Kỷ niệm 16 năm Ngày Khuyến học Việt Nam: Không ngừng nỗ lực vì sự nghiệp trồng người

Ngày 2/10, tại Hà Nội, Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức gặp mặt 16 năm Ngày Khuyến học Việt Nam (2/10/2008-2/10/2024), sơ kết 5 năm Kết luận 49/KL-TW và phát động Giải thưởng Nhân tài đất Việt năm 2025.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân chúc mừng Hội Khuyến học Việt Nam nhân kỷ niệm 16 năm Ngày Khuyến học Việt Nam. Ảnh: Thiên Ân

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân chúc mừng Hội Khuyến học Việt Nam nhân kỷ niệm 16 năm Ngày Khuyến học Việt Nam. Ảnh: Thiên Ân

Tham dự buổi lễ có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Minh Triết cùng nhiều lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương...

Bức tranh khuyến học, khuyến tài mang đậm bản sắc văn hóa của một dân tộc yêu nước, đoàn kết, hiếu học

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhấn mạnh: "Kể từ ngày có Quyết định 1271/QĐ-TTg ngày 16/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 2/10 là ngày Khuyến học Việt Nam, đến nay Hội Khuyến học Việt Nam đã thực sự trưởng thành và đang vững bước phát triển, góp phần quan trọng vào sự phát triển giáo dục nước nhà, tạo cơ hội cho người dân tham gia học tập, học tập suốt đời bằng nhiều chương trình khuyến khích, thúc đẩy sự học của toàn dân, nhất là trẻ em nghèo, cần có cơ hội được học tập, học tập suốt đời để phát triển bền vững".

Những năm qua, nhờ bám sát chủ trương của Đảng, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự học, sự nghiệp trồng người, sự nỗ lực cố gắng của toàn hệ thống mà Hội Khuyến học Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bức tranh khuyến học, khuyến tài ngày càng sinh động, được bổ sung thêm nhiều nét vẽ mang đậm bản sắc văn hóa của một dân tộc yêu nước, đoàn kết, hiếu học và luôn có khát vọng vươn lên.

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan phát biểu tại buổi gặp mặt Kỷ niệm 16 năm Ngày Khuyến học Việt Nam. Ảnh: Thiên Ân

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan phát biểu tại buổi gặp mặt Kỷ niệm 16 năm Ngày Khuyến học Việt Nam. Ảnh: Thiên Ân

16 năm qua, Hội Khuyến học Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định. Tổ chức Hội đã phủ kín từ 100% xã, phường, thị trấn đến huyện, tỉnh, thành phố trong cả nước. Hội viên Hội Khuyến học là đảng viên nhiều tỉnh đạt từ 80% trở lên. Có tỉnh 100% đảng viên đều là hội viên hội khuyến học. Ở hầu hết các trường phổ thông và đại học đều có ban khuyến học.

Đến nay, tổ chức khuyến học đã phát triển ở các Đảng bộ khối, các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang và một số hội xã hội, tạo thành sức mạnh tổng hợp giúp triển khai phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ngày càng có hiệu quả.

Hội Khuyến học các cấp đã triển khai thành công các quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao cho Hội về xây dựng các mô hình: “Gia đình, Dòng họ, Đơn vị, Cộng đồng và Công dân học tập”. Đây là hệ thống cấu trúc nền tảng cơ bản của xã hội học tập ở nước ta, đã được Hội nghiên cứu thông qua đề tài nghiên cứu khoa học độc lập cấp nhà nước từ những ngày đầu thành lập, đến năm 2022, hình thành thêm mô hình “Công dân học tập”.

Nhiều hình thức xây dựng và phát triển quỹ khuyến học hình thành và ngày càng sáng tạo. Từ nguồn quỹ 100% xã hội hóa này, Hội khuyến học các cấp đã hỗ trợ hàng triệu lượt học sinh và giáo viên, người lớn có thành tích học tập xuất sắc thông qua các hình thức trao học bổng hàng năm.

Giải thưởng “Nhân tài Đất Việt - Tự học thành tài” tôn vinh nhiều nhà khoa học, nhiều nông dân tự học, tự nghiên cứu đã chế tạo ra máy móc phục vụ lĩnh vực nông nghiệp mang lại hiệu quả cao. Giải thưởng “Nhân tài Đất Việt, Tự học thành tài” cùng với học bổng “Học không bao giờ cùng” đã trở thành thương hiệu của Hội Khuyến học Việt Nam từ nhiều năm qua.

Để gặt hái được những kết quả nổi bật nêu trên, là nhờ có sự lãnh đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp, sự chỉ đạo phối hợp chặt chẽ của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục Đào tạo và các cơ quan, ban, ngành đã ký chương trình phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam.

Cùng với đó, là nhờ công sức của các thế hệ những cán bộ khuyến học, nhất là những cán bộ đã nghỉ hưu nhưng trong điều kiện còn nhiều khó khăn, vất vả vẫn đam mê và trách nhiệm với sự nghiệp trồng người.

Với sự quyết tâm cao độ và tin tưởng vào sự thành công sắp tới, phát huy tinh thần ngày 2/10 - ngày toàn dân học tập suốt đời, Hội Khuyến học Việt Nam cam kết: Các cấp Hội Khuyến học Việt Nam sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, phục vụ sự học của tất cả mọi người trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và xây dựng thành công con đường tri thức, đưa Việt Nam phát triển tất yếu bằng trí tuệ và nhờ trí tuệ.

Bên cạnh đó, Hội Khuyến học Việt Nam cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ và hưởng ứng tuần lễ Học tập suốt đời với tinh thần “lấy tự học làm cốt”, học ở mọi nơi, mọi lúc, bằng mọi phương pháp, học tập để tránh “ai không học là lùi, công việc sẽ gạt mình lại phía sau” như lời Bác Hồ dạy, xác định con đường tri thức là con đường gian nan nhất, song cũng mang về nhiều vinh quang nhất cho đất nước.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Thiên Ân

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Thiên Ân

Hội Khuyến học Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong xây dựng nền giáo dục mở

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn gửi đến Hội Khuyến học Việt Nam lời chúc mừng, lời cảm ơn, sự thán phục đối với những công việc Hội đã thực hiện trong thời gian qua.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, sự nghiệp giáo dục là sự nghiệp của toàn dân, trong đó, ngành Giáo dục chủ yếu chăm sóc hệ thống giáo dục chính thức, chính thống trong nhà trường.

Tuy nhiên, sự bao quát quản lý Nhà nước còn có nhiều giới hạn, vì vậy để xây dựng một nền giáo dục mở, cần có sự hỗ trợ, đồng hành, góp sức của nhà trường và xã hội. Trong đó, các hội, tổ chức, đoàn thể có vai trò hết sức quan trọng...

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, tri thức của nhân loại càng lớn, dân trí của đất nước ngày càng phát triển thì tầm quan trọng của sự học tập thường xuyên và học tập suốt đời ngày càng gia tăng. Theo đó, vai trò của Hội Khuyến học Việt Nam vai trò ngày càng lớn.

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang thực hiện triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó củng cố, hoàn thiện các quy định, thể chế và dự kiến đến năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiên cứu xây dựng Luật học tập suốt đời. Đặc biệt là xây dựng các cộng đồng học tập, đơn vị học tập...

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Hội Khuyến học Việt Nam đã có sự phối hợp rất chặt chẽ trong thời gian qua. Tuy nhiên, hiện nay, tri thức nhân loại bùng nổ với nguồn dữ liệu lớn. Khi tri thức càng lớn, chúng ta cần khuyến cách học, khuyến phương pháp học để cập nhật gia tăng tri thức. Khuyến học nhưng phải góp phần hạn chế bệnh thành tích, khuyến tài nhưng không thúc đẩy sự háo danh. Để làm được điều đó cần có sự hô ứng, phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hội Khuyến học Việt Nam.

"Đồng thời chúng ta cần hiểu rõ khái niệm tự học và nên khuyến khích việc giúp đỡ nhau trong học tập nhằm tăng thêm cơ hội học tập, để ở đời không có ai cô độc trong sự học. Bởi những người tự học thành tài nếu được hỗ trợ, giúp đỡ, chắc chắn cái tài của họ sẽ phát triển hơn nữa", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Nhóm Phóng viên

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/ky-niem-16-nam-ngay-khuyen-hoc-viet-nam-khong-ngung-no-luc-vi-su-nghiep-trong-nguoi-179241002094642742.htm