Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tham gia thảo luận tại tổ nhiều nội dung quan trọng

Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 26/10 Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cùng với Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam và Trà Vinh đã tham gia thảo luận tại tổ để đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và một số nội dung quan trọng khác.

Toàn cảnh buổi thảo luận tại tổ.

Toàn cảnh buổi thảo luận tại tổ.

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

Các ý kiến cho rằng, mặc dù năm 2024 là năm thứ 5 liên tiếp kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, làm cho tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, không thuận lợi, nhưng với sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị; sự điều hành linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ; sự đồng hành, giám sát hiệu quả của Quốc hội; sự quan tâm của các bộ, ngành ở Trung ương; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của Nhân dân cùng với cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội nước ta đã có nhiều điểm sáng, với những tín hiệu rất tích cực. GDP 9 tháng năm 2024 ước đạt 6,82%, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát.

ĐBQH Mai Văn Hải tham gia góp ý tại buổi thảo luận.

ĐBQH Mai Văn Hải tham gia góp ý tại buổi thảo luận.

Góp ý vào nội dung này, ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng: Năm 2024 tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, mạnh, phức tạp, không thuận lợi. Vượt qua khó khăn, thách thức, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi và phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu đề ra tại Nghị quyết số 103/2023/QH15.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chính phủ cũng cần quan tâm giải quyết về công tác lập pháp, trong đó cần quan tâm giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các địa phương về việc sớm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024 theo thẩm quyền. Đồng thời phải có kế hoạch, chiến lược nhằm hạn chế tình trạng thừa, thiếu giáo viên như hiện nay; quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Đồng thời, cần xem xét đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác phòng, chống thiên tai; trong đó cần phải tiếp tục quan tâm đến công tác rà soát, cảnh báo và xây dựng quy hoạch nhằm xác định được nguy cơ sạt lở cao để chủ động ứng phó.

ĐBQH Cao Thị Xuân tham gia góp ý tại buổi thảo luận tổ.

ĐBQH Cao Thị Xuân tham gia góp ý tại buổi thảo luận tổ.

Tham gia góp ý, ĐBQH Cao Thị Xuân (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa), Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2024 của nước ta với nhiều điểm sáng như đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; công tác xây dựng thể chế...

Bên cạnh những kết quả đạt được cũng cần phân tích rõ hơn những nguyên nhân khách quan và có những giải pháp trong việc xây dựng thể chế; việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện; khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp.

Cùng với đó, Chính phủ cần quan tâm và có chỉ đạo trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; trong đó quan tâm đầu tư xây dựng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là giải quyết tình trạng di cư tự do, thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt... Bên cạnh đó, cần quan tâm đến chính sách phát triển rừng gắn với sinh kế và nâng cao thu nhập, ổn định đời sống người dân.

Góp ý vào chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng nên kế thừa một cách tối đa việc sử dụng đất của quy hoạch đã được Quốc hội phê duyệt từ năm 2021; đồng thời phải xác định rõ mục tiêu điều chỉnh cho từng quy định sử dụng đất.

Tham gia góp ý về dự án Luật Điện lực (sửa đổi), các ĐBQH thống nhất cao về sự cần thiết phải ban hành luật, nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội.

Các đại biểu cũng đã góp ý, bổ sung một số nội dung nhằm đảm bảo luật được xây dựng chặt chẽ và sát thực tiễn để thuận lợi trong quá trình thực hiện khi luật ban hành, có hiệu lực, như: Tổ chức, cá nhân sử dụng điện cho sinh hoạt, dịch vụ thực hiện theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn trong sử dụng điện; trách nhiệm đảm bảo an toàn đối với hệ thống, thiết bị điện sau công tơ do mình sở hữu hoặc quản lý, sử dụng; việc lập, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch điện giữa quy hoạch điện quốc gia và phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch tỉnh...

ĐBQH Cầm Thị Mẫn tham gia góp ý vào dự án Luật.

ĐBQH Cầm Thị Mẫn tham gia góp ý vào dự án Luật.

Tham gia góp ý, ĐBQH Cầm Thị Mẫn (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) thống nhất sự cần thiết ban hành sửa đổi dự án Luật, qua đó nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển năng lượng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đất nước.

Đại biểu Cầm Thị Mẫn đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, bổ sung, cụ thể hóa các chính sách để đảm bảo tính khả thi đáp ứng thực tiễn khi Luật được ban hành. Ban soạn thảo cũng cần tiếp tục rà soát, chỉnh sửa cho phù hợp chung về lập, phê duyệt, công bố điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia...

Quốc Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/ky-hop-thu-8-quoc-hoi-khoa-xv-doan-dbqh-tinh-thanh-hoa-tham-gia-thao-luan-tai-to-nhieu-noi-dung-quan-trong-228696.htm