Kỷ niệm 20 năm ngày tái lập huyện Đông Giang 5-7 (2003-2023): 20 năm - Đông Giang bứt phá đi lên

Thấm thoắt đã 20 năm trôi qua, kể từ ngày 5-7-2003, tên gọi Đông Giang (Quảng Nam) được trả lại cho vùng đất nằm về phía Đông sông A Vương. Với người dân H. Đông Giang đây là cột mốc đáng nhớ và tự hào. 20 năm, một chặng đường với biết bao đổi thay trên quê hương một thời được xem là một trong những huyện nghèo của cả nước...

Lễ hội đâm trâu cùng điệu múa tung - tung da - dá được tái hiện trong dịp lễ hội văn hóa đồng bào Cơ Tu.

Lễ hội đâm trâu cùng điệu múa tung - tung da - dá được tái hiện trong dịp lễ hội văn hóa đồng bào Cơ Tu.

Ông Đỗ Tài - Chủ tịch HĐND H. Đông Giang, cho biết: Trước yêu cầu phát triển về kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, văn hóa giáo dục…, năm 2003, Quốc hội quyết định tách huyện Hiên (cũ) thành 2 huyện Đông Giang và Tây Giang. Nhờ đường lối đúng đắn của Đảng, chính sách phù hợp với thực tế và sự đoàn kết thống nhất, chung sức, đồng lòng, chủ động sáng tạo, phát huy lợi thế, huy động nội lực, 20 năm qua, Đông Giang đã có những chuyển biến tích cực, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực về kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng... Đời sống của người dân nhờ đó cũng không ngừng được nâng cao.

Sự “thay da, đổi thịt” đó được minh chứng cụ thể qua những thông số “biết nói”, đó là: tốc độ tăng trưởng bình quân 20 năm đạt 12,80%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng ngành nông-lâm- thủy sản từ 37% năm 2003, xuống còn 13,95%; ngành công nghiệp- xây dựng từ 39,04% tăng lên 63,07%; ngành dịch vụ từ 23,62% giảm xuống còn 22,98%. Tổng giá trị sản xuất nông-lâm-thủy sản đạt 315,90 tỷ đồng, tăng 2,94 lần so với năm 2003; tổng đàn gia súc đạt 23,437 ngàn con, tăng 1,7 lần so với năm 2003. Đặc biệt hơn cả, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ đạt trên 573 tỷ đồng, tăng hơn 57 lần so với năm 2003. Tổng thu ngân sách Nhà nước từ 3,7 tỷ đồng năm 2003 lên 1.317 tỷ đồng năm 2022. Và điều đáng để tự hào nữa đó là, giá trị sản xuất công nghiệp-xây dựng năm 2022 đạt hơn 1.637 tỷ đồng, tăng 15 lần so với năm 2003. Hiện tại, Đông Giang đã hoàn thành quy hoạch phát triển vùng huyện đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, quy hoạch định hướng phát triển đô thị Sông Vàng…

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Cơ Tu được giữ gìn, phát huy.

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Cơ Tu được giữ gìn, phát huy.

Có thể nói, từ chỗ cơ sở hạ tầng lạc hậu, nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, Đông Giang đã tạo được bước đột phá đáng kể. Đến nay 11/11 xã có đường ô-tô đến được 2 mùa, 40/40 thôn có đường ô-tô. Điện thoại di động phủ sóng trên toàn huyện, gần 100% hộ dân được sử dụng điện và nước sinh hoạt. Hạ tầng du lịch và dịch vụ chuyển biến khá, hình thành mô hình du lịch cộng đồng, gắn với khai thác tiềm năng văn hóa Cơ Tu, nghề truyền thống tại thôn Bhơhôồng, xã Sông Kôn và thôn Đhơrôồng, xã Tà Lu. Đ1111ông Giang cũng thành công trong việc kêu gọi nhà đầu tư đầu tư dự án khu du lịch sinh thái “Cổng trời Đông Giang” với tổng mức đầu tư trên 2.600 tỷ đồng, đã đi vào hoạt động tạo ra diện mạo mới cho sự phát triển. Về văn hóa xã hội, giáo dục cũng có những chuyển biến tích cực. Nếu như năm 2003 toàn H.Đông Giang có 16 trường, với 184 phòng học thì đến nay con số được nâng lên thành 28 trường, 302 phòng học, trong đó có 9 trường đạt chuẩn quốc gia. Toàn bộ các xã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và THCS. Chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên, học sinh đạt khá, giỏi chiếm tỷ lệ ngày càng cao. Chất lượng nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị huyện, xã ngày càng được nâng cao với tỷ lệ cán bộ công chức có trình độ đại học, cao đẳng cấp xã chiếm tỷ lệ 96,2%. Cùng với đó công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được quan tâm với trang thiết bị và đội ngũ y, bác sỹ cơ bản đáp ứng một bước yêu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân…

Người Cơ Tu nay đã biết chăn nuôi tập trung, trồng lúa nước…

Người Cơ Tu nay đã biết chăn nuôi tập trung, trồng lúa nước…

Theo ông A Vô Tô Phương - Chủ tịch UBND H. Đông Giang, trong 20 năm qua, bằng nguồn ngân sách và sự giúp đỡ của các mạnh thường quân, Đông Giang đã tổ chức xây dựng 1.236 ngôi nhà, với tổng kinh phí 24,6 tỷ đồng cho các gia đình chính sách, đối tượng nghèo, đối tượng xã hội khó khăn về nhà ở. Các chính sách đảm bảo an sinh xã hội được quan tâm, nên đời sống về vật chất và tinh thần của người dân nói chung, các gia đình thuộc diện chính sách, hộ nghèo, cận nghèo nói riêng không ngừng được nâng lên. Cụ thể, năm 2003 thu nhập bình quân 2 triệu đồng/người, năm 2022 được nâng lên gần 35 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân gần 5%/năm, đến cuối năm 2022 còn 45,4% theo chuẩn nghèo đa chiều. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có những chuyển biến tích cực. Đến nay, toàn huyện có gần 6.500 hộ và 36/40 thôn được công nhận các danh hiệu văn hóa. Các giá trị văn hóa Cơ Tu tiếp tục được quan tâm giữ gìn và phát huy. Phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt được nhiều kết quả, xây dựng đạt chuẩn NTM 2 xã; 6 thôn đạt danh hiệu NTM kiểu mẫu và đang thực hiện chủ trương xây dựng thôn NTM trong toàn huyện. Anh Bríu Blơi, trú xã Tà Lu, phấn khởi bày tỏ: “Nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền gia đình mình đã có được nhà mới để ở ổn định, có ruộng nước để trồng lúa… Bây giờ, mình không còn lo cái đói nữa”.

20 năm, một chặng đường chưa hẳn là dài, song với những kết quả mà chính quyền và nhân dân H. Đông Giang đã gặt hái được thật đáng trân trọng và nể phục. Hy vọng, thời gian đến cái đói, cái nghèo sẽ mãi rời mảnh đất vùng cao phía Tây Bắc Quảng Nam này.

M.T

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/ky-niem-20-nam-ngay-tai-lap-huyen-dong-giang-5-7-2003-2023-20-nam-dong-giang-but-pha-di-len-post280000.html