Kỳ cuối: Bài trừ nạn mê tín dị đoan
Theo các nhà nghiên cứu, gốc rễ của mê tín dị đoan là sự thiếu kiểm soát của con người trong khi họ luôn muốn được kiểm soát tốt hơn trong hoàn cảnh bị coi là bất an. Khi gặp điều gì đó quan trọng nhưng không chắc chắn, không giải thích được, mê tín dị đoan sẽ được dùng để lấp vào khoảng trống sợ hãi, làm cho con người cảm thấy an tâm…
Từ tín ngưỡng đến mê tín dị đoan
Mê tín dị đoan là sản phẩm của thời kỳ nhận thức về thế giới, xã hội và con người còn ở trình độ thấp, mê tín dị đoan có mặt trong mọi nền văn hóa, chỉ khác biệt ở mức độ và cách thức con người điều khiển bản thân như thế nào. Bởi tập tục, niềm tin ra đời từ xa xưa có thể đúng mực, có thể là truyền thống tốt đẹp, nhưng lại bị một số người hay nhóm người biến thành mê tín dị đoan.
Ở Việt Nam lâu nay, mê tín dị đoan thể hiện rất đa dạng, như: lễ bái, cúng tế, cầu xin; xem tướng số, bói toán; chữa bệnh bằng mẹo hay những kiêng cữ phản khoa học… Bên hành vi mê tín dị đoan ra đời trước đây, lại có hành vi mới xuất hiện và được coi là biến thể phù hợp với thời đại.
Ví dụ, những đồ cúng khá hiện đại như hàng mã là đô la, nhà lầu, xe ôtô, du thuyền, điện thoại… hoặc xem bói qua internet, thậm chí có một số thầy bói hành nghề bằng cách livestream trên mạng xã hội.
Một trong những vụ việc gây xôn xao dư luận thời gian gần đây là vụ “thỉnh vong oan gia trái chủ” tại chùa Ba Vàng (Quảng Ninh). Ngay sau khi nắm bắt được dư luận xã hội qua báo chí, Ban Tôn giáo Chính phủ, Cục An ninh nội địa (Bộ Công an) và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khu vực phía Bắc đã tổ chức phiên họp bất thường xem xét vụ việc và đi đến những kết luận: Hoạt động, lễ “thỉnh vong oan gia trái chủ” chữa bệnh cho người dân và phật tử, trong đó có việc "gọi vong", "phán số kiếp", quy định người đăng ký pháp "thỉnh oan gia trái chủ" phải trả nợ cho "vong" bằng tiền thông qua hình thức công đức vào chùa Ba Vàng, hoặc làm công quả lao động tại chùa là trái với nghi lễ Phật giáo và vi phạm pháp luật. Đây là hành vi vi phạm Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, làm tổn thương đến thanh danh giáo hội, đến tăng đoàn…
Xử lý nghiêm các hành vi mê tín dị đoan
Tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện nêu rõ: Điều 24 Hiến pháp 2013 đã quy định, mọi người có quyền tự do tôn giáo. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng tôn giáo, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.
Tôn giáo tín ngưỡng là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, bản chất tôn giáo là tốt đẹp, hướng con người đến cái thiện, tránh xa cái ác, cái xấu, tu nhân tích đức. Sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng làm phong phú đời sống tinh thần của người dân, giúp con người phát triển toàn diện. Pháp luật nước ta luôn tôn trọng bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân.
Tuy nhiên, thời gian qua, có một số cá nhân lợi dụng nghi thức tôn giáo tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan, vi phạm pháp luật. Vấn đề này đã bị pháp luật xử lý và dư luận xã hội lên án vì vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục.
Khắc phục hiện tượng trên, BộVăn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống văn bản về phòng ngừa mê tín dị đoan. Đồng thời, tăng cường giáo dục, tuyên truyền trong nhân dân nhằm nâng cao nhận thức của người dân về các giá trị tốt đẹp của văn hóa và tín ngưỡng, ngăn ngừa các hoạt động mê tín dị đoan. Đặc biệt, sẽ xem xét các các quy định về pháp luật với các hành vi vi phạm.
Cùng với đó, tập trung nâng cao đời sống người dân, xây dựng các công trình văn hóa thể thao, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân; tăng cường thanh tra, kiểm tra thanh tra các hoạt động văn hóa...
Nhấn mạnh “phải phản đối, lên án, đấu tranh chống lại các hành vi mê tín, dị đoan, chống lợi dụng tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi”, theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Chủ trương của Đảng, Nhà nước luôn tôn trọng tự do, tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân và tạo điều kiện để các tôn giáo hoạt động đúng quy định của pháp luật, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo Phó thủ tướng, xét trên giác độ văn hóa, khi một tôn giáo du nhập vào Việt Nam có sự ảnh hưởng qua lại với văn hóa, tín ngưỡng truyền thống của cộng đồng dân cư, của dân tộc. Trong quá trình đó, những gì không phù hợp với truyền thống, tín ngưỡng cần được chỉ ra, vận động để loại bỏ dần, trong đó rất cần kết hợp với các tổ chức tôn giáo...
Phó thủ tướng nhấn mạnh: Mê tín, dị đoan suy cho cùng là do thiếu hiểu biết nên chúng ta cần chú trọng hơn tới giáo dục, văn hóa, để nâng cao dân trí, để người dân hiểu biết về những hành vi đúng với tín ngưỡng, truyền thống của dân tộc, giáo lý. Có hành vi trước đây là đúng nhưng bây giờ không còn phù hợp với thế giới văn minh.
Những điều này cần sự phân tích có tình, có lý của các nhà nghiên cứu tôn giáo, những người thực hành tôn giáo và đặc biệt là những người nghiên cứu văn hóa. Chính phủ đã yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các địa phương, tổ chức cần tăng cường công tác nêu gương những việc tốt; phân tích cặn kẽ trên giác độ văn hóa để từ đó nhân rộng cái tốt, hạn chế cái xấu.
Mê tín dị đoan có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự:
Nhìn nhận dưới góc độ pháp luật, theo Luật sư Trịnh Khánh Toàn – Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội: Những vi phạm về mê tín dị đoan pháp luật quy định xử phạt vi phạm hành chính và cao hơn là xử lý hình sự.
Ngoài ra, đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm còn bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức. Nếu là đảng viên thì tùy vào mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật từ khiển trách đến khai trừ khỏi đảng.
Điều 320 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về “Tội hành nghề mê tín, dị đoan”: Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm: Làm chết người; Thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Không chỉ có hình thức xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự, người vi phạm nếu gây thiệt hại cho người khác còn phải bồi thường theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 bằng con đường thương lượng, hòa giải hoặc tố tụng.
Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-cuoi-bai-tru-nan-me-tin-di-doan-97301.html