Kỳ họp lần III Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC: Cơ hội khẳng định, quảng bá thành tựu của Việt Nam
Diễn ra từ ngày 26-29/7 tới tại Quảng Ninh, Kỳ họp lần thứ III của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC III) là cơ hội tốt để Việt Nam khẳng định, quảng bá thành tựu của đất nước trong cuộc chiến chống COVID-19, cũng như trong phục hồi, phát triển kinh tế.
Ngày 12/7, tại Hà Nội, Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC của Việt Nam (ABAC Việt Nam) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức họp báo giới thiệu Kỳ họp lần thứ III của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC III).
Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI, Chủ tịch ABAC Việt Nam cho biết: Theo kế hoạch hoạt động của ABAC, trong năm 2022 sẽ có 4 kỳ họp. Trong đó, kỳ 1 tại Singapore từ ngày 15 – 18/2/2022; kỳ 2 tại Vancouver, Canada từ ngày 25 – 28/4/2022; kỳ 3 tại Trung Quốc vào tháng 7/2022; kỳ 4 tại Bangkok, Thái Lan từ ngày 13 – 16/11/2022.
Tuy nhiên, do Trung Quốc vẫn đang duy trì chính sách “zero COVID”, nên Kỳ họp ABAC 3 không thể tổ chức tại Trung Quốc như dự kiến. Vì vậy, Chủ tịch ABAC 2022 là Thái Lan đã đề nghị ABAC Việt Nam giúp đăng cai tổ chức Kỳ họp 3 của ABAC trong tháng 7/2022.
"Nhận thấy đây là thách thức không nhỏ nhưng cũng là cơ hội tốt để Việt Nam khẳng định, quảng bá thành tựu của đất nước trong cuộc chiến chống COVID-19, cũng như trong phục hồi, phát triển kinh tế, VCCI đã báo cáo và được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ủng hộ việc đăng cai tổ chức ABAC III", ông Công thông tin.
Theo ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI, Chủ tịch ABAC Việt Nam, việc đăng cai ABAC III là thách thức nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam quảng bá các thành tựu của đất nước.
Kỳ họp ABAC III, VCCI cùng ABAC Việt Nam chủ trì tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 26-29/7 tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh.
Việc đăng cai kỳ họp 3 của ABAC sẽ giúp thúc đẩy những ưu tiên của Việt Nam trong thực hiện mục tiêu phục hồi kinh tế và tăng trưởng bền vững. Sự kiện là dịp để Việt Nam thể hiện là điểm sáng của đầu tư quốc tế trong thời kỳ “bình thường mới” với những chính sách đầu tư an toàn, cởi mở, hấp dẫn; kiểm soát dịch bệnh một cách hiệu quả. Đồng thời thể hiện tinh thần chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.
Sự kiện cũng góp phần nâng cao vị thế Viêt Nam trong ABAC nói riêng và APEC nói chung, có tác dụng hỗ trợ cho các nỗ lực của ta trong việc vận động quốc tế để Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch APEC năm 2027.
ABAC III dự kiến sẽ có sự tham gia của gần 200 đại biểu (tham dự trực tuyến và trực tiếp). Đến nay đã có đã có trên 130 đại biểu đăng ký đến Hạ Long dự họp trực tiếp, chỉ có số lượng rất ít đại biểu dự họp trực tuyến.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC), tuy đây không phải là con số lớn, nhưng số lượng đại biểu đăng ký tại Kỳ họp III lớn hơn rất nhiều so với các Kỳ họp I và II của ABAC được tổ chức lần lượt tại Singapore và Vancouver, Canada. Điều này chứng tỏ sức hấp dẫn của Việt Nam nói chung là điểm đến an toàn, thân thiện; cũng như thể hiện sức hấp dẫn của thành phố Hạ Long, Quảng Ninh - địa điểm rất đặc biệt đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
"Là một thành viên của ABAC, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào Kỳ họp III của ABA, chúng tôi sẽ cùng nhau thảo luận đưa ra các đề xuất thiết thực theo chủ đề nêu trên, trình lên Diễn đàn APEC để chính phủ mỗi nước có các chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, mở rộng thương mại điện tử và cùng nhau xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng được kết nối toàn cầu.
Nhân dịp kỳ họp quan trọng này, VCCI phối hợp cùng UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị Xúc tiến Đầu tư Quảng Ninh vào chiều ngày 26/7 và Diễn đàn kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông, hướng đến liên kết 4 địa phương dọc theo con đường cao tốc từ Hà Nội đến cửa khẩu Móng Cái, diễn ra vào chiều 28/7. Tham dự các sự kiện này có các doanh nghiệp APEC, các doanh nghiệp trong nước, đại diện một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam.