Kỳ cuối: Những giải pháp để bảo vệ trẻ em

Mạng xã hội (MXH) đã trở nên quen thuộc trong đời sống hàng ngày đến mức dù còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng các em nhỏ đã coi việc không có internet hay điện thoại là điều 'khó có thể chấp nhận'.

Nhiều nội dung độc hại cho trẻ nhỏ trên các nền tảng

Việc trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết sẽ giúp trẻ em biết bảo vệ bản thân mình trước những mối đe dọa trên không gian mạng ẢNH: T.L

Việc trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết sẽ giúp trẻ em biết bảo vệ bản thân mình trước những mối đe dọa trên không gian mạng ẢNH: T.L

Thế nên, thay vì cấm cản, thì trách nhiệm phụ huynh, nhà trường, cơ quan chức năng… là làm sao để chung tay xây dựng không gian mạng an toàn, lành mạnh để bảo vệ trẻ em trước những nguy hại của MXH mang lại.

Trách nhiệm không của riêng ai

Từ các số liệu nghiên cứu cho thấy gần như 100% trẻ em ở nước ta sử dụng internet với các mức độ thời gian khác nhau. Tuy nhiên, như đã đề cập thì việc bùng nổ của công nghệ đã mang lại cho trẻ em cơ hội tiếp cận nhiều hơn với internet, với MXH. Nhưng cái nguy hại nhất đó là ở “tuổi ăn tuổi chơi”, các em lại không được hoặc ít được trang bị đầy đủ các kỹ năng nhận thức, chắt lọc các thông tin trên môi trường MXH.

Chính vì thế, các em không chỉ dễ “sa” vào các trào lưu được phát tán trên các nền tảng MXH liên quan đến các vấn đề nhạy cảm như: phân biệt giới tính, tôn giáo, vùng miền, thậm chí tấn công các nhóm thiểu số xã hội... Ngược lại, các em cũng là đối tượng chịu nhiều rủi ro và bị “xâm hại” nhiều hơn như: bị tiết lộ thông tin thuộc bí mật cá nhân và bị sử dụng thông tin cá nhân vào các mục đích xấu, dễ bị lôi kéo, kích động để vi phạm pháp luật, bị xâm hại tình dục, bóc lột và lừa đảo qua các trò chơi trên mạng…

Theo chuyên gia Lã Mỹ Linh - Giám đốc Học viện Toán Sơ đồ Việt Nam thì những lợi ích của internet, MXH như hỗ trợ kết nối, trao đổi trong học tập và công việc, khám phá tri thức… nhưng với trẻ em thì MXH đã và đang chưa mang lại nhiều giá trị tích cực trong việc hình thành nhân cách và tư duy cho trẻ. Vị chuyên gia này cho rằng mặt trái của MXH sẽ có ảnh hưởng đến trẻ em ở các khía cạnh như: sự hình thành nhận thức, nhân cách, hành vi, thái độ, tâm lý đám đông, sự tự tin, lòng tự trọng… theo hướng tiêu cực.

Tuy nhiên, như đã nói, việc bảo vệ trẻ em không phải là trách nhiệm của riêng cá nhân hay tổ chức nào mà nó là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Chỉ khi gia đình, nhà trường và các cơ quan chức năng cùng đồng hành thì mới có thể bảo vệ trẻ em trước các thông tin xấu, độc trên MXH như facebook, youtube, tiktok…

Sự kết hợp của gia đình, nhà trường, cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp,… không chỉ tăng cường hiệu quả trong việc phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng mà còn góp phần vừa giúp nâng cao nhận thức xã hội vừa có thể tạo lập một môi trường MXH an toàn, lành mạnh cho trẻ em.

Phụ huynh cùng nhà trường nên trao đổi thông tin thường xuyên để nắm bắt được tâm lý chung của trẻ ẢNH: TL

Phụ huynh cùng nhà trường nên trao đổi thông tin thường xuyên để nắm bắt được tâm lý chung của trẻ ẢNH: TL

Để bảo vệ cho sự an toàn của trẻ nhỏ

Trong thực tế, nhận thức được các nguy cơ, Nhà nước ta đã ban hành các quy định để bảo vệ trẻ em trước môi trường nguy hại mà MXH mang lại. Cụ thể là: Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 9/5/20217 quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em; Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 1/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng; Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 26/5/2020 về tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em...

Còn theo thông tin từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì trong những năm qua, cơ quan này đã phối hợp với các tổ chức, đơn vị có liên quan tổ chức chiến dịch, hoạt động truyền thông về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; xây dựng tờ rơi, tài liệu, clip hướng dẫn kỹ năng an toàn trên mạng cho trẻ em trên môi trường MXH. Tuy nhiên, cơ quan này cũng nhận định rằng các cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện, bổ sung chi tiết các quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em, bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân về trẻ em trên không gian mạng.

Có thể thấy rằng, hiện chưa có giải pháp nào hiệu quả tuyệt đối để bảo vệ trẻ em trước các mối nguy hại mà MXH mang lại. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã đưa ra các giải pháp mà nếu thực hiện theo, mỗi cá nhân chúng ta có thể sẽ bảo vệ được các em nhỏ tránh được nhiều rủi ro mà MXH mang lại.

Cụ thể, gia đình và nhà trường cần hướng dẫn và đặt ra các nguyên tắc cho trẻ em trong việc yêu cầu chấp hành các biện pháp an toàn như: quy định độ tuổi được dùng MXH, thời gian dùng internet trong ngày, được phép truy cập những nội dung nào…

Bên cạnh đó, phụ huynh và cả trẻ em cần được trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản để tham gia môi trường MXH. Trẻ em cần có kỹ năng cung cấp thông tin cá nhân trên mạng, kỹ năng sử dụng và quản lý mật khẩu để đảm bảo an toàn…

Một giải pháp nữa cũng rất quan trọng đó trang bị cho trẻ em sự cảnh giác, biết nâng cao sự cảnh giác với bất cứ thông tin nào trên mạng, cẩn trọng khi truy cập vào các đường link lạ, khi gặp những lời mời chào hấp dẫn đến khó tin… từ đó, giảm thiểu các rủi ro liên quan tới lừa đảo trực tuyến.

Một điều cũng rất quan trọng cần trang bị cho trẻ em khi dùng MXH đó là sự văn minh, tử tế trên môi trường mạng. Trẻ em không được gửi hoặc phản hồi những tin nhắn có nội dung xấu hoặc có tính xúc phạm người khác; chia sẻ với cha mẹ, thầy cô khi gặp các vấn đề, khó khăn, khi bị bắt nạt, cô lập hoặc bị xâm hại trên không gian mạng…

Cần lưu ý là ngoài những quy định của pháp luật thì điều cần thiết nhất là phụ huynh, nhà trường và các tổ chức xã hội… cùng chung tay tăng cường trang bị kiến thức và kỹ năng cho trẻ em sẽ giúp trẻ em biết bảo vệ bản thân mình trước những mối đe dọa trên không gian mạng.

Thái Phương – Hải Yến

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-cuoi-nhung-giai-phap-de-bao-ve-tre-em-398427.html