Kỳ II: Lời giải bài toán dồn đổi trên diện rộng

PTĐT - Dồn đổi ruộng đất được ví như một cuộc cách mạng trong sản xuất nông nghiệp, làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của nông dân. Đây là nền tảng quan trọng để các địa phương trong tỉnh hướng tới phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất ra giá trị hàng hóa quy mô lớn. Nhận biết được giá trị của việc dồn đổi là như thế, song để nhân ra diện rộng thì cần phải có lời giải từ nhiều phía.

Dồn đổi ruộng đất tạo điều kiện cho huyện Lâm Thao đưa cơ giới hóa vào sản xuất, nâng cao năng suất lao động.

Dồn đổi ruộng đất tạo điều kiện cho huyện Lâm Thao đưa cơ giới hóa vào sản xuất, nâng cao năng suất lao động.

>>> Kỳ I: Chuyển đổi cơ cấu - Bài toán đặt ra sau dồn đổi
Mặc dù trong những năm gần đây, lao động trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung có xu hướng giảm khi cơ hội việc làm ở khu vực phi nông nghiệp phát triển mạnh, song với một tỉnh miền núi có số dân sống vùng nông thôn chiếm gần 82%, thì vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn luôn được tỉnh xác định là nội dung quan trọng cần được ưu tiên đầu tư, phát triển trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập. Vì thế, để có một nền nông nghiệp phát triển, hiện đại, tạo ra của cải, vật chất, công ăn việc làm ổn định cho người dân thì vấn đề đất đai-nguồn lực đầu tư chính của quá trình sản xuất nông nghiệp là yếu tố phải luôn được chú trọng. Khi ruộng đất phân tán, manh mún sẽ là cản trở chính cho việc nâng cao hiệu quả và giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích trong quá trình cơ cấu lại nông nghiệp. Do vậy, việc dồn đổi, tích tụ ruộng đất trở thành một giải pháp quan trọng giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, hướng tới mô hình sản xuất chuyên nghiệp, đủ điều kiện để áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, đưa cơ giới vào sản xuất, hình thành các vùng chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường.
Kể từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đã khuyến khích nhiều gia đình, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện dồn đổi ruộng đất, nhận chuyển nhượng hoặc thuê lại quyền sử dụng đất để phát triển trang trại, hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn, tạo chuyển biến căn bản trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, tập trung sản xuất quy mô lớn. Đặc biệt là khi Nghị quyết số 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy được ban hành thì vấn đề dồn đổi, tích tụ, tập trung đất đai được các địa phương và người dân quan tâm, do đó sản xuất nông nghiệp có cơ hội phát triển. Đến nay trong 8 huyện thực hiện dồn đổi thì chỉ có Thanh Ba, Hạ Hòa, Tam Nông triển khai trên diện rộng, còn lại các huyện Cẩm Khê, Lâm Thao, Thanh Thủy, Thanh Sơn thực hiện điểm ở một, hoặc vài xã và theo như kết quả kiểm tra, nghiệm thu của các ngành chức năng thì chỉ có 4 xã đạt tiêu chí theo Nghị quyết 08 là Tình Cương (Cẩm Khê), Thanh Hà (Thanh Ba), Vĩnh Lại (Lâm Thao) và Đoan Hạ (Thanh Thủy). Kết quả trên cho thấy, việc triển khai thực hiện dồn đổi ruộng đất của tỉnh vẫn còn có những hạn chế. Vấn đề đặt ra là, làm thế nào để một chủ trương lớn thực sự đi vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu của công cuộc phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện nay; để nông dân yên tâm gắn bó với đồng ruộng, thật sự biến “tấc đất thành tấc vàng”, thì cần có những đột phá trong nhận thức và hành động.Ông Kiều Quốc Phong-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tam Nông chia sẻ: “Nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, từng bước tháo gỡ những nút thắt thì việc dồn đổi ruộng đất khó có thể thành công. Trong quá trình thực hiện, dồn đổi ruộng đất có lúc, có nơi rất phức tạp, nên cần thiết phải tổ chức đối thoại trực tiếp “thấu tình, đạt lý” để đạt được sự đồng thuận cao nhất. Vì vậy, chỉ trong vòng 5 năm, Tam Nông đã thực hiện dồn đổi ở hầu hết các xã với tổng diện tích dồn đổi trên 2.000ha. Huyện đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao”.

Sau khi thực hiện dồn đổi, mô hình nhà màng trên 3.200m2 của hộ bà Hà Thị Huấn khu 2, xã Thanh Hà, huyện Thanh Ba chuyên sản xuất các loại rau quả theo hướng an toàn sinh học, mỗi năm thu hoạch 36 tấn sản phẩm, trừ chi phí cho lãi khoảng 400 triệu đồng.

Sau khi thực hiện dồn đổi, mô hình nhà màng trên 3.200m2 của hộ bà Hà Thị Huấn khu 2, xã Thanh Hà, huyện Thanh Ba chuyên sản xuất các loại rau quả theo hướng an toàn sinh học, mỗi năm thu hoạch 36 tấn sản phẩm, trừ chi phí cho lãi khoảng 400 triệu đồng.

Thiết nghĩ, để thực hiện dồn đổi thành công, các địa phương phải thực sự coi công tác dồn đổi ruộng đất là một cuộc cách mạng về ruộng đất. Vì vậy, sự thống nhất cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, sự vào cuộc đồng nhất của cả hệ thống chính trị và người dân là yếu tố quyết định sự thắng lợi. Theo đó, công tác tuyên truyền, vận động cần được đẩy mạnh, để mỗi người dân thấy rõ việc dồn đổi ruộng đất mang lại lợi ích thiết thực, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện nay. Đồng thời cần phải có các mô hình điển hình, cũng như hiệu quả thực tế từ việc dồn đổi ruộng đất mang lại để phổ biến, tuyên truyền cho nhân dân thấy được những thành quả để họ học hỏi, làm theo. Ngoài thực hiện dồn đổi ruộng đất theo chủ trương chung của địa phương, hình thức tự đổi, tự chuyển nhượng đất giữa các hộ là rất cần thiết, cần nhân rộng. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Lợi-Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Khê cho rằng: Thực tế nhiều hộ nông dân không, hoặc ít có nhu cầu sản xuất nông nghiệp do ruộng đất manh mún, hiệu quả kinh tế mang lại thấp. Vì vậy, đây sẽ là cơ hội để cho những hộ có nhu cầu, có khả năng về vốn tăng quy mô diện tích đầu tư cho sản xuất. Hiệu quả kinh tế của hình thức này tương đối cao do nông dân chủ động được sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa. Thêm vào đó, họ yên tâm đầu tư phát triển trong dài hạn. Bởi vậy, cần gắn thực hiện dồn đổi ruộng đất với quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp và quy hoạch sử dụng đất, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ có nhu cầu sử dụng đất thực hiện các quyền: Chuyển đổi, chuyển nhượng đất nông nghiệp theo quy định của Luật Đất đai nhưng không làm thay đổi mục đích sử dụng đất.Đồng thời với công tác quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch vùng, chuyển dịch cơ cấu cây trồng thì công tác tổ chức quản lý đất đai, thiết lập hồ sơ và cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là việc cần phải triển khai đồng bộ, nhanh chóng, nhằm tạo điều kiện pháp lý, tạo sự yên tâm gắn bó với đồng ruộng của nông dân. Thực tế, từ khi giao đất thực địa đến nay, các địa phương vẫn chưa hoàn thành việc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Điều này phần nào ảnh hưởng đến tâm lý, đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hộ dân đã thực hiện chuyển đổi, làm ảnh hưởng cho việc triển khai các mô hình tiếp theo. Theo đó, các ngành, các cấp cần tăng cường công tác phối hợp tổ chức thực hiện, xem xét hỗ trợ kinh phí để việc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn đổi đảm bảo chính xác và nhanh chóng. Việc dồn đổi luôn gắn với việc xây dựng hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng, đáp ứng nhu cầu sản xuất cũng như đời sống của nhân dân. Trong khi nguồn kinh phí để hoàn thiện hệ thống kênh mương, thủy lợi hạn chế, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chủ trương dồn đổi. Ông Phạm Xuân Thư-Chủ tịch UBND xã Đoan Hạ, huyện Thanh Thủy chia sẻ: “Muốn dồn đổi ruộng đất thì phải làm được giao thông, thủy lợi nội đồng. Hai việc này luôn song hành, không tách rời. Để làm được hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước thì huy động sức dân là rất quan trọng”. Trong chương trình làm việc với các sở, ngành, địa phương về công tác dồn đổi ruộng đất trên địa bàn tỉnh, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hải đã khẳng định: Công tác dồn đổi, tích tụ, tập trung đất đai là một xu hướng tất yếu, là tiền đề phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Yêu cầu các cấp ủy, chính quyền cần thực sự coi đây là nhiệm vụ trọng tâm để chỉ đạo quyết liệt; chú trọng đến cách làm và hiệu quả sau dồn đổi để rút kinh nghiệm, làm cơ sở nhân rộng. Trước mắt cần giải quyết kịp thời các chính sách cho chương trình. Theo đó, đối với các xã đủ điều kiện cần hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo quy định để được hưởng chính sách hỗ trợ, đồng thời thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Căn cứ đặc điểm, tình hình thực tế, các địa phương cần linh hoạt trong việc thực hiện dồn đổi cho phù hợp. Đối với những xã đã thực hiện dồn đổi 100%, cần chỉ đạo thực hiện sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng liên kết. Các ngành chức năng tiếp tục phối hợp với các địa phương nghiên cứu, đưa ra các giải pháp vận dụng phù hợp thực tế để công tác dồn đổi ruộng đất trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao.Khi chúng ta phát huy sự đồng thuận, đề cao “vai trò chủ thể của nhân dân”, giải quyết được những vấn đề còn vướng mắc, khẳng định được quyền lợi của người dân thì kế hoạch dồn đổi ruộng đất, chỉnh trang đồng ruộng, tổ chức lại sản xuất của tỉnh sẽ đạt kết quả cao. Đây cũng chính là chìa khóa để hướng đến một nền nông nghiệp hiện đại.

Phương Thảo - Nguyễn Huế

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202005/ky-ii-loi-giai-bai-toan-don-doi-tren-dien-rong-170621