Kỳ lạ tòa tuyên 3 tháng bị đơn chưa nhận được bản án
Dù rất bàng hoàng về phán quyết của tòa phúc thẩm, gia đình ông Dũng vẫn tôn trọng và đợi nhận bản án nhưng hơn 3 tháng qua chưa thấy.
Đang sống yên ổn trên mảnh đất được cấp gần 40 năm qua, vợ chồng ông Dũng bị người mẹ kế kiện đòi chia đất. Tòa sơ thẩm tuyên vợ chồng ông thắng kiện, nhưng tòa phúc thẩm lại tuyên ngược lại. Điều đáng nói, đã hơn 3 tháng qua, ông chưa nhận được bản án để làm thủ tục kháng nghị.
Bỗng dưng nhận trát hầu tòa
Đó là trường hợp của ông Nguyễn Văn Dũng (trú thôn Khoang Sau, xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội).
Vốn là những người lính phục viên trở về quê hương, do không có nơi ở, năm 1980, ông Dũng và vợ là bà Hoàng Thị Miền đã làm đơn xin xã Sơn Đông cấp đất. Tháng 6/1982, UBND xã Sơn Đông duyệt cấp cho vợ chồng ông Dũng một mảnh đất ở tại thôn Khoang Sau, sau đó vợ chồng ông xây dựng nhà ở ổn định, hàng năm kê khai, đóng thuế đất đầy đủ.
“Tôi đã ở mảnh đất này 38 năm. Mảnh đất do UBND xã cấp cho vợ chồng tôi, có giấy tờ đầy đủ. Bỗng nhiên, tòa án gọi, vợ chồng tôi mới biết chúng tôi là bị đơn trong vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất và tranh chấp di sản thừa kế” với mẹ kế là Phùng Thị Nhớn và 3 con của bà”, ông Dũng kể.
Theo ông Dũng, bà Nhớn là người vợ thứ 3 và chỉ sống chung cùng bố ruột của ông, chứ không có giấy đăng ký kết hôn. Gia đình bà và các con hiện cũng đang sinh sống trên các thửa đất khác tại xã Sơn Đông. Vậy là vợ chồng ông Dũng bất đắc dĩ phải hầu tòa trong vụ án tranh chấp đất đai với người mẹ kế và những người anh em máu mủ.
Tại phiên sơ thẩm ngày 16/1/2020, TAND thị xã Sơn Tây đã bác bỏ hoàn toàn đơn khởi kiện của nguyên đơn vì không có căn cứ pháp lý và giấy tờ chứng minh. Trong khi đó, vợ chồng ông Dũng lại có đủ bằng chứng, giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp của gia đình mình.
Tòa phúc thẩm “quên” ra bản án?
“
Theo quy định tại Bộ Luật Tố tụng dân sự, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra bản án, quyết định phúc thẩm, tòa án cấp phúc thẩm phải gửi bản án, quyết định phúc thẩm cho tòa án đã xét xử sơ thẩm, viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trường hợp TAND cấp cao xét xử phúc thẩm thì thời hạn này có thể dài hơn, nhưng không quá 25 ngày. Việc gia đình ông Dũng gần 3 tháng không nhận được bản án sơ thẩm thì quyền và lợi ích hợp pháp của ông này đã bị xâm phạm. Cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra, xem xét để đảm bảo quyền lợi cho ông Dũng.
Luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn Luật sư TP.HCM)
”
Sau phiên tòa sơ thẩm, bà Nhớn và các con tiếp tục kháng cáo. Ngày 23/7, TAND TP Hà Nội mở phiên xử phúc thẩm đã công nhận quyền cho nguyên đơn, phán quyết chia một phần mảnh đất mà gia đình ông Dũng, bà Miền đang sử dụng cho bà Phùng Thị Nhớn.
Dù rất bàng hoàng về phán quyết của tòa phúc thẩm nhưng gia đình ông Dũng vẫn tôn trọng phán quyết của tòa và đợi nhận bản án để có bước đi pháp lý tiếp theo.
Tuy nhiên, tính đến ngày 9/10/2020, đã gần 3 tháng kể từ ngày tuyên án, gia đình ông Dũng vẫn chưa nhận được bản án của TAND TP Hà Nội. Vì vậy, gia đình ông Dũng chưa thể có căn cứ để thực hiện các quyền đề nghị giám đốc thẩm. Vợ chồng ông Dũng, bà Miền đã rất nhiều lần liên lạc qua điện thoại và gửi đơn đến TAND TP Hà Nội yêu cầu được nhận bản án để thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình nhưng đều không được phản hồi.
Sau khi nhận được đơn của ông Dũng khiếu nại việc không giao bản án phúc thẩm của TAND TP Hà Nội, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đã có giấy báo tin gửi ông Dũng với nội dung “đã chuyển đơn đến TAND TP Hà Nội để giải quyết theo thẩm quyền”. Mặc dù vậy, đến nay ông Dũng vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía TAND TP Hà Nội.