Kỷ luật học sinh: Cao nhất chỉ tạm dừng học tập tối đa 2 tuần
Theo dự kiến của Bộ GD&ĐT, sẽ không còn áp dụng kỷ luật đuổi học đối với học sinh, thay vào đó là tăng cường kỷ luật tích cực. Trường hợp cao nhất chỉ là tạm dừng học tập trên lớp có thời hạn tối đa 2 tuần.
Học sinh tiểu học không bị kỷ luật
Bộ GD&ĐT vừa công bố Dự thảo (lần 2) Thông tư quy định về khen thưởng và kỉ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông với nhiều điểm nổi bật đáng chú ý, nhất là về các hình thức kỷ luật học sinh. Cụ thể, giáo viên và nhà trường có thể lựa chọn áp dụng kỉ luật tích cực phù hợp đối với từng học sinh: Khuyên bảo, động viên, nhắc nhở, phê bình riêng đối với học sinh mắc khuyết điểm. Giáo viên có thể yêu cầu học sinh hoàn thành bài tập còn thiếu, viết lại bài cần học thuộc, viết lại nội quy nhà trường... Thực hiện lao động vừa sức như: Trực nhật, vệ sinh lớp học, trường học, dọn dẹp thư viện, trồng hoặc chăm sóc cây xanh trong khuôn viên nhà trường…
Về các hình thức kỷ luật, khi học sinh mắc khuyết điểm tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi, nhà trường xem xét thực hiện các biện pháp giáo dục kỉ luật tích cực hoặc áp dụng các hình thức kỷ luật khác (không áp dụng đối với học sinh cấp tiểu học). Cụ thể, áp dụng kỷ luật khiển trách đối với học sinh tái phạm nội quy, quy định của nhà trường. Vi phạm lần đầu nhưng mức độ nghiêm trọng như: Có lời nói và hành động vô lễ với giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường; gây gổ đánh nhau hoặc có hành vi gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự an toàn trường học và cộng đồng...
Cảnh cáo các trường hợp: Đánh nhau có tổ chức, có hung khí; tổ chức các hành vi gian lận trong học tập, thi, kiểm tra; lấy trộm tiền, đồ dùng, tư trang, cưỡng đoạt tài sản; cố ý phá hoại tài sản của nhà trường và người khác... Tạm dừng học tập trên lớp đối với trường hợp bị kỉ luật cảnh cáo nhưng tái phạm. Vi phạm lần đầu nhưng nghiêm trọng như: Đánh nhau có tổ chức, sử dụng hung khí, vũ khí gây thương tích nặng cho người khác; xâm phạm nhân phẩm, thân thể của giáo viên, cán bộ, nhân viên, học sinh khác của nhà trường... Tùy theo mức độ vi phạm mà tạm dừng học tập trên lớp đối với học sinh tối đa là 2 tuần lễ để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng đối với học sinh vi phạm.
Như vậy, ngoài áp dụng cụ thể những biện pháp kỷ luật "mềm", Dự thảo của Bộ GD&ĐT cũng đã cụ thể hơn các hình thức kỷ luật học sinh, trong đó bãi bỏ quy định kỷ luật đình chỉ một học kỳ, một năm học, đuổi học. Hiện nay, việc khen thưởng và kỷ luật học sinh phổ thông theo Thông tư số 08/TT ngày 21/3/1988 của Bộ GD&ĐT nhưng có một số quy định chưa đồng bộ, không còn phù hợp. Theo ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh Sinh viên (Bộ GD&ĐT), một số nội dung không còn phù hợp với thực tiễn công tác giáo dục học sinh hiện nay, nhất là các nội dung trong một số bộ luật mới được Quốc hội ban hành gần đây. Theo đó việc ban hành quy định mới về khen thưởng, kỷ luật học sinh là cần thiết.
Kỷ luật học sinh phải đề cao tính giáo dục
Có thể thấy Dự thảo khen thưởng, kỷ luật học sinh của Bộ GD&ĐT đã không còn tình trạng học sinh bị "đuổi học" mà sẽ "tạm dừng học tập trên lớp"… Theo một số chuyên gia giáo dục, quy định kỷ luật học sinh hiện nay (áp dụng từ năm 1988) mang tính hành chính, nặng về xử lý vi phạm, chưa thể hiện được nguyên lý, mục tiêu của kỷ luật tích cực, chưa làm cho học sinh tự nhận thức được khuyết điểm để khắc phục, sửa chữa. Xu hướng trong nhiều nhà trường hiện nay là kỷ luật thật nặng học sinh. Thậm chí đưa những học sinh vi phạm ra để bêu riếu trước toàn lớp, toàn trường, thậm chí ghi hình đăng lên mạng xã hội…
Bởi quan điểm của các trường này cho rằng, kỷ luật nặng thì có thể chấm dứt bạo lực học đường... Tuy nhiên, nhận định này là hoàn toàn sai lầm và không phù hợp với bối cảnh giáo dục hiện đại. Trên thực tế, kỷ luật là để học sinh nhận thức về hành vi của mình, kỷ luật cũng là một phương pháp giáo dục. Dù được phép, song thời gian qua đã có nhiều ngôi trường không thực hiện các biện pháp theo quy định mà linh hoạt, không tổ chức phê bình trước trường, lớp mà nhắc nhở, giáo dục riêng học sinh. Thậm chí, nhiều ngôi trường "nói không" với đình chỉ, đuổi học sinh và hoàn toàn được học sinh, phụ huynh ủng hộ bởi kết quả cuối cùng là giúp học sinh tiến bộ hơn.
Chia sẻ quan điểm về việc kỷ luật học sinh, GS.VS Phạm Minh Hạc - Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chỉ ra rằng, thời gian qua đã xảy ra hiện tượng nhà trường, giáo viên lạm quyền trong xử lý kỷ luật học sinh dẫn đến xúc phạm danh dự, thân thể học sinh. Những giáo viên này đều bao biện là vì thành tích, giúp học sinh tiến bộ hơn… Điều này là không đúng và bản thân ngành Giáo dục cũng đã có các quy định cụ thể và cấm rõ các hành vi giáo viên không được làm.
"Kỷ luật học sinh trong môi trường sư phạm là để giúp các em nên người, giáo viên phải giáo dục các em là chính để khơi dậy tinh thần hiếu học, yêu trường lớp, thầy cô, học tập và rèn luyện để sau này xây dựng quê hương, đất nước. Nhà trường bây giờ chỉ làm công tác dạy kiến thức, ít chú trọng đến giáo dục nhân văn, tinh thần hiếu học cho học sinh. Việc có những quy định cụ thể, rõ ràng hơn về các quy định giáo viên không được làm, các hình thức kỷ luật học sinh mang tính giáo dục… là rất cần thiết. Ngành Giáo dục cần tuyên truyền, quán triệt tới từng nhà trường, giáo viên để thực hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm áp dụng sai quy định khi kỷ luật học sinh", GS.VS Phạm Minh Hạc cho biết.
Dự thảo thông tư quy định về khen thưởng và kỉ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông được Bộ GD&ĐT đăng tải xin ý kiến góp ý của dư luận đến hết ngày 31/10/2020. Điểm nổi bật của Dự thảo đó là bỏ quy định đuổi học đến 1 năm, thay vào đó chỉ là hình thức tạm dừng thời gian học tập trên lớp tối đa là 2 tuần. Trong Dự thảo cũng không còn quy định việc tổ chức kiểm điểm, phê bình học sinh trước lớp, trước toàn trường. Các hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, tạm dừng học tập trên lớp dự kiến sẽ không được áp dụng đối với học sinh tiểu học. Thay vào đó, ở cấp học này sẽ chỉ sử dụng các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực.