Kỷ luật học sinh: Đừng bắt trò phải xin lỗi công khai

Việc bắt học sinh phải xin lỗi công khai là hành vi phản giáo dục. Nó không làm cho trẻ tốt hơn, ngược lại khiến trẻ bị một cú sốc về mặt tâm lý.

Do xúc phạm nhóm nhạc BTS của Hàn Quốc, một nam sinh lớp 8 Trường THCS Ngô Quyền, quận Tân Bình, TP.HCM đã phải nhận lỗi về hành vi của mình trước hơn 1.000 học sinh (HS) của trường. Điều đáng nói, clip nhận lỗi của em đang được phát tán trên mạng xã hội với nhiều bình luận trái chiều.

Cú giáng mạnh vào tâm lý học sinh

Bà Tô Thụy Diễm Quyên, giảng viên các chương trình đổi mới giáo dục của Bộ GD&ĐT, cho biết xảy ra việc để học trò nhận lỗi công khai là do nhà trường đang thực hiện theo thông lệ đã có từ lâu. Họ đi theo lối mòn nên cho rằng mình đúng. Thế nhưng hiện nay sự tiến bộ của xã hội đã chứng minh hành vi trên là sai trái. “Bởi một đứa trẻ khi bị bêu riếu trước đám đông sẽ phản tác dụng trong giáo dục. Nó sẽ là cú sốc gây ảnh hưởng đến tâm lý khiến trẻ xấu hổ, từ đó nảy sinh thái độ sống tự ti, mặc cảm, bất mãn với cuộc đời” - bà Quyên nhấn mạnh.

Đề cập đến sự việc trên, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, cho hay nam sinh đã sai khi lập riêng một trang mạng để xúc phạm nhân phẩm của người khác. Việc làm của em đáng bị kỷ luật. Tuy nhiên, việc bắt HS đọc bản kiểm điểm công khai là phản sư phạm.

Ông Phú nói thêm: “Nếu là tôi, trong trường hợp này tôi sẽ mời gia đình và HS lên làm việc. Sau khi được nghe phân tích đúng sai, em sẽ làm bản tường trình và tháo gỡ thông tin đã đăng trên trang mạng. Đồng thời em sẽ phải viết một bản kiểm điểm kèm theo một lời xin lỗi đăng trên chính trang của mình. Tôi rất sốc khi xem clip đã quay em. Nó là một cú giáng rất mạnh vào tâm lý của em. Nếu thần kinh yếu, em có thể bỏ học và gặp nhiều vấn đề khác. Nhà trường đang chạy theo dư luận để trừng phạt trẻ thay vì giáo dục, uốn nắn để trẻ nhận thức đúng sai”.

Bên cạnh đó, cũng theo ông Phú, lứa tuổi của nam sinh này còn thiếu chín chắn. Cho nên khi sự việc xảy ra, nhà trường cần phải tìm hiểu xem động cơ của em, cần có sự tư vấn tâm lý, từ đó có nhiều chiều tác động để đưa ra một hình thức xử lý vi phạm phù hợp nhất.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mê Linh, quận 3, khẳng định: “Phương pháp của Trường THCS Ngô Quyền không mang tính giáo dục. Lẽ ra HS sai ở đâu thì phải sửa ở đó. HS xúc phạm người khác trên mạng xã hội thì phải để em đính chính, xin lỗi trên diễn đàn, sao lại bắt em phải xin lỗi công khai? Khi bắt đứa trẻ làm một việc không đúng sẽ khiến trẻ không phân biệt được đâu là phải là trái. Nhà trường là môi trường giáo dục giúp HS nhận thấy phải trái, đúng sai. Nhà trường hành xử không đúng nghĩa là trường không giáo dục được HS. Đó là thất bại lớn nhất của nhà trường”.

Trường THCS Ngô Quyền, quận Tân Bình, nơi xảy ra sự việc. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Trường THCS Ngô Quyền, quận Tân Bình, nơi xảy ra sự việc. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Cần sửa đổi, bổ sung Thông tư 08 “già cỗi”

Hiện nay các trường đang dựa vào quy định điều lệ trường và Thông tư 08 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn khen thưởng và thi hành kỷ luật HS để xem xét kỷ luật HS. Tuy nhiên, các nhà quản lý giáo dục cho rằng cần phải sửa đổi thông tư cho phù hợp với thực tế.

Hãy xử lý vi phạm của các em chứ đừng trừng phạt

Tôi không nói xử phạt mà là xử lý HS vi phạm. Vì những xử lý đó phải khoa học để tạo động lực, tạo tính hiệu quả chứ không phải là một sự trừng phạt. Chúng ta xử lý những HS vi phạm giúp các em có hành vi đúng, thái độ đúng.

TÔ THỤY DIỄM QUYÊN, giảng viên các chương trình
đổi mới giáo dục của Bộ GD&ĐT

Bà Tô Thụy Diễm Quyên cho hay Thông tư 08 đã ra đời từ năm 1988. Nhiều trường học đã dựa vào thông tư này để xử phạt HS. Trong đó có những hình thức kỷ luật không còn phù hợp như đuổi học HS. Vì xét cho cùng, nhà trường là môi trường giáo dục để hoàn thiện nhân cách, phát triển về năng lực và kỹ năng của một đứa trẻ. Nếu đứa trẻ bị đuổi học thì trong thời gian em ở bên ngoài sẽ không ai thực thi nhiệm vụ giáo dục. Như vậy trẻ sẽ dễ dàng trở nên vô giáo dục. Và hầu như những đứa trẻ bị đuổi học khi quay trở lại đều không tiến bộ hơn. Thậm chí khi đuổi học, nhà trường đang từ chối nhiệm vụ, sứ mệnh, trách nhiệm của nhà trường, đó là trách nhiệm của giáo dục.

Cũng theo bà Diễm Quyên, trước khi sửa đổi thông tư phải làm thế nào để giáo viên có nhiều giải pháp nhằm xử lý HS vi phạm.

Cùng quan điểm, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du nói rằng: “Thông tư 08 phải thay đổi. Bởi trong thông tư có những hình thức kỷ luật như khiển trách trước lớp, khiển trách trước hội đồng kỷ luật, cảnh cáo trước toàn trường có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của trẻ. Nghiêm trọng hơn, nó trái với Luật Trẻ em 2016. Do đó, Thông tư 08 phải được sửa đổi một cách sâu sắc để thích ứng với thời đại phát triển của xã hội” - ông Phú nói.

Đang hoàn thiện thông tư mới thay thế Thông tư 08

Hiện nay việc xem xét kỷ luật HS phổ thông đang được quy định tại các thông tư quy định điều lệ nhà trường và các quy định liên quan khác... Trong đó, Thông tư 08 chỉ là một trong các quy định đó.

Đến nay Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện thông tư mới để thay thế Thông tư 08. Trong đó, việc kỷ luật HS phải bảo đảm nguyên tắc tôn trọng, vì sự tiến bộ của HS; lấy vận động, thuyết phục là chính, đặc biệt không làm tổn hại đến danh dự, tinh thần, sức khỏe của HS; chú trọng thực hiện các biện pháp kỷ luật tích cực, giúp HS nhận thức được khuyết điểm, khắc phục hậu quả (nếu có).

Ông BÙI VĂN LINH, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và
Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT

AN HIỀN ghi

NGUYỄN QUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/ky-luat-hoc-sinh-dung-bat-tro-phai-xin-loi-cong-khai-869118.html