Kỳ cuối: Những lá thư hóa thành các trang văn
Trong những bức thư thời chiến, bên cạnh lý tưởng và khát vọng giành độc lập cho Tổ quốc là tâm tư, tình cảm của người lính đang yêu trong những hoàn cảnh rất riêng nhưng lại trong khung cảnh rất chung của đất nước. Những bức thư, những trang nhật ký chiến trường đã trở thành những trang văn và người lính đã hóa thành thi sĩ.
Những năm 1970, hơn 10.000 sinh viên các trường đại học ở Hà Nội lên đường nhập ngũ, hình thành nên một thế hệ sinh viên thủ đô xếp bút nghiên lên đường chiến đấu. Có nhiều người mới học xong năm thứ nhất, nhưng cũng có người sắp tốt nghiệp, chuẩn bị đi tu nghiệp nước ngoài. Một thế hệ thanh niên hào hoa ra trận, mang trong mình tình yêu Tổ quốc, yêu quê hương, yêu gia đình. Những lá thư thời chiến của thế hệ sinh viên này còn ngập tràn tình yêu đôi lứa với những mộng mơ, bay bổng, trong sáng, rụt rè...
Mặt trận Quảng Trị ác liệt và anh hùng là mảnh đất mà nhiều chiến sĩ đã nằm xuống. Đã có cả một thế hệ thanh niên Thủ đô, từ trường đại học cầm súng bước thẳng ra mặt trận, vào chiến trường Quảng Trị, nhiều người đã ngã xuống và không trở về.
Nguyễn Văn Thạc là một chiến sĩ như vậy. Sinh năm 1952 tại làng Bưởi, Hà Nội trong một gia đình thợ thủ công, Thạc là người đoạt giải Nhất cuộc thi học sinh giỏi Văn lớp 10 toàn miền Bắc năm học 1969-1970. Với thành tích học tập kể trên, Thạc đã được Ban Tuyển sinh Hà Nội xếp vào diện đi đào tạo tại Liên Xô.
Nhưng theo chủ trương chung, phần lớn những nam học sinh xuất sắc năm đó đều phải ở lại để tham gia quân đội. Trong khi chờ gọi nhập ngũ, Thạc đã xin thi và đỗ vào Khoa Toán – Cơ của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nhưng đó cũng là thời gian cuộc kháng chiến đang bước vào giai đoạn mới. Chiến trường miền Nam ngày càng gay go và ác liệt. Hàng ngàn sinh viên các trường đại học phải tạm ngừng việc học tập, để bổ sung lực lượng chiến đấu cho quân đội. Nguyễn Văn Thạc đã nhập ngũ ngày 6/9/1971.
Có những bức thư, những trang nhật ký chiến trường của anh đã trở thành những trang văn học, người lính Nguyễn Văn Thạc đã hóa thành thi sĩ. Vào một đêm thức trắng tại tuyến lửa, người lính binh nhì Nguyễn Văn Thạc viết thơ tặng người yêu đang sống ở thành phố chân trời xa, 11/7/1972: “Đêm trắng trong... là đêm của em /Đèn thành phố và sao trời lẫn lộn/ Đêm của anh xếp kín đầy bom đạn/ Pháo sáng chập chờn trộn trạo với sao sa…”. Đằng sau sau những “lời xa xôi” đó là một tình yêu cháy bỏng và thủy chung vô bờ.
Cũng có đoạn cuối của lá thư như một lời thì thầm cảm động đến tận đáy lòng: “TB: Con nói khẽ với mẹ thôi nhé. Mẹ xem có “khóm hoa” nào tươi tốt, ngắm kỹ một bông dù trắng dù hồng, cốt ở cái hương mà được người khen thơm rồi mẹ mách trước cho con để con... Mẹ đừng nói cho ai biết và đừng cười con mẹ nhé!
Đứa con bé bỏng của mẹ chưa bao giờ làm mẹ được vui lòng. Hôm nay con nói vui thế thôi, kẻo xóm giềng họ biết họ cười con đấy mẹ nhỉ...” - thư của chiến sĩ Vũ Xuân Thu viết ngày 15/3/1975. Khi đó chàng trai Vũ Xuân Thu 26 tuổi, vừa cùng đơn vị giải phóng Phước Long.
Có những bức thư người chồng gửi cho vợ ở hậu phương với một tình cảm thật nồng nàn. Ngày 5/2/1973, từ núi rừng Trà Mi, Đại tá Đỗ Sâm viết: “Hiện nay em chẳng thể tới thăm anh ở rừng Trà Mi được, nhưng khi hòa bình chiến thắng rồi em sẽ có điều kiện vào trong này thăm miền Nam đấy. Em sẽ đi qua cầu Hiền Lương, qua Huế, Đà Nẵng... thăm thành đồng anh hùng của Tổ quốc, nơi người chồng thân yêu của em đã anh dũng chiến đấu những ngày xa em. Anh sẽ dẫn em đi chơi trên các đường phố, làng quê ở miền Nam... em chuẩn bị đi nhé... Anh muốn trước khi trở về hẳn miền Bắc hai vợ chồng mình được dạo chơi trong này một thời gian để em có dịp đi thăm đất nước quê hương... Anh yêu của em: Đỗ Sâm”.
Các lá thư của Đại tá Đỗ Sâm gửi cho vợ ở hậu phương (đến nay gia đình còn lưu lại được 34 lá) trong suốt hơn 10 năm ông đi chiến trường đều bắt đầu bằng những dòng chữ “Em yêu quý!”, Em yêu quý nhất của đời anh!”, “Em yêu duy nhất của đời anh!”, “Em vô cùng thương mến!”...
Mỗi lá thư thời chiến rất đỗi riêng tư nhưng tất cả lại cho người đọc cảm nhận nhiều điều về đời sống tinh thần của lớp thanh niên của xã hội thời chiến; góp phần làm sáng lên vẻ đẹp tâm hồn người lính tuy gian khổ nhưng luôn yêu đời, khát vọng hòa bình, mong đợi ngày đoàn tụ, tin tưởng vào thắng lợi ở ngày mai.
Và chính tình yêu vững chắc nơi hậu phương ấy đã làm động lực cho các chiến sĩ thêm quyết tâm, vượt qua gian khổ để làm nên cuộc chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Đó là ý nghĩa và cũng chính là thông điệp từ những lá thư thời chiến truyền lại cho các thế hệ sau hôm nay.
Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-cuoi-nhung-la-thu-hoa-thanh-cac-trang-van-107599.html