Kỳ II: Còn đó những khó khăn, thách thức

PTĐT - Ngoại ngữ được ví như 'chìa khóa vàng để hội nhập' song đây là môn học đặc thù nên bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn không ít khó khăn khiến ngoại ngữ vẫn là môn học chưa có sự đồng đều về trình độ...

Ở khu vực các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh, việc dạy và học ngoại ngữ còn gặp nhiều khó khăn do đa phần học sinh là người dân tộc thiểu số, cơ sở vật chất thiếu thốn.- Một tiết học của cô và trò tại điểm trường khu Hạ Bằng, Trường Tiểu học Kim Thượng, huyện Tân Sơn.

Ở khu vực các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh, việc dạy và học ngoại ngữ còn gặp nhiều khó khăn do đa phần học sinh là người dân tộc thiểu số, cơ sở vật chất thiếu thốn.- Một tiết học của cô và trò tại điểm trường khu Hạ Bằng, Trường Tiểu học Kim Thượng, huyện Tân Sơn.

>>> Kỳ I: Hiệu ứng tích cực từ chương trình dạy ngoại ngữ 10 năm
PTĐT - Ngoại ngữ được ví như “chìa khóa vàng để hội nhập” song đây là môn học đặc thù nên bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn không ít khó khăn khiến ngoại ngữ vẫn là môn học chưa có sự đồng đều về trình độ, nhất là khả năng và kỹ năng giao tiếp của học sinh. Khi bắt đầu triển khai chương trình dạy và học tiếng Anh 10 năm, qua kiểm tra, đánh giá thực tế đội ngũ giáo viên (GV) giảng dạy môn ngoại ngữ cho thấy ở một số trường tiểu học, THCS, THPT còn bộc lộ nhiều hạn chế, đó là trình độ giáo viên ngoại ngữ (tiếng Anh) được đào tạo bằng nhiều hình thức, tuyển dụng đầu vào giáo viên cũng chưa có sự chọn lọc kỹ càng, một số được chuyển từ dạy ngoại ngữ khác (tiếng Nga) sang…, do đó khi khảo sát đánh giá theo 6 bậc, chất lượng đạt không cao.

Để khắc phục, nhiều năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ giáo viên ngoại ngữ theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế, đã có hàng trăm lượt giáo viên được bồi dưỡng, cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm tiếng Anh. Song đến nay tỷ lệ GV đạt chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về chuẩn năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngôn ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam chỉ mới chiếm 67,07%, trong đó cấp tiểu học có 290 GV đạt chuẩn B2 trở lên, chiếm 75,92%; cấp THCS có 432 GV đạt chuẩn, chiếm 67,92%; cấp THPT có 115 GV đạt chuẩn. Ở một số địa phương, giáo viên dạy ngoại ngữ cấp tiểu học còn thiếu nhiều, đặc biệt là ở các huyện như: Yên Lập, Tân Sơn, Hạ Hòa, Đoan Hùng. Để đảm bảo đủ số lượng GV, nhiều trường phải hợp đồng theo chế độ thỉnh giảng nên chất lượng dạy và học cũng còn nhiều hạn chế. Công việc giảng dạy, kiêm nhiệm nhiều, GV không có thời gian đầu tư cho bài soạn, bài giảng. Nhiều trường chỉ có 1 giáo viên ngoại ngữ nên không có cơ hội chia sẻ, học hỏi. Một số giáo viên tuổi đời cao, ngại thay đổi, năng lực sử dụng công nghệ thông tin và thiết bị hỗ trợ giảng dạy còn hạn chế.
Ông Phạm Ngọc Diễm - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hạ Hòa cho biết: Huyện Hạ Hòa có 55 trường tiểu học và THCS với 75 giáo viên tiếng Anh giảng dạy hơn 15.000 học sinh. Tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh ở các cấp học diễn ra nhiều năm do thiếu nguồn tuyển và một bộ phận giáo viên trẻ đang trong độ tuổi sinh đẻ nên nghỉ chế độ khiến đội ngũ giảng dạy thiếu ổn định, các thầy cô phải luân phiên giảng dạy. Một số GV ngoại ngữ cũng ngại thay đổi, chưa có phương pháp làm mới bài giảng để gợi niềm say mê cho học sinh, trong khi hầu hết các trường ở xa trung tâm, cơ hội giao tiếp với người nước ngoài rất hạn chế đối với cả thầy và trò. Không chỉ huyện Hạ Hòa gặp khó khăn trong dạy và học ngoại ngữ, trao đổi với chúng tôi, ông Lê Anh Tuấn- Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tân Sơn khẳng định: Ở huyện miền núi Tân Sơn, một số giáo viên phải dạy ngoại ngữ ở nhiều điểm trường. Trên địa bàn huyện hiện có 30 điểm trường lẻ, giáo viên không chỉ dạy ngoại ngữ mà còn phải dạy tiếng Việt cho người dân tộc thiểu số. Ngay như Trường Tiểu học Kim Thượng, xã Kim Thượng đang có 3 điểm trường lẻ ở các khu: Hạ Bằng, Tân Hồi và Chiềng, 90% học sinh là người dân tộc thiểu số, việc dạy tiếng Việt đã khá vất vả với cả thầy và trò nên môn ngoại ngữ luôn được coi là môn học khó, bởi các em phải học cùng lúc 3 thứ tiếng: Tiếng mẹ đẻ, tiếng phổ thông và tiếng Anh. Nhiều năm qua, giáo viên ngoại ngữ vừa phải dạy vừa phải dỗ các em, ngoài việc tự trau dồi phương pháp dạy học còn phải tham khảo trên các diễn đàn, những bài giảng trên mạng xã hội, sử dụng mạng Internet để tìm nguồn video tranh ảnh phù hợp, sinh động, giúp các em dễ tiếp thu bài học. Tuy nhiên kết quả đạt được vẫn chưa như kỳ vọng. Cô giáo Trần Thị Linh, giáo viên Trường Tiểu học Kim Thượng chia sẻ: “Dạy môn ngoại ngữ ở khu vực đồng bằng khó một thì ở khu vực vùng cao còn khó gấp nhiều lần bởi đa số các em là người dân tộc thiểu số, bản thân các em chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ, chưa say mê học. Nhiều em còn gặp khó khăn ngay trong việc sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, do đó việc tiếp thu kiến thức, vốn từ vựng, ngữ pháp chậm dẫn đến kết quả học tập chưa cao. Trong khi giáo viên thiếu, ngoài dạy ngoại ngữ chúng tôi cũng còn phải kiêm nhiệm nhiều việc khác”.

Học sinh Trường THPT Kỹ thuật Việt Trì thường xuyên được thầy, cô giáo rèn luyện, bồi dưỡng môn tiếng Anh cả trong và ngoài giờ lên lớp.

Học sinh Trường THPT Kỹ thuật Việt Trì thường xuyên được thầy, cô giáo rèn luyện, bồi dưỡng môn tiếng Anh cả trong và ngoài giờ lên lớp.

Tưởng như chỉ ở các trường miền núi, việc dạy và học ngoại ngữ mới gặp nhiều khó khăn do đặc thù địa bàn, thậm chí là rào cản ngôn ngữ giữa tiếng mẹ đẻ, tiếng phổ thông và tiếng Anh, thế nhưng ngay ở khu vực vùng ven đô như ở Trường THPT Kỹ thuật Việt Trì, thành phố Việt Trì thì việc đưa chương trình dạy ngoại ngữ 10 năm vào cũng gặp không ít khó khăn. Cô Phạm Thị Thu Huyền- Hiệu trưởng Trường THPT Kỹ thuật Việt Trì cho biết: Mặc dù việc dạy ngoại ngữ theo chương trình mới đã triển khai đại trà toàn tỉnh từ năm học 2016- 2017, song nhà trường phải triển khai chậm 1 năm so với lộ trình chung do khu vực tuyển sinh đầu vào của trường chủ yếu là học sinh vùng ven, đô thị có một số trường THCS chưa đưa vào giảng dạy đại trà chương trình ngoại ngữ 10 năm nên trình độ ngoại ngữ của các em nhìn chung còn yếu, chưa đáp ứng được chương trình mới… Vì thế năm học 2017- 2018, Trường THPT Kỹ thuật Việt Trì mới đưa chương trình tiếng Anh 10 năm vào giảng dạy thí điểm ở 1 lớp khối 10, sang năm học 2018- 2019 tiếp tục đưa vào giảng dạy ở 3 lớp khối 10. Đến năm học 2020-2021 việc dạy và học chương trình ngoại ngữ mới được thực hiện đại trà, đồng bộ ở cả 3 khối: 10, 11, 12.Cùng với khó khăn về nguồn nhân lực, chất lượng đầu vào là hàng loạt các khó khăn khác, đó là cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học. Trong thực tế giảng dạy môn ngoại ngữ, không ít trường còn thiếu phòng học được trang bị máy tính, máy chiếu, đầu chiếu, hệ thống âm thanh để dạy ngoại ngữ. Nhiều cơ sở giáo dục còn chật chội, không đủ điều kiện để tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hoạt động câu lạc bộ ngoại ngữ nhằm nâng cao kỹ năng nghe, nói. Ngay như ở cấp tiểu học, chỉ có các trường thuộc thành phố, thị xã, thị trấn được đầu tư đủ cơ sở vật chất để tiến hành dạy và học ngoại ngữ theo chương trình mới 4 tiết/tuần từ lớp 3. Việc dạy và học song ngữ ở tiểu học triển khai còn chậm, cho dù có nhiều giáo viên đã đạt chuẩn trình độ B1, B2 tiếng Anh. Ngoài môi trường giảng dạy thì môi trường giao tiếp, tạo điều kiện cho các em giao lưu, cọ xát với người nước ngoài trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, trong khi việc vận dụng vốn tiếng Anh đã được học vào thực tế cũng chưa được nhiều trường học, cơ sở giáo dục chú trọng, thậm chí nhiều trường mới chỉ coi trọng việc học ngoại ngữ để thi mà chưa tạo điều kiện cho các em giao lưu trong môi trường đa ngôn ngữ. Đây vừa là hạn chế, vừa là khó khăn, thách thức trong việc dạy và học tốt môn ngoại ngữ giai đoạn hiện nay.Kỳ III: Những giải pháp đột phá

Mai Phương - Hạnh Thúy

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/giao-duc/202103/ky-ii-con-do-nhung-kho-khan-thach-thuc-175746