Tuy nhiên, việc thu gom đất đai để tạo vùng sản xuất gặp rất nhiều khó khăn”, ông Trí chia sẻ.

Cuối tháng 10 năm ngoái, bài toán vùng nguyên liệu cũng đã được nêu ra tại Hội nghị tham vấn Đề án phát triển ngành chế biến rau củ quả phục vụ tái cơ cấu do Bộ NN&PTNT tổ chức tại TPHCM. Đại diện Công ty CP thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cho biết, để có nguồn nguyên liệu ổn định, đáp ứng cho sản xuất, mỗi nhà máy chế biến cần có vùng nguyên liệu với diện tích khoảng 25.000 đến 30.000 ha. Diện tích lớn đòi hỏi công ty phải liên kết với nhiều hợp tác xã khác nhau trên địa bàn, tuy nhiên chất lượng sản phẩm ở các hợp tác xã không đồng đều và sản lượng rau quả ở mỗi địa phương cũng khác nhau nên rất khó thực hiện các đơn hàng xuất khẩu khối lượng lớn.

Đại diện công ty Đồng Dao nêu ví dụ cụ thể là quả vải rất được ưa chuộng ở nhiều thị trường. Nhưng khi đến Bắc Giang khảo sát, công ty thấy khó có thể đặt nhà máy chế biến ở đây vì sản lượng vải chỉ đủ công suất cho dây chuyền hoạt động từ 1,5 đến 2 tháng. Bắc Giang cũng trồng phân tán nhiều loại hoa quả khác, nhưng sản lượng đều không đủ để đưa vào chế biến.

Trong khi doanh nghiệp chế biến xuất khẩu khó tìm vùng nguyên liệu “đầu vào” như vậy thì có một thực tế là rất nhiều nơi, người dân cũng mòn mỏi chờ doanh nghiệp đến để lo “đầu ra”. Điển hình như câu chuyện cà rốt tại huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Huyện có khoảng 550 ha trồng cà rốt với năng suất hơn 380 tạ/ha, sản lượng hơn 20.000 tấn/năm. Cà rốt Cẩm Giàng nhập giống từ Nhật Bản và đã được chứng nhận nhãn hiệu tập thể của Bộ KH&CN, cho chất lượng đồng đều, được nhiều doanh nghiệp thu mua biết đến. Tuy nhiên, với sản lượng lớn và thuộc hàng rau củ tươi nên người dân luôn nơm nớp mỗi vụ được mùa. Thời gian thu hoạch cà rốt chỉ kéo dài 3 tháng, doanh nghiệp không đến thu mua thì chỉ có cách đổ bỏ. Ông Đoàn Đình Tuyến, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng chia sẻ: “Chúng tôi rất mong có được doanh nghiệp đặt nhà máy thu mua, bảo quản và chế biến sau thu hoạch ở đây”.

Về quy hoạch vùng nguyên liệu, trong một cuộc trao đổi mới đây với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đưa ra quan điểm rất mới là đẩy mạnh kết nối vùng nguyên liệu bằng bản đồ số.

“Với một bản đồ số về thời vụ, có thể biết được diện tích trồng dứa là bao nhiêu, trồng xoài, nuôi cá… như thế nào. Qua thông tin minh bạch trên kho dữ liệu dùng chung, các trung tâm thương mại sẽ biết được mùa vụ ở đâu, đang như thế nào… dần dần sẽ có sự khớp nhau. Các DN có thông tin từng địa phương sẽ hình dung một bức tranh tổng thể hơn và dự báo tín hiệu thị trường cũng sát thực hơn. Người sản xuất cũng đỡ “mù” đường bởi họ cần nhìn thấy đường đi của sản phẩm mới sản xuất theo tín hiệu của thị trường được”, "tư lệnh" ngành nông nghiệp nêu quan điểm.

Đỗ Hương

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/ky-5-thach-thuc-voi-nganh-hang-duoc-ky-vong-mang-lai-gan-10-ty-usd/429046.vgp