Kỳ II: Cộng đồng trách nhiệm vì nạn nhân chất độc da cam
PTĐT - Để làm vơi bớt những nỗi đau da cam, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm sâu sắc, ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm hỗ trợ khắc phục hậu quả, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam.
>>> Kỳ I: Vượt qua nỗi đau PTĐT - Để làm vơi bớt những nỗi đau da cam, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm sâu sắc, ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm hỗ trợ khắc phục hậu quả, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam. Cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo,động viên các cấp chính quyền và toàn xã hội cùng cộng đồng trách nhiệm, đẩy mạnh công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, bù đắp phần nào những thiệt thòi, mất mát để họ nâng cao chất lượng cuộc sống.Cả nước hiện có khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị nhiễm CĐDC/dioxin, trong đó tỉnh Phú Thọ có 17.320 người tham gia hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học; 1.266 gia đình có từ 2 nạn nhân trở lên, bao gồm cả thế hệ thứ hai, thứ ba. Nhiều nạn nhân đang từng ngày, từng giờ chống chọi với nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần. Tính đến tháng 6/2020, toàn tỉnh có 6.070 nạn nhân được hưởng trợ cấp, trong đó 3.735 nạn nhân là người có công, 2.335 nạn nhân là con của người có công, đặc biệt có tới 75% nạn nhân da cam chỉ hưởng trợ cấp chất độc hóa học hàng tháng mà không có thu nhập khác trong khi bệnh tật phát sinh nhiều, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống.Để nâng cao nhận thức của xã hội về tính chất nguy hiểm, hậu quả lâu dài của thảm họa da cam đối với môi trường và con người Việt Nam, hỗ trợ các nạn nhân da cam, Tỉnh ủy Phú Thọ đã bám sát Chỉ thị số 43- CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, ban hành Chỉ thị số 27- CT/TU/2015 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”, UBND tỉnh cũng ban hành Kế hoạch hành động triển khai khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016-2020. Đồng thời kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công (NCC), thành lập BCĐ rà soát chính sách ưu đãi NCC. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, sở, ban, ngành, các cấp chính quyền trong tỉnh đều vào cuộc, triển khai thực hiện đến từng cán bộ, đảng viên, hội viên và người dân. Nhờ đó, ý thức, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền trong công tác hỗ trợ chăm sóc, động viên những nạn nhân trực tiếp, gián tiếp bị ảnh hưởng được nâng cao.
Ông Nguyễn Quý Thanh- Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin thành phố Việt Trì - nơi có 681 nạn nhân CĐDC, trong đó có 452 nạn nhân trực tiếp chia sẻ: “Để công tác chăm sóc nạn nhân CĐDC hiệu quả, bù đắp phần nào những thiệt thòi của các nạn nhân và gia đình nạn nhân, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, gây quỹ hỗ trợ nạn nhân. Bình quân mỗi năm Hội vận động ủng hộ, giúp đỡ các nạn nhân với số tiền trên 150 triệu đồng”. Thực tế cho thấy, không chỉ Việt Trì, hầu hết các địa phương trong tỉnh đều làm tốt công tác vận động nguồn lực chăm sóc nạn nhân, trong đó ưu tiên giúp đỡ những gia đình nạn nhân CĐDC là hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, suy giảm sức lao động với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, tạo động lực giúp nhiều nạn nhân da cam tự tin vươn lên trong cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình.Thời gian qua, để thực hiện đúng đối tượng, đúng chế độ chính sách quy định, Sở LĐ,TB&XH đã chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra việc thực hiện chính sách ở 13/13 huyện thành thị. Hàng năm Sở cùng với Sở Nội vụ tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ và ban hành văn bản hướng dẫn chế độ, chính sách về lĩnh vực người có công, trong đó chú trọng việc hướng dẫn về nội dung, phương thức hoạt động cho các Hội và cách lập hồ sơ xác nhận bệnh tật, dị dạng, dị tật kịp thời đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học. Đặc biệt với vai trò là cầu nối giữa các nạn nhân với cộng đồng xã hội, Hội NNCĐDC/Dioxin các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cùng tham gia các hoạt động hỗ trợ thiết thực giúp đỡ các nạn nhân da cam như thăm hỏi, tặng quà, chăm sóc khi ốm đau, hỗ trợ làm nhà ở, phát triển sản xuất, hỗ trợ giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm... Theo ông Phạm Ngọc Quỳnh- Chủ tịch Hội NN CĐDC/dioxin tỉnh, Hội NNCĐDC/dioxin được thành lập ở 3 cấp: tỉnh, huyện, xã, thu hút gần 6.000 hội viên tham gia. Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW, Chỉ thị 27-CT/TU, các cơ quan, đơn vị, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị- xã hội và Nhân dân trong tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực về nhận thức, việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt nam được quan tâm đầy đủ hơn. Các cấp Hội đã chủ động xây dựng văn bản quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị nghiêm túc, kịp thời theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm, tạo điều kiện cho các cấp Hội hoạt động thuận lợi, tổ chức hội không ngừng được củng cố, phát triển, phát huy được vai trò, thực sự là tổ chức đại diện cho lợi ích và quyền lợi của nạn nhân CĐDC, khẳng định vị thế cũng như vai trò của Hội đối với xã hội. Cùng với đó, hàng năm, 100% nạn nhân CĐDC trong tỉnh đều được thăm hỏi, tặng quà; 8/13 Hội cấp huyện vận động ủng hộ cho nạn nhân đạt trên 150% kế hoạch đề ra. Trong 5 năm toàn tỉnh đã chi thăm hỏi, tặng quà cho nạn nhân CĐDC vào các dịp lễ Tết, Ngày vì nạn nhân CĐ DC 10/8 hàng năm, tặng 220 xe lăn, hỗ trợ làm mới, sửa chữa nhà ở cho 19 nạn nhân hoàn cảnh khó khăn, khám bệnh cấp thuốc miễn phí cho 4.660 người bị nhiễm, phơi nhiễm CĐDC… với tổng số tiền trên 18,3 tỷ đồng. Đặc biệt hội đã tạo nguồn vốn hơn 2 tỷ đồng cho gần 300 nạn nhân vay ưu đãi để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Các hội viên cũng đã hỗ trợ lẫn nhau và hỗ trợ cho con em trong hội, chi hội xóa đói giảm nghèo. Đến nay 100% xã, phường thị trấn trên toàn tỉnh đều thực hiện tốt chính sách đối với NCC, 99,8% số hộ NCC, trong đó có gia đình các nạn nhân da cam có mức sống bằng hoặc hơn mức sống trung bình của địa phương nơi cư trú. Trong lần về thăm và làm việc với Hội NN CĐDC/dioxin tỉnh Phú Thọ gần đây, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh- Chủ tịch Hội NN CĐDC/dioxin Việt Nam đã khẳng định: Thời gian qua, tỉnh Phú Thọ đã tích cực chỉ đạo các ngành, các cấp, cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 43- CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI), bảo đảm mọi chế độ chính sách đối với NCC nói chung và nạn nhân CĐDC/Dioxin nói riêng thể hiện sự quan tâm sâu sắc đối với hoạt động chăm lo cho những người đang phải chịu nỗi đau da cam, đưa Phú Thọ trở thành một trong những điểm sáng của cả nước thực hiện tốt chính sách, chăm lo cho NNCĐ da cam. Có thể thấy, từ những nguồn hỗ trợ, ủng hộ, giúp đỡ thiết thực, từ sự sẻ chia của cộng đồng và sự nỗ lực của bản thân đã giúp các nạn nhân CĐDC vượt qua nỗi đau thể xác, tinh thần, sự mặc cảm để vươn lên trong cuộc sống. Trong hành trình nối vòng tay nhân ái, tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục giúp đỡ những nạn nhân CĐDC để họ có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.