Kỳ cuối: Vì một Tây Ninh xanh
Người mua ô tô, xe máy thường quan tâm đến nhãn hiệu, kiểu dáng, giá tiền của xe, ít khi tìm hiểu về tiêu chuẩn khí thải của phương tiện. Để hướng đến giao thông xanh, nhiều quốc gia trên thế giới- trong đó có Việt Nam khuyến khích người dân dần thay đổi thói quen lưu thông.
Dần thay đổi thói quen
Những năm qua, Sở Giáo dục và Ðào tạo chỉ đạo Phòng Giáo dục và Ðào tạo các huyện, thị, thành phố thực hiện tốt hoạt động tuyên truyền về an toàn giao thông, bảo vệ môi trường ở các trường để nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh.
Trường THPT Hoàng Văn Thụ (huyện Châu Thành) hiện có 2 cơ sở hoạt động với 48 lớp, khoảng 1.900 học sinh. Bên cạnh việc phổ biến các quy định pháp luật về giao thông, hướng dẫn kỹ năng lái xe an toàn cho học sinh, phía nhà trường còn đặc biệt quan tâm tuyên truyền, hướng dẫn các em sử dụng phương tiện hạn chế ô nhiễm, thúc đẩy việc di chuyển an toàn và bền vững. Ông Nguyễn Ngọc Quang- Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ cho biết, ngoài tuyên truyền nâng cao nhận thức về giao thông xanh, đơn vị triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ môi trường chung như: tổ chức diễn đàn trao đổi ý kiến, các cuộc thi, hoạt động thu gom rác thải... Sắp tới, nhà trường sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp có hiệu quả, chú trọng tuyên truyền sâu rộng cho học sinh nâng cao ý thức trong việc sử dụng phương tiện giao thông hướng đến môi trường xanh, di chuyển an toàn, đúng quy định pháp luật.
Công tác bảo vệ môi trường từ các hoạt động giao thông đã có chuyển biến tích cực khi người dân bắt đầu hình thành thói quen sử dụng phương tiện phi cơ giới như xe đạp hay đi bộ để tham gia giao thông. Với mong muốn rèn luyện sức khỏe và chung tay bảo vệ môi trường, bạn Nguyễn Khắc Thành Đạt (24 tuổi) ngụ xã Suối Dây, huyện Tân Châu đã tham gia vào Câu lạc bộ Xe đạp Suối Dây - Tân Thành (huyện Tân Châu).
Bạn Nguyễn Khắc Thành Đạt cho biết: “Câu lạc bộ được thành lập từ cuối năm 2021, hiện có khoảng 30 thành viên. Từ lúc tham gia đạp xe, em thấy sức khỏe ngày càng tốt, tinh thần vui tươi, khả năng tập trung cao. Thời gian đạp xe của các thành viên thường bắt đầu từ 4 giờ sáng mỗi ngày, quãng đường từ 30 - 40km. Câu lạc bộ cũng khuyến khích mọi người nếu đi làm, đi chợ hay đến những địa điểm gần nhà nên di chuyển bằng xe đạp để hạn chế khí thải từ động cơ phương tiện ra môi trường”.
Không chỉ các bạn trẻ, nhiều người lớn tuổi cũng hình thành thói quen đạp xe và đi bộ mỗi ngày vừa để tập thể dục, vừa chung tay giảm thiểu ô nhiễm không khí. Bà Nguyễn Thị Nguyệt, ngụ phường Ninh Thạnh, thành phố Tây Ninh nói: “Tôi bắt đầu chuyển sang sử dụng xe đạp từ một năm trước. Ban đầu, tôi dự tính mua xe đạp để đi chợ gần nhà, lâu dần hình thành thói quen đạp xe dạo quanh những con đường thay vì chạy xe mô tô như trước kia. Chỉ những trường hợp thật sự cần thiết tôi mới sử dụng xe mô tô”.
Những năm qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch hành động và văn bản chỉ đạo điều hành về phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng bền vững và bảo vệ môi trường như: Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 5.12.2011 phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; Quyết định số 1474/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2012-2020 nhằm hiện thực hóa các nhiệm vụ của Chiến lược; Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10.5.2017 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 31.10.2017 phê duyệt Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020.
Một dấu ấn lớn của chính sách chuyển đổi sang sử dụng điện từ năng lượng tái tạo nhằm giảm phát thải ròng khí nhà kính thể hiện rõ trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15.5.2023.
Có thể thấy, việc người dân thay đổi phương thức tham gia giao thông, sử dụng phương tiện giao thông phi cơ giới góp phần hạn chế lượng khí thải ra môi trường, cải thiện chất lượng cuộc sống và sức khỏe cộng đồng. Vấn đề phát triển hệ thống giao thông phi cơ giới vẫn còn nhiều khó khăn do phương tiện chủ yếu lưu hành ở địa phương là xe cơ giới, chiếm tỷ lệ áp đảo so với người chạy xe đạp hay đi bộ, trong khi hạ tầng giao thông cho phương tiện phi cơ giới còn hạn chế. Dù còn nhiều khó khăn trong việc hiện thực hóa giao thông không khói, nhưng những sự thay đổi nhỏ về thói quen sử dụng phương thức di chuyển đã góp phần rất lớn vào quá trình cải thiện môi trường sống.
Xu thế tất yếu trong tương lai
Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành tháng 2.2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là bước đột phá về tư tưởng, định hình con đường phát triển sạch cho ngành năng lượng Việt Nam trong tương lai.
Đối với Tây Ninh, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch này hướng đến phát triển nhanh, bền vững, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với xây dựng văn hóa, ổn định xã hội và bảo vệ môi trường. Tỉnh Tây Ninh chú trọng bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm xây dựng “Tây Ninh xanh”, trong đó yếu tố xanh vừa là mục tiêu, vừa là phương tiện phát triển của tỉnh.
Mục tiêu phát triển đến năm 2023, Tây Ninh trở thành địa phương phát triển năng động, văn minh, có môi trường sống tốt, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, trở thành địa phương đáng đến và đáng sống. Quy hoạch xác định công nghiệp và dịch vụ du lịch là động lực chủ yếu cho tăng trưởng gắn với phát triển không gian mới, đưa Tây Ninh trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp và dịch vụ du lịch của vùng Đông Nam bộ và cả nước.
Để làm được điều này, cần tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đô thị; đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm kết nối vùng, các dự án có tính lan tỏa, dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là hiện thực hóa dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài; đẩy mạnh phát triển đô thị theo quy hoạch; tăng cường công tác quản lý và sử dụng có hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu…
Có thể thấy, việc phát triển “giao thông xanh” hướng đến bảo vệ môi trường là một định hướng lâu dài, đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ để thay đổi nhận thức và hành vi của người dân, góp phần chung tay xây dựng Tây Ninh xanh.
Theo báo cáo công bố ngày 20.11.2023, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) cho biết, thế giới vẫn tiếp tục thải lượng khí nhà kính kỷ lục vào khí quyển. Mức tăng này chủ yếu là do đốt nhiên liệu hóa thạch và các hoạt động công nghiệp. UNEP cảnh báo nhiệt độ Trái đất có nguy cơ tăng thêm 2,9 độ C trong thế kỷ này, vượt xa các giới hạn then chốt. Trước tình thế đó, UNEP kêu gọi “những nỗ lực đầy tham vọng và khẩn cấp từ tất cả các quốc gia nhằm giảm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và nạn phá rừng”. Trong đó, giao thông xanh được xem là một trong những giải pháp bền vững với hiệu quả đột phá.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/ky-cuoi-vi-mot-tay-ninh-xanh-a172628.html