Kỳ lân công nghệ Indonesia 'góp lửa' giúp các MSME số hóa thành công

Tokopedia, một bộ phận của GoTo Group - Tập đoàn công nghệ lớn nhất của Indonesia đang tiếp tục đẩy mạnh hợp tác để giúp các MSME địa phương có thêm cơ hội thông qua việc sử dụng công nghệ số.

Các MSME đang là một động lực chủ chốt trong nền kinh tế của "xứ vạn đảo" Indonesia. (Nguồn: Jakarta Daily)

Các MSME đang là một động lực chủ chốt trong nền kinh tế của "xứ vạn đảo" Indonesia. (Nguồn: Jakarta Daily)

Tại Indonesia, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) hiện đang chiếm 99% doanh nghiệp và góp phần tạo ra hơn 60% GDP quốc gia. Trong bối cảnh kỷ nguyên kỹ thuật số đang bùng nổ, nỗ lực số hóa các MSME từ lâu đã nằm trong chương trình nghị sự quốc gia và được Tổng thống Indonesia Joko Widodo đặc biệt quan tâm thúc đẩy.

Một bài viết được xuất bản bởi Quỹ châu Á-Thái Bình Dương của Canada mới đây cho thấy, trong khi Indonesia đã vượt qua mục tiêu có hơn 10 triệu doanh nghiệp nhỏ sử dụng các nền tảng kinh doanh trực tuyến vào cuối năm 2020 thì con số này vẫn chỉ tương ứng với 16% tổng số MSME.

Tokopedia, một bộ phận của GoTo Group - Tập đoàn công nghệ lớn nhất của Indonesia đang tiếp tục đẩy mạnh hợp tác để giúp các MSME địa phương có thêm cơ hội thông qua việc sử dụng công nghệ số.

“Kỳ lân” công nghệ này hiện đang hợp tác chặt chẽ với Bộ Hợp tác xã & Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Tổ chức bảo vệ chuyển đổi doanh nghiệp vi mô (Transfumi) cung cấp nền tảng xã hội và tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp mã số nhận dạng doanh nghiệp (NIB) cho các MSME trên Tokopedia.

Công ty này cũng khởi xướng nhiều chương trình dành cho MSME như số hóa quầy hàng, các lớp học kỹ năng ứng dụng kỹ thuật số...

Bộ trưởng Hợp tác xã & Doanh nghiệp vừa và nhỏ Teten Masduki đánh giá cao vai trò của Tokopedia vì đã luôn là đối tác của chính phủ trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của các MSME trong nước.

“Trong ba năm qua, chúng tôi đã cùng nhau đối mặt với những thách thức của đại dịch. Chúng tôi hiểu rõ tầm quan trọng của MSME trong việc tối ưu hóa hệ sinh thái kỹ thuật số, để không chỉ tồn tại mà còn phục hồi mạnh mẽ hơn với tư cách là một trong những trụ cột chính của nền kinh tế quốc gia”, ông Teten Masduki nhấn mạnh.

Nhân kỷ niệm ngày MSME quốc gia được tổ chức vào ngày 12/8, Tokopedia một lần nữa chứng minh cam kết của mình trong việc hỗ trợ quốc gia vạn đảo, đặc biệt là các MSME hướng tới số hóa để giúp thúc đẩy phục hồi kinh tế.

Tháng 6, Bộ Hợp tác xã & Doanh nghiệp vừa và nhỏ cho biết, 19,5 triệu MSME, chiếm 30,4%, đã có mặt trên nền tảng thương mại điện tử.

Bộ trưởng Teten cũng tin rằng, sự gia tăng số lượng MSME được chuyển đổi kỹ thuật số sẽ trở thành nền tảng để Indonesia có thể tối ưu hóa tiềm năng của nền kinh tế kỹ thuật số, dự kiến lên tới 4,53 triệu Rupiah vào năm 2030.

Nền tảng Tokopedia đã hỗ trợ đắc lực cho nhiều MSME của Indonesia. (Nguồn: Reuters)

Nền tảng Tokopedia đã hỗ trợ đắc lực cho nhiều MSME của Indonesia. (Nguồn: Reuters)

Tokopedia đã phát triển các sáng kiến “siêu địa phương”, một tính năng công nghệ gắn thẻ địa lý nhằm thu hẹp khoảng cách giữa người bán và người mua, tạo điều kiện cho các MSME trên khắp Indonesia có cùng cơ hội phát triển.

Một trong những tính năng nổi bật của sáng kiến này là trang quản lý sản phẩm MSME địa phương Choice Shop Collection (KTP) dựa trên vị trí của người dùng.

“Những sáng kiến này đã mang lại tác động tích cực. Trong nửa đầu năm 2022, so với cùng kỳ năm 2021, Mempawah, Tây Lampung và Bắc Lombok là một số khu vực có số lượng người bán tăng cao nhất”, ông Yudhiaji Kusuma, Phó Chủ tịch Tokopedia phụ trách mô hình điện tử trung gian Marketplace, cho biết.

“Tôi rất chú tâm học cách sử dụng các tính năng khác nhau trên Tokopedia vì nó giúp cho việc bán hàng trực tuyến trở nên rất dễ dàng”, bà Merri Aisir, chủ sở hữu của UniNam, người thường xuyên sử dụng nền tảng này cho biết. Doanh nghiệp nhỏ của bà Merri cũng đang hỗ trợ những người nông dân và chủ trang trại ở Payakumbuh, Tây Sumatra bán hàng trên nền tảng số.

Tương tự với anh Benny Santoso, chủ sở hữu của IniTempe. Trong thời gian xảy ra đại dịch, anh Benny đã chuyển sang sử dụng nền tảng Tokopedia để mua đậu tương của nông dân địa phương ở khu vực Grobogan ở Trung Java và Pulaki ở Bali.

Anh cho biết, thông qua nền tảng trực tuyến của Tokopedia, doanh thu của anh lên tới hàng chục triệu, đồng thời cũng giúp đời sống người nông dân trồng đậu tương tại Indonesia ngày càng sung túc.

Đại diện cho một doanh nghiệp MSME khác, cô Mita Nurul Fajar Indah cũng công nhận lợi ích của nền tảng trực tuyến đối với các thợ thủ công làm đồng địa phương.

Doanh nghiệp của cô với tên gọi Semarang Heritage Brass, đã được truyền qua nhiều thế hệ, chuyên hợp tác với các thợ thủ công từ Juwana, Trung Java, để sản xuất các phụ kiện trang trí nhà từ vật liệu đồng thau tái chế.

“Nhờ sử dụng các nền tảng trực tuyến, tôi có thể tiếp tục công việc kinh doanh của gia đình được gây dựng qua hàng chục năm. Tokopedia đóng góp đáng kể vào doanh thu của Heritage Brass. Doanh thu của chúng tôi đã tăng gấp đôi so với trước khi gia nhập Tokopedia”, cô nói.

(theo The Jakarta Post)

Song Ngư

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ky-lan-cong-nghe-indonesia-gop-lua-giup-cac-msme-so-hoa-thanh-cong-194410.html