Kỳ II: Những khó khăn, bất cập

PTĐT - Như chúng tôi đã đề cập ở cuối kỳ trước, bên cạnh những đảng viên xuất ngũ phát huy tính tiền phong gương mẫu, trách nhiệm, góp phần tăng sức chiến đấu ...

Môi trường binh nghiệp giúp nhiều thanh niên trưởng thành, từ đó góp phần tăng nguồn cán bộ trẻ, xây dựng hệ thống chính trị địa phương ngày càng vững mạnh.

Môi trường binh nghiệp giúp nhiều thanh niên trưởng thành, từ đó góp phần tăng nguồn cán bộ trẻ, xây dựng hệ thống chính trị địa phương ngày càng vững mạnh.

>>> Kỳ I: Bản lĩnh người đảng viên - chiến sĩ
PTĐT - Như chúng tôi đã đề cập ở cuối kỳ trước, bên cạnh những đảng viên xuất ngũ phát huy tính tiền phong gương mẫu, trách nhiệm, góp phần tăng sức chiến đấu của tổ chức Đảng tại địa phương vẫn có đảng viên vì lo gánh nặng kinh tế, không sắp xếp được thời gian tham gia sinh hoạt Đảng hoặc sinh hoạt một cách chiếu lệ, nhiều trường hợp do nghỉ sinh hoạt Đảng quá số lần quy định và không đóng Đảng phí, buộc tổ chức cơ sở Đảng phải xóa tên khỏi danh sách đảng viên.
Được kết nạp trong quân ngũ, xuất ngũ trở về địa phương tại khu Cỏi, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, đảng viên Lý Văn Bình được Chi bộ khu Cỏi phân công nhiệm vụ làm Phó Bí thư chi đoàn khu. Sau một thời gian đảm nhiệm chức danh, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Lý Văn Bình phải đi làm ăn xa nên một tháng đồng chí cố gắng bố trí thời gian trở về Chi bộ sinh hoạt Đảng định kỳ, sau đó lại đi làm. Đồng chí Triệu Văn Quyết, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Xuân Sơn cho biết: Xã có 4 thanh niên tham gia nghĩa vụ quân sự được kết nạp Đảng trong quân ngũ. Khi xuất ngũ, các đảng viên này đều được xã định hướng, bố trí công việc tại xã và khu dân cư. Tuy nhiên, do chỉ có một đồng chí đủ tiêu chuẩn được bố trí vào chức danh Chỉ huy trưởng quân sự xã, còn lại bố trí vào các chức danh không chuyên trách ở khu dân cư nên sau một thời gian bám trụ tại địa phương, các đồng chí đều xin nghỉ để đi làm kinh tế.

Có ý thức rèn luyện, phấn đấu trong quá trình tham gia nghĩa vụ quân sự, chiến sĩ Ngô Minh Hồng sinh năm 1988 xã Trung Giáp, huyện Phù Ninh được kết nạp Đảng trong thời gian quân ngũ. Ra quân, trở về địa phương, Ngô Minh Hồng được cấp ủy vận động tham gia làm Bí thư chi đoàn khu dân cư. Tuy nhiên do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Hồng đã đăng ký tham gia xuất khẩu lao động. Mặc dù được Đảng ủy xã tận tình hướng dẫn thủ tục chuyển sinh hoạt Đảng, nhưng khi có quyết định đi, Ngô Minh Hồng không kịp làm thủ tục chuyển sinh hoạt nên theo quy định Điều lệ Đảng, Ngô Minh Hồng bị xóa tên khỏi tổ chức. Đồng chí Nguyễn Công Thức, Bí thư Đảng ủy xã Trung Giáp thông tin: Xã có 7 đồng chí đảng viên trong độ tuổi đoàn được kết nạp trong thời gian quân ngũ, khi ra quân về địa phương, do gánh nặng mưu sinh nên có một số đồng chí tham gia xuất khẩu lao động, số nữa đi làm trong các khu công nghiệp. Mặc dù các chi bộ cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các đồng chí như bố trí sinh hoạt Đảng định kỳ vào cuối tuần hoặc buổi tối nhưng sau một thời gian, hầu hết các đảng viên trẻ xuất ngũ đều bỏ sinh hoạt, bị xóa tên.
Thực tế chứng minh, hầu hết đảng viên xuất ngũ trở về địa phương đều được giới thiệu về tham gia sinh hoạt tại các chi bộ khu dân cư nơi cư trú. Thời gian đầu, các đồng chí đảng viên xuất ngũ tham gia sinh hoạt Đảng đầy đủ, tuy nhiên vì cuộc sống mưu sinh nên nhiều người làm đơn xin miễn sinh hoạt để ly hương làm công nhân trong các khu, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp tư nhân, có người đi xuất khẩu lao động. Nhiều đồng chí do không tham gia sinh hoạt định kỳ, không đóng đảng phí theo quy định nên bị xóa tên khỏi tổ chức Đảng. Đồng chí Vũ Tiến Bắc, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tân Sơn đưa ra con số: Trung bình mỗi năm huyện Tân Sơn có 180 tân binh lên đường nhập ngũ. Trong quá trình rèn luyện, không ít chiến sĩ được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Nhiều đảng viên xuất ngũ trở về địa phương được cấp ủy bố trí tham gia các chức danh ở khu dân cư như Bí thư Chi bộ, Trưởng khu dân cư, Bí thư chi Đoàn, thôn đội trưởng… nhiều người không tham gia các chức danh nhưng ở lại quê hương phát triển kinh tế và tham gia sinh hoạt Đảng đầy đủ. Tuy nhiên, do vị trí việc làm có hạn nên địa phương không thể đáp ứng hết nhu cầu công việc của các đảng viên sau xuất ngũ. Vì vậy, có một số đảng viên đã đi xuất khẩu lao động, đi làm ăn xa dẫn đến tổ chức phải xóa tên. Theo số liệu của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh có trên 10.000 tân binh lên đường nhập ngũ, trong đó có 239 chiến sĩ được kết nạp Đảng trong quân ngũ. Đại tá Nguyễn Minh Long, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh khẳng định: Những đảng viên được kết nạp trong quân ngũ phải trải qua quá trình rèn luyện, cống hiến, có bản lĩnh chính trị vững vàng. Khi xuất ngũ trở về địa phương, đa số họ là những nhân tố nòng cốt của lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ ở địa phương. Nhiều người đã đảm đương trọng trách trong các tổ chức chính trị, đoàn thể địa phương như: Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch UBND xã, MTTQ, đoàn thanh niên, ban chỉ huy quân sự và một số khác trở thành doanh nhân tham gia phát triển kinh tế của địa phương… Tuy nhiên, việc sắp xếp việc làm cho đảng viên xuất ngũ đang là vấn đề nan giải bởi hầu hết họ đều phải tự lăn lộn tìm việc làm mà chưa có điều kiện được làm việc trong hệ thống chính trị ở địa phương. Là huyện có đông chiến sĩ được kết nạp trong quân ngũ, tuy nhiên do không sắp xếp được việc làm phù hợp nên từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn huyện Tân Sơn có 5 đảng viên trẻ xuất ngũ bị xóa tên. Trung tá Trần Văn Dũng, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện cho biết: Những năm gần đây, trình độ học vấn của tân binh trong huyện được nâng lên. Tuy nhiên để sắp xếp đảng viên xuất ngũ vào làm việc ở các vị trí trong hệ thống chính trị cơ sở yêu cầu phải có trình độ chuyên môn, phải qua đào tạo, thi tuyển- đây cũng là trở ngại lớn cho đảng viên xuất ngũ bởi có những đảng viên mới có trình độ THCS, THPT. Khó khăn trong bố trí việc làm cho đảng viên trẻ xuất ngũ có nguyện vọng được công tác trong hệ thống chính trị cơ sở là tình trạng chung của hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Hà Văn Tuân, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Hà, huyện Thanh Ba chia sẻ: Chúng tôi rất muốn bố trí các đồng chí đảng viên xuất ngũ vào làm việc nhưng nguyên nhân chính là biên chế ngày càng co hẹp, bộ máy ở cơ sở đã ổn định. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả nên số cán bộ công chức dôi dư nhiều, càng khó khăn hơn trong việc bố trí việc làm. Phấn đấu để được đứng trong hàng ngũ của Đảng không chỉ là vinh dự lớn, mà còn giúp mỗi người trưởng thành hơn trong nhận thức và hành động cách mạng. Với quân nhân cũng vậy, khi tham gia nghĩa vụ quân sự, được đơn vị xét chọn kết nạp Đảng càng tự hào khi đứng trước lá cờ Đảng, cờ Tổ quốc tuyên thệ. Thế nhưng, sau xuất ngũ, gánh nặng mưu sinh khiến các đảng viên trẻ gặp nhiều khó khăn trong tham gia sinh hoạt Đảng, nhiều người còn bị xóa tên. Để phát huy vai trò của những đảng viên xuất ngũ, thiết nghĩ các cấp, các ngành, các địa phương cần có những giải pháp linh hoạt để các đảng viên là bộ đội xuất ngũ có điều kiện thử sức ở những vị trí, công việc cần sức trẻ, nhiệt huyết. Từ đó có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho họ để có thể bố trí, sử dụng lâu dài trong cơ quan Nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội, tạo động lực cho đảng viên trẻ phấn đấu.

Kỳ III: Tạo nguồn và giữ nguồn đảng viên sau xuất ngũ

Đinh Vũ - Lê Thương

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/xay-dung-dang/202102/ky-ii-nhung-kho-khan-bat-cap-175526