Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV: 5 Dự án quan trọng quốc gia được thông qua

Lần đầu tiên tại một kỳ họp Quốc hội, có 5 dự án quan trọng quốc gia được xem xét quyết định chủ trương đầu tư. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội khóa XV đã xem xét, quyết định chủ trương đầu tư 6 dự án với tổng mức đầu tư 392.644 tỷ đồng.

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV là kỳ họp thường kỳ đầu năm 2022, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và năm đầu tiên thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.

Sau 19 ngày làm việc, Quốc hội đã xem xét một khối lượng lớn công việc với sự đồng thuận, thống nhất rất cao, quyết định nhiều nội dung quan trọng không chỉ cho năm 2022 mà cho cả giai đoạn phát triển lâu dài trước mắt.

5 dự án Luật vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 gồm Luật Cảnh sát Cơ động; Luật Điện ảnh; Luật Kinh doanh bảo hiểm; Luật Thi đua, khen thưởng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, biểu quyết thông qua 16 nghị quyết chuyên đề và Nghị quyết chung của Kỳ họp, cho ý kiến về 06 dự án luật và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác.

Đã có 1.484 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại 6 phiên thảo luận tổ, 592 lượt thảo luận và 62 lượt tranh luận tại 23 phiên họp toàn thể tại Hội trường, trong đó tại phiên chất vấn có 133 lượt đại biểu thực hiện quyền chất vấn, 28 lượt đại biểu tranh luận để làm rõ hơn những vấn đề quan tâm. Những con số cho thấy chất lượng các kỳ họp Quốc hội ngày càng được nâng lên.

Đáng chú ý, lần đầu tiên tại một kỳ họp Quốc hội, có 5 dự án quan trọng quốc gia được xem xét quyết định chủ trương đầu tư gồm Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; các Dự án xây dựng đường bộ cao tốc: Biên Hòa -Vũng Tàu (giai đoạn 1), Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1), Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1).

Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội khóa XV đã xem xét, quyết định chủ trương đầu tư 6 dự án với tổng mức đầu tư 392.644 tỷ đồng. Riêng Dự án Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội có tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng; có phạm vi, quy mô đầu tư khoảng 112,8 km; sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 1.341ha. Dự án được kỳ vọng sẽ tạo ra không gian phát triển mới cũng như giải quyết nhiều vấn đề tồn tại của Hà Nội.

“Đây là 1 quyết định vừa sáng suốt, vừa mang tính căn cơ cả về trước mắt và lâu dài.” Cử tri Trần Tiên Tiến, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội vui mừng chia sẻ.”Rõ ràng muốn phát triển kinh tế xã hội thì giao thông phải đi trước 1 bước”.

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Dự án Vành đai 4 Vùng thủ đô Hà Nội cùng với Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và phù hợp với Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Ông Đinh Tiến Dũng cũng cho rằng, việc phân chia 7 dự án thành phần là hợp lý, trong đó tách riêng phần giải phóng mặt bằng và phần xây dựng đường song hành triển khai độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương.

“Giải phóng mặt bằng luôn là vấn đề khó khăn nhất đối với các dự án đầu tư công. Vì thế, chúng ta tiến hành giải phóng mặt bằng một cách đồng bộ gồm cả 9,7km tuyến nối và dự trữ cho tuyến đường sắt vành đai là hợp lý. Dự án Vành đai 4 có tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng 1.341ha, trong đó, thành phố Hà Nội 741ha và cơ bản là đất nông nghiệp nên việc giải phóng mặt bằng thuận lợi”, ông Đinh Tiến Dũng cho biết.

Việc triển khai, thực hiện dự án Vành đai 4 – Vùng thủ đô Hà Nội cũng được Quốc hội cho phép áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt. Quốc hội giao UBND thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện dự án bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn dự án. Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện Nghị quyết; hằng năm báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm về tình hình thực hiện dự án.

“Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình, công khai, minh bạch, tuyệt đối không được để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, trục lợi chính sách, làm lãng phí, thất thoát tiền và tài sản Nhà nước.” Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh yêu cầu nêu trên trong phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 3.

Với sự chuẩn bị chu đáo, tinh thần trách nhiệm cao, Đoàn ĐBQH Hà Nội đã tích cực tham gia có hiệu quả các nội dung, chương trình nghị sự, góp phần quan trọng vào thành công chung của kỳ họp.

Tại phiên chất vấn các thành viên Chính phủ, đã có 19 lượt ý kiến được Đại biểu Quốc hội Hà Nội chuyển tới Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam và Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh.

Riêng tại phiên chất vấn Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã có 6 đại biểu Quốc hội Hà Nội nêu ý kiến chất vấn về các vấn đề như triển khai thu phí không dừng, tác động của việc biến động giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng gây khó khăn cho chủ đầu tư và nhà thầu, các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng khu tổ hợp ga Ngọc Hồi..... Đáng chú ý, Phó trưởng đoàn ĐBQH Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai đã trực diện chất vấn người đứng đầu ngành GTVT về tư duy nhiệm kỳ của ngành.

“Một số công trình xây dựng của Việt Nam còn mang tư duy nhiệm kỳ, nhất là khâu lập, thẩm định, sắp xếp thứ tự ưu tiên dự án. Tình trạng tư duy nhiệm kỳ có tồn tại ở lĩnh vực giao thông hay không?”.

Trước vấn đề được ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai chất vấn, Bộ trưởng GTVT đã khẳng định "ngành giao thông không có tư duy nhiệm kỳ". Tất cả quốc lộ, cao tốc đều nằm trong quy hoạch, được định hướng nhiều chục năm, chứ không phải bột phát đưa vào. Các dự án lớn thường nằm trong các Nghị quyết đại hội Đảng, Nghị quyết Bộ Chính trị về phát triển vùng. "Những căn cứ này đảm bảo sự khách quan, minh bạch. Giao thông là ngành phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch lâu dài, công trình mang tính liên vùng đột phá nên không có tư duy nhiệm kỳ", ông Nguyễn Văn Thể giải thích.

Trong khi đó, tại các phiên thảo luận, Qua tổng hợp đã có 107 lượt ĐBQH Hà Nội phát biểu ý kiến tại kỳ họp, trong đó có 29 lượt đại biểu phát biểu tại Hội trường, 78 lượt đại biểu phát biểu tại tổ. Các ý kiến phát biểu được ĐBQH trong Đoàn nghiên cứu, chuẩn bị chu đáo, thể hiện ý thức và trách nhiệm cao tại các phiên họp của Quốc hội.

Như khi thảo luận về việc kéo dài Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu, đại biểu Quốc hội Bùi Huyền Mai, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội dù nhất trí với chủ trương này nhưng cũng lưu ý cần phải có cam kết cụ thể. “Nếu không chúng ta sẽ không xử lý được các khoản nợ xấu hiện hữu và còn có nguy cơ tiếp tục phát sinh thêm như thực tế hiện nay, lúc đó trách nhiệm sẽ thuộc về ai?" Bà Bùi Huyền Mai nhấn mạnh.

Còn tại phiên thảo luận về dự án Luật khám chữa bệnh, đã có 3 đại biểu Quốc hội Hà Nội tham gia góp ý, trong đó đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề nghị bổ sung quy định về khám chữa bệnh ngoài địa điểm hành nghề; đồng thời cần rõ cơ chế huy động thu hút xã hội hóa trong khám chữa bệnh. Từ thực tiễn dịch bệnh Covid-19, đại biểu Thích Bảo Nghiêm cho rằng vai trò của việc bổ sung thêm các thể chế, quy định về sự phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh là rất cần thiết.

“Trong thành công chung của kỳ họp thứ 3, đoàn ĐBQH Hà Nội là 1 trong những đoàn luôn luôn có nhiều đại biểu tham gia phát biểu, không chỉ đông về số lượng mà các ý kiến cũng rất chất lượng để hoàn thiện các luật và nhiều vấn đề quan trọng cấp quốc gia”. Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường phân tích.

Các ý kiến của các đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội đều được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu, đặc biệt là với những nội dung góp ý liên quan đến chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 – Vùng thủ đô Hà Nội. Phó trưởng đoàn Quốc hội Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai nhấn mạnh, các Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội đã có sự tiếp cận, nghiên cứu kỹ lưỡng chủ trương đầu tư dự án quan trọng này từ sớm.

“Tại buổi làm việc với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội trước khi diễn ra kỳ họp, chúng tôi cũng đã có những báo cáo và tiếp cận đối với dự án này. Vì vậy các đại biểu Quốc hội Hà Nội rất đồng tình về sự cấp thiết, tính cấp bách của dự án. Đã có 7 đại biểu đăng ký phát biểu tại phiên thảo luận hội trường về nội dung này, hầu hết đều đã được đến lượt, chỉ có 2 đại biểu chưa được phát biểu nhưng cũng đã gửi góp ý đến Tổng thư ký Quốc hội và các cơ quan thẩm tra của Quốc hội để tiếp thu và đưa vào Nghị quyết chung”. Bà Phạm Thị Thanh Mai cho biết thêm.

Luôn dành sự quan tâm đối với hoạt động của Quốc hội nói chung và 29 đại biểu Quốc hội ứng cử tại Thành phố Hà Nội, nhiều cử tri thủ đô cũng đánh giá các hoạt động của những đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội ngày càng gần gũi và thiết thực, hiệu quả hơn.

“Chúng tôi cảm nhận rõ sự trăn trở của những đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội trong những góp ý với Quốc hội, Chính phủ về những vấn đề được cử tri và nhân dân thủ đô gửi gắm. Hà Nội là thủ đô của cả nước, có rất nhiều vấn đề phải cần đến sự quan tâm, giúp đỡ và hợp tác của các cơ quan trung ương để tháo gỡ, giúp Hà Nội phát triển xứng đáng với kỳ vọng”. Ông Phạm Văn Long, cử tri cao tuổi tại Quận Đống Đa, Hà Nội chia sẻ.

Thực hiện: Nhật Vương - Vũ Hà

Đồ họa: Thanh Nga

Tin liên quan Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV thành công tốt đẹp
Họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV
Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô
Bế mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoitv.vn/5-du-an-quan-trong-quoc-gia-duoc-thong-qua-d200524.html