Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV: Thảo luận về một số dự án Luật

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, ngày 21/11, các đại biểu họp phiên toàn thể tại hội trường để thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân giải trình ý kiến của Đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật, nhất trí với quan điểm sửa đổi nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng; sửa đổi, bổ sung một số điều để quy định cho hợp lý, sát thực tế, cụ thể hơn nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn phát sinh trong thực tiễn; phù hợp với định hướng về một số giải pháp tăng cường triển khai thi hành Hiến pháp.

Các đại biểu Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ rõ những bất cập trong công tác xây dựng luật, pháp lệnh thời gian qua, đồng thời tập trung cho ý kiến về các nội dung cụ thể của dự thảo Luật như: về trách nhiệm chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, pháp lệnh, nghị quyết; về việc bổ sung hình thức văn bản quy phạm pháp luật gồm Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

Thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước; về việc lập đề nghị xây dựng nghị định của Chính phủ, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, việc ban hành thủ tục hành chính trong văn bản quy phạm pháp luật và áp dụng văn bản quy phạm pháp luật; về việc lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; thành lập Ban soạn thảo dự án luật, pháp lệnh; về dự thảo văn bản quy định chi tiết trong hồ sơ dự án luật, pháp lệnh cũng như việc xây dựng, ban hành văn bản ở địa phương...

Thảo luận về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi), các đại biểu cho rằng, xây dựng Luật sẽ giúp thể chế hóa và hoàn thiện cơ sở pháp lý, xác định rõ quyền và nghĩa vụ của thanh niên, các chính sách của Nhà nước; bảo đảm trách nhiệm của nhà nước, gia đình, nhà trường, xã hội và các tổ chức của thanh niên trong thực hiện chính sách, pháp luật để thanh niên được tu dưỡng, rèn luyện, lập thân, lập nghiệp, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị dự thảo luật cần chỉ rõ, các quy định về chính sách của nhà nước đối với thanh niên, đồng thời quy định rõ trách nhiệm của các chủ thể liên quan để đảm bảo các chính sách này. Nhiều đại biểu cũng đề xuất sửa đổi tên dự thảo Luật thành Luật Hỗ trợ và phát triển thanh niên. Đồng thời, đề nghị dự thảo Luật lược bỏ bớt các quy định chồng lấn với các quy định đã có trong Hiến pháp cũng như các luật khác có liên quan để tránh trùng lắp, đảm bảo tính khả thi, sớm đi vào cuộc sống.

Trong ngày, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật Thư viện.

Mai Lan

Nguồn Ninh Bình: http://baoninhbinh.org.vn/ky-hop-thu-tam-quoc-hoi-khoa-xiv-thao-luan-ve-mot-so-dy-an-luat-2019112109484383p12c16.htm