Kỳ diệu thiền sư tỏa hương thơm ngát sau khi viên tịch
Câu chuyện về xá lợi tỏa hương thơm ngát của vị sư tổ Thủy Nguyệt tại chùa Nhẫm Dương cho đến tận ngày nay vẫn được coi là sự kỳ diệu hiếm có, bởi những lời dặn dò trước khi viên tịch và tư thế kiết già của sư tổ.
Theo lời dặn dò, các đệ tử lần theo mùi hương ấy và thấy sư tổ của mình viên tịch trong một hang đá phía sau núi. Đặc biệt, toàn thân ngài vẫn còn nóng ấm, mềm mại, đôi mắt khép hờ và hai tay vẫn giữ chặt tràng hạt tựa như ngài vẫn đang ngồi thiền.
Thi thể của sư tổ… không đồng ý lên đàn hỏa thiêu
Sư thầy Thích Đàm Mơ, trụ trì chùa Nhẫm Dương cho biết, mọi người vẫn thường gọi chùa Nhẫm Dương là chùa Thánh Quang, bởi theo sử sách ghi lại, ngôi chùa này gắn liền với sự tích “hóa thánh” kỳ lạ của vị sư tổ Thủy Nguyệt tại hang “Thánh hóa”. Dấu tích sau khi sư tổ để lại hiện vẫn còn lưu dấu tại hang nhỏ phía sau chùa.
Tại nơi sư tổ ngồi kiết già trong hang, phía trên đầu xuất hiện một vết lõm sau bằng kích thước đầu người, còn phía dưới chân xuất hiện một dấu ấn lõm xuống tựa bàn chân người. Theo đó, khi sư tổ đắc đạo, ngài đã húc đầu vào núi đá nhưng đầu không hề hấn gì mà núi đá thì lại có dấu vết kỳ lạ. Hiện nay những dấu ấn ấy vẫn còn lưu khá rõ trong hang “Thánh hóa”.
Cũng theo sư thầy Thích Đàm Mơ, tại chùa Thánh Quang, ngoài những dấu tích trong hang “Thánh hóa” ở nơi sư tổ về với cõi Niết bàn, ngôi cổ tự này hiện còn lưu giữ xá lợi của sư tổ Thủy Nguyệt. Xá lợi ấy hiện nay được lưu giữ và chôn cất trong bảo tháp phía sau chùa. Sự tích để lại xá lợi của sư tổ, theo lời của thầy Đàm Mơ, đó là câu chuyện rất kỳ lạ.
Theo sử sách ghi chép, trước khi về với cõi Niết bàn, thấy sức đã yếu đi, vị sư tổ liền gọi chúng đệ tử lại và dặn: “Sứ mệnh của ta ở cõi trần đã cạn, nay ta phải lên núi Nhẫm Dương. Khi ta viên tịch các con không được khóc, hay rơi một giọt nước mắt nào, như thế ta về với cõi Phật sẽ được nhẹ nhàng hơn. Và nhớ, sau 7 ngày lên núi mà không thấy ta trở về, các con hãy đi tìm chỗ nào có mùi thơm thì ta ngự ở đó”.
Đệ tử nghe sư tổ nói vậy, ai cũng bùi ngùi nhưng tuyệt nhiên không người nào dám khóc hay để nước mắt chảy ra, bởi họ sợ vì một phút yếu lòng sẽ gây trở ngại đến việc lớn trên hành trình cuối cùng về cõi Niết bàn của sư tổ Thủy Nguyệt. Thực hiện đúng di nguyện, sau 7 ngày sư tổ Thủy Nguyệt lên núi mà không thấy trở về, các đệ tử chia nhau lên núi tìm kiếm. Nhưng vừa bước đến chân núi, tự nhiên có một cơn gió mạnh thổi qua, mang theo mùi hương thơm thoang thoảng.
Lần theo mùi thơm ấy, các đệ tử đã tìm thấy nơi tỏa ra mùi hương tại một hang đá nhỏ phía sau chùa Nhẫm Dương. Kỳ lạ hơn, khi vào trong hang mọi người thấy sư tổ đã viên tịch và ngồi kiết già trên một tảng đá, toàn thân vẫn nóng ấm, mềm mại, tuy chỉ có hơi thở thì đã tắt. Toàn thân sư tổ Thủy Nguyệt tỏa ra mùi hương thơm ngào ngạt, tựa như mùi thơm của cây trầm hương trên núi.
Sư thầy Đàm Mơ cho biết, sau khi tìm thấy nơi sư tổ viên tịch trong hang đá, các đệ tử đã mang nước thơm và tắm rửa cho thi thể của ngài rồi để vào trong một chiếc khám lớn và rước về chùa. Thông tin sư tổ Thủy Nguyệt viên tịch để lại mùi hương thơm ngát nhanh chóng lan ra, các phật tử gần xa tìm về và cúng tiến nhiều loại gỗ thơm để lập đàn hỏa táng. Khi đàn thiêu đã chuẩn bị xong thì chuyện lạ lùng lại xảy ra, chiếc khám đựng thi thể của sư tổ không thể nào nâng lên được, mặc dù được rất nhiều các chàng trai khỏe mạnh trong vùng giúp sức.
Thấy lạ, nhiều người dân liền mở khám ra và phát hiện sư tổ vẫn ngồi trong tư thế tọa thiền, sắc mặt hồng hào như người còn sống. Phải mất hai ngày tụng kinh niệm Phật, cùng với sự trợ giúp của pháp sư Bình Quản, thi thể của sư tổ Thủy Nguyệt mới đưa được lên đàn hỏa táng. Phần xá lợi là tro cốt của sư tổ sau đó vẫn còn tỏa ra hương thơm. Để giữ gìn phần tro cốt đặc biệt ấy, các đệ tử đã đem tro của sư tổ Thủy Nguyệt đựng trong tiểu sành và chôn dưới chân am cổ phía sau chùa.
Cuộc hoằng pháp đầy gian truân
Theo tư liệu còn khắc trên bia đá hiện lưu giữ tại chùa, sư tổ Thủy Nguyệt viên tịch vào năm Chính Hòa thứ 20, đời vua Lê Hy Tông, tức là năm Giáp Thân (1704), ngài hưởng thọ 68 tuổi. Ngay cả câu chuyện ngài viên tịch và toàn thân tỏa ra mùi hương thơm ngát cũng được ghi lại khá chi tiết. Đó không chỉ là điều kỳ diệu mà sư tổ để lại sau khi về cõi Niết bàn mà còn là một “báu vật” của chùa Thánh Quang.
Là người đầu tiên xây dựng và đặt nền móng cho môn phái Tào Động, vì thế, hành trình hoằng pháp và thỉnh độ chân kinh của sư tổ Thủy Nguyệt khá gian truân. Theo thông tin mà sư thầy Đàm Mơ cung cấp, sư tổ Thủy Nguyệt vốn mang họ Đặng, sinh năm 1637, người làng Thanh Triều, huyện Nhự Thiên, phủ Tiên Hưng (này là tỉnh Thái Bình) và có hiệu là Thông Giác. Sư tổ Thủy Nguyệt theo học nho giáo từ nhỏ, đến năm 18 tuổi ngài thi đậu Cống cử tứ trường (vượt qua 4 kỳ thi đỗ Hương Cống sau này gọi là cử nhân - pv).
Sau đó vì chán cảnh đời, lại có đam mê và thích đi theo các vị thiền sư tu hành học đạo nên năm 20 tuổi, sư tổ quyết định bỏ nghiệp Nho, tìm đến chùa xã Hỗ Đội xin xuất gia học đạo. Sau 6 năm miệt mài tu hành học đạo, sư tổ cảm thấy chưa thỏa mãn về đạo pháp đã thu thập được, ngài quyết định xin phép sư phụ của mình để đi du phương và tham vấn các bậc Tôn túc khác.
Vốn là người có trí lớn, sau khi du phương và tham vấn các vị Tôn túc trong nước nhưng vẫn chưa cảm thấy thỏa mãn, tâm thấy chưa sáng đạo, năm 34 tuổi, nhờ nhân duyên, sư tổ Thủy Nguyệt đã cùng với một người đệ tử của mình lặn lội sang đất Trung Hoa tầm sư học đạo. Khi đặt chân đến đất nước Trung Hoa xa xôi, sư tổ may mắn gặp được hòa thượng Thượng Đức trên núi Phượng Hoàng. Trải qua một quá trình dài đầy thử thách và khổ luyện để khai thông đạo pháp, năm 37 tuổi sư tổ Thủy Nguyệt đã được sư phụ của mình ban cho pháp hiệu là Thông Giác Đạo Nam Thiền Sư.
Về nước, sư tổ Thủy Nguyệt ra sức hoằng pháp, cứu giúp nhiều cuộc đời con người trước những bi ai của số phận. Sư thầy Thích Đàm Mơ tâm sự: “Việc thi thể của sư tổ sau khi viên tịch là niềm điềm lành và cũng là minh chứng cho việc sư tổ đã tu hành đạt tới cảnh giới và khai thông Phật pháp sau hành trình dài đầy gian khó. Vì thế, khi ngài viên tịch mới để lại nhiều điều kỳ diệu như vậy. Cuộc đời của ngài chính là ngọn đuốc soi sáng để chúng tôi thấy con đường mình sẽ đi trong hành trình gìn giữ và phát triển những giá trị đạo pháp mà sư tổ đã truyền thụ lại”.