Kỳ án 'cưa cây khô bị xử tội trộm cắp': Hủy bản án phúc thẩm để xử lại
Ngày 23-6, các bị cáo trong kỳ án Cưa cây khô phạm tội trộm cắp cho biết đã nhận được quyết quyết định giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng quyết định hủy bản án hình sự phúc thẩm số 07-2018/HS-PT của TAND tỉnh Kon Tum để xét xử phúc thẩm lại
TAND Cấp cao tại Đà Nẵng quyết định như trên vì các lý do như: Rừng đặc dụng Đắk Uy là tài sản của nhà nước, đã được giao cho Ban Quản lý rừng đặc dụng Đắk Uy (BQL) quản lý, bảo vệ. Mục đích của các bị cáo là chiếm đoạt cây gỗ trắc đã chết khô trong rừng đặc dụng Đắk Uy để bán lấy tiền với trị giá hơn 19 triệu đồng. Hành vi này đã đủ yếu tố cấu thành tội "Trộm cắp tài sản". TAND cấp sở thẩm kết án các bị cáo về tội "Trộm cắp tài sản" là có căn cứ, đúng pháp luật.
Việc TAND cấp phúc thẩm nhận định toàn bộ cây rừng tại rừng đặc dụng Đắk Uy là cây gỗ tự nhiên, các năm qua không đuợc bất cứ cơ quan có thẩm quyền nào cho phép khai thác, tận thu, không được giao cho bất cứ cơ quan, tổ chức nào sử dụng định đoạt trong đó bao gồm cả cây gỗ trắc mà các bị cáo đã cưa, cắt, như vậy lóng gỗ trắc mà các bị cáo đã chiếm đoạt không thể đuợc coi là tài sản của BQL hay của bất cứ cơ quan tổ chức cụ thể nào" là không đúng. Vì rừng đặc dụng Đắk Uy đã được giao cho BQL quản lý, bảo vệ. Vì vậy, việc TAND tỉnh Kon Tum tuyên các bị không phạm tội "Trộm cắp tài sàn" là sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.
Quyết định giám đốc thẩm cũng cho rằng nhận định cấp phúc thẩm về việc TAND cấp sơ thẩm đã xem xét, đánh giá tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội và phân hóa vai trò của từng bị cáo, áp dụng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ có thiếu sót, có phần nghiêm khắc với một số bị cáo là không thỏa đáng.
Tại phiên giám đốc thẩm, đại diện VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng cho rằng hành vi của bị cáo Phan Tiến Dũng có dấu hiệu của tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" - bị cáo Dũng nói và cho biết sẽ tiếp tục làm đơn kêu oan gửi các cơ quan chức năng.
Nói về quyết định giám đốc thẩm của TAND Tối cao, bị cáo Phan Tiến Dũng cho rằng thực tế trước, trong và sau khi vụ án này diễn ra, nhiều đối tượng vào rừng đặc dụng Đắk Uy khai thác gỗ trắc còn sống nhưng cũng chỉ bị xử phạt hành chính. "Tại sao với chúng tôi lại cố tình khép tội "Trộm cắp tài sản" để xử lý hình sự" - bị cáo Dũng đặt vấn đề.
Luật sư Lê Văn Hoan, một trong những luật sư bào chữa miễn phí cho các bị cáo, cho rằng quyết định giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã nhận định, đánh giá vụ việc và áp dụng pháp luật là không đúng quy định nên có thể làm oan người vô tội.
Cụ thể quyết định giám đốc thẩm này viện dẫn điểm a, tiểu mục 1.1, mục 1, phần IV Thông tư liên tịch số 19/2007 của Bộ NN-PTNN - Bộ Tư pháp - Bộ Công an – VKSND Tối cao – TAND Tối cao hướng dẫn thế nào là hành vi "Khai thác trái phép"; đồng thời viện dẫn Điều 6 Nghị định số 32/2006 và cho rằng cây gỗ trắc là loại không được phép khai thác. Trong khi đó, Điều 12 Nghị định 157/2013 quy định khai thác rừng trái phép là người có hành vi lấy lâm sản trong rừng không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc được phép nhưng đã thực hiện không đúng quy định cho phép. Như vậy, các bị cáo vào rừng chặt cây mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép và cây này là không được phép khai thác thì hành vi này của các bị cáo là "Khai thác rừng trái phép" chứ không phải "trộm cắp tài sản".
Các bị cáo không phải là chủ rừng nên chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các điều luật tương ứng của "Các tội xâm phạm sở hữu" của BLHS khi và chỉ khi cây này thuộc rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh. Tuy nhiên, cây mà các bị cáo chặt thuộc rừng đặc dụng.
Năm 2011 TAND Tối cao ban hành Công văn số 157 hướng dẫn đối với hành vi cưa trộm cây trắc trong rừng đặc dụng Đắk Uy gửi cho UBND tỉnh Kon Tum. Theo văn bản này thì hành vi cưa trộm cây này nếu đủ định lượng giá trị tang vật từ 50 triệu đồng thì bị xử lý về tội "Hủy hoại rừng" hoàn toàn không đề cập đến tội "Trộm cắp tài sản".
Cục Kiểm lâm cũng có Công văn số 519 ngày 16-8-2018 cho rằng hành vi khai thác trái phép dưới 5 m3 đối với gỗ thuộc nhóm IIA thuộc rừng tự nhiên trước ngày 1-1-2018 thì chỉ bị xử phạt hành chính chứ chưa đến mức xử lý hình sự.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, tháng 4-2016, ông Phan Tiến Dũng, cán bộ BQL để Nguyễn Văn Bảy, Nguyễn Văn Thụ, Lê Quốc Khánh, Nguyễn Ngọc Bình (cùng trú tại huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum) vào rừng đặc dụng Đắk Uy, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum cưa 1 cây gỗ trắc đã chết khô lấy 1 lóng gỗ khối lượng 0,123 m3 thì bị phát hiện nên bỏ chạy. Sau đó, 4 người trên đến Công an huyện Đắk Hà tự thú. Cả 4 người này và Phan Tiến Dũng sau đó bị khởi tố về tội "Trộm cắp tài sản".
Tháng 9-2016, TAND huyện Đắk Hà tuyên xử 5 bị cáo từ 12 đến 15 tháng tù giam. Tháng 4-2017, TAND tỉnh Kon Tum xử phúc thẩm tuyên hủy bản sơ thẩm của TAND huyện Đắk Hà, trả hồ sơ điều tra lại vì vi phạm tố tụng. Ngày 27-9-2017, TAND huyện Đắk Hà xử sơ thẩm lần 2 tuyên phạt mỗi bị cáo từ 11 đến 14 tháng tù giam nhưng cũng về tội "Trộm cắp tài sản".
Ngày 1-6-2018, TAND tỉnh Kon Tum tuyên các bị cáo không phạm tội theo bản án sơ thẩm lần 2. Ngày 26-7-2018, ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án TAND Tối cao, ký Quyết định số 22/2018/KN-HS, kháng nghị giám đốc thẩm bản án trên của TAND tỉnh Kon Tum.
Theo đó, TAND Tối cao đề nghị TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xét xử giám đốc thẩm hủy bản án số 07/2018/HS-PT của TAND tỉnh Kon Tum và giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm của TAND huyện Đắk Hà.