Kỷ niệm 156 năm ngày AHDT Nguyễn Trung Trực hy sinh tại Khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo

Chiều 13/10 (11/9 Âm lịch) Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam huyện Tân Trụ long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 156 năm Ngày Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh tại khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo.

Đại biểu dự lễ kỷ niệm 156 năm ngày AHDT Nguyễn Trung Trực hy sinh

Đại biểu dự lễ kỷ niệm 156 năm ngày AHDT Nguyễn Trung Trực hy sinh

Đến dự có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm; Chủ tịch UBMTTQ tỉnh - Nguyễn Thị Thu Trinh cùng nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ.

Lễ Kỷ niệm Ngày AHDT Nguyễn Trung Trực hy sinh là hoạt động thường niên, thể hiện lòng thành kính và tri ân những công lao, đóng góp to lớn của ông đối với quê hương, đất nước.

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ -Trương Hòa Bình cùng các đại biểu dâng hương tưởng niệm AHDT Nguyễn Trung Trực

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ -Trương Hòa Bình cùng các đại biểu dâng hương tưởng niệm AHDT Nguyễn Trung Trực

Nguyễn Trung Trực tên thật là Nguyễn Văn Lịch còn có tên là Chơn. Ông sinh năm 1838 tại thôn Bình Nhựt, tổng Cửu Cư Hạ, huyện Cửu An (nay thuộc xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Thời điểm lịch sử nước ta đứng trước thảm cảnh thực dân Pháp xâm lược, Nguyễn Trung Trực tham gia nghĩa quân Trương Định. Vào cuối năm 1861, được sự giúp đỡ của nhân dân, hương chức làng Nhật Tảo, Nguyễn Trung Trực xây dựng một kế hoạch táo bạo đốt chiến hạm Hy Vọng đang hoạt động tại Vàm Nhật Tảo.

Sáng ngày 10/12/1861, Nguyễn Trung Trực chỉ huy 59 nghĩa quân trên 5 chiếc ghe ngụy trang là ghe lúa, áp sát tàu địch, giả vờ xin giấy thông hành rồi bất ngờ tiêu diệt tên lính giác tàu và tràn lên tiêu diệt địch trên tàu rồi đốt cháy chiến hạm Hy Vọng của địch.

Chương trình nghệ thuật tại lễ kỷ niệm

Chương trình nghệ thuật tại lễ kỷ niệm

Chiến thắng Vàm Nhựt Tảo để lại một dấu son trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Cùng với chiến công đánh chiếm Đồn Rạch Giá vào đêm 16/6/1868 AHDT Nguyễn Trung Trực trở thành danh nhân của dân tộc.

Sau thất bại tại Đồn Rạch Giá, thực dân Pháp tập trung lực lượng tấn công nghĩa quân. Chúng bắt mẹ Nguyễn Trung Trực và người dân trên đảo Phú Quốc làm con tin.

Để cứu dân và bảo toàn lực lượng chờ thời cơ, ông đã hy sinh thân mình. Sau nhiều lần dụ dỗ không thành, ngày 27/10/1868 (12/9 năm Mậu Thìn) thực dân Pháp xử chém Nguyễn Trung Trực tại Rạch Giá. Trước lúc hy sinh, Nguyễn Trung Trực thể hiện khí tiết của mình bằng câu nói bất hủ “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây”.

Tấm gương bất khuất của AHDT Nguyễn Trung Trực được đời sau ghi nhớ mãi. Lễ kỷ niệm ngày ông hy sinh được tổ chức long trọng tại Khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo và cả Khu di tích lịch sử Xóm Nghề (huyện Bến Lức) thu hút đông đảo người dân từ khắp nơi về dự lễ./.

Quế Lâm - Hoàng Tuân

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/ky-niem-156-nam-ngay-ahdt-nguyen-trung-truc-hy-sinh-tai-khu-di-tich-lich-su-vam-nhut-tao-a184072.html