Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV: Kiện toàn nhân sự lãnh đạo Nhà nước

Ngày 24-3, Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Buổi sáng, trước phiên khai mạc kỳ họp, các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các vị đại biểu Quốc hội đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

Sau đó, vào 8 giờ, Quốc hội họp phiên trù bị dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Tại phiên họp, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 11 và Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Chương trình Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

Đúng 9 giờ, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, phiên khai mạc kỳ họp đã diễn ra tại phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có bài diễn văn khai mạc Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. Sau đó, Quốc hội đã nghe các báo cáo sau: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trình bày dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ.

Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục phiên họp toàn thể dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng. Tại phiên họp, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ.

Sau đó, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) và tiến hành thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này. Phiên thảo luận đã có 10 đại biểu phát biểu; trong đó, các ý kiến đại biểu tập trung thảo luận về: Phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ; kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng; cơ sở cai nghiện ma túy; chính sách của Nhà nước về phòng, chống ma túy; trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước về phòng, chống ma túy; trách nhiệm, quyền hạn của các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy; lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi; văn phong, kỹ thuật xây dựng văn bản…

Sau thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã báo cáo, giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm. Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, để bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng dự án Luật, đề nghị Ủy ban về các vấn đề Xã hội, Ủy ban Pháp luật, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội, hoàn thiện dự án Luật trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua.

Kỳ họp thứ 11 là kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Quốc hội sẽ họp tập trung trong thời gian 12 ngày (dự kiến bế mạc vào ngày 8-4-2021). Quốc hội sẽ dành thời gian xem xét, thông qua dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10.

Quốc hội dành khoảng 4,5 ngày để thảo luận dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; xem xét các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của: Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước. Đồng thời, Quốc hội nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV; Hội đồng Bầu cử Quốc gia báo cáo kết quả hoạt động từ khi thành lập đến tháng 3-2021.

Quốc hội sẽ xem xét, quyết định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026; xem xét, thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, trong đó có nội dung quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026.
Tại kỳ họp này, Quốc hội dành khoảng 7 ngày để xem xét, kiện toàn một số vị trí lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước.

QUỲNH NHƯ – TTXVN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/102_240397_ky-hop-thu-11-quoc-hoi-khoa-xiv-kien-toan-nhan-su-lanh-dao-nha-nuoc.aspx