Kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (7-11-1981 - 7-11-2016): - Khi Phật giáo đồng hành cùng đất nước
Trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm bảo vệ và giải phóng dân tộc, lớp lớp những người con Phật qua từng thế hệ đã tự nguyện “cởi cà sa, khoác chiến bào”, rời bỏ thiền lâm, xông pha giữa “rừng tên mũi đạn”, với những tấm gương hi sinh anh dũng vì nghĩa lớn. Trong thời thái bình, lịch sử còn ghi lại những tấm gương sáng của các vị cao tăng trong hàng giáo phẩm của Phật giáo đã thể hiện tinh thần nhập thế, lấy hết tâm nguyện và sở học để “phò vua, giúp nước”, góp phần xây dựng nền xã tắc thái bình, thịnh trị nhằm mưu cầu cho muôn dân, trăm họ được no ấm, yên vui.
Đặc biệt trong 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã động viên cao độ tinh thần chiến đấu, sự hi sinh to lớn của nhân dân, trong đó có đồng bào Phật tử đã làm nên chiến thắng lịch sử mùa Xuân 1975. Tổ quốc thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà. Trong niềm hân hoan ấy, tăng ni và đồng bào Phật tử cả nước có chung một ước nguyện kiến lập một Giáo hội Phật giáo chung của cả nước. Và ước nguyện ấy được cụ thể hóa khi đại diện 9 tổ chức, hệ phái Phật giáo trong cả nước đã nhất trí thành lập Ban Vận động Thống nhất Phật giáo do Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Trưởng Ban. Và từ ngày 4 đến ngày 7-11-1981, tại chùa Quán Sứ (thủ đô Hà Nội), 165 đại biểu đại diện cho 9 tổ chức, hệ phái Phật giáo trên cả nước đã cùng dự Hội nghị thống nhất và thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN)-một tổ chức duy nhất đại diện cho PGVN được khẳng định. Kể từ đây, Phật giáo nước nhà đã thống nhất về ý chí và hành động, thống nhất về lãnh đạo và tổ chức. Đây là minh chứng cho một duyên lành của sự kế thừa truyền thống Dân tộc và Đạo pháp một cách diệu kỳ.
Nhìn lại chặng đường 35 năm thành lập và phát triển của GHPGVN, nhất là trong thời kỳ đất nước thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, với những vận hội mới cùng biết bao gian nan thử thách đan xen, nhưng với đường hướng và phương châm hành đạo đúng đắn “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, GHPGVN đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong công tác Phật sự cũng như góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong thành tựu chung đó, với tư cách là một bộ phận hợp thành của GHPGVN, Phật giáo thành phố Đà Nẵng, qua 35 năm hoạt động, nhất là sau gần 20 năm trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, đã trải qua 4 kỳ Đại hội, đã không ngừng lớn mạnh và đạt được nhiều thành tựu Phật sự quan trọng trên tất cả các lĩnh vực: từ việc thành lập, củng cố bộ máy tổ chức các cấp đến công tác giáo dục và đào tạo tăng, ni, đặc biệt là gần như tất cả chùa chiền, tự viện đều được sửa chữa tu bổ, xây dựng mới trang nghiêm, đẹp đẽ.
Nhìn nhận về những đóng góp của Phật giáo thành phố trong thời gian qua, ông Nguyễn Đăng Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQVN thành phố cho rằng: Với tư cách là thành viên của Mặt trận trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, GHPGVN thành phố đã tổ chức và động viên tăng ni phật tử không ngừng vun đắp khối đoàn kết, sự đồng thuận của nhân dân thành phố - yếu tố quyết định cho thành quả phát triển của thành phố trong 20 năm qua. Quý tăng, ni và đồng bào Phật tử luôn tích cực hưởng ứng các cuộc vận động (CVĐ), các phong trào thi đua yêu nước do MTTQVN phát động như CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, CVĐ “Ngày vì người nghèo” (nay là CVĐ Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh), các chủ trương xây dựng thành phố “5 không”, thành phố “3 có”... “Bên cạnh đó, tăng, ni và đồng bào Phật tử còn tích cực tham gia thực hiện công tác từ thiện xã hội, cứu khổ độ sinh, giúp đỡ người già neo đơn, trẻ em tàn tật, mồ côi, người khó khăn, tham gia xóa đói giảm nghèo... với nhiều kết quả thiết thực, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; để hôm nay Đà Nẵng đã thay da đổi thịt từng ngày, bộ mặt đô thị mỗi ngày thêm khang trang, hiện đại; cuộc sống người dân ngày càng được cải thiện, góp phần vào mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị hài hòa, thân thiện, an bình và sống tốt”, ông Hải nhìn nhận.
Đại đức Thích Thông Đạo, Ủy viên HĐTS GHPGVN, Phó ban kiêm Chánh thư ký BTS GHPGVN thành phố cho biết: Một trong nhiều đóng góp quan trọng của Phật giáo thành phố trong 35 năm qua là công tác từ thiện xã hội, với tổng kinh phí lên đến hàng trăm tỷ đồng. Đặc biệt, để góp phần cùng chính quyền thành phố thực hiện chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, BTS GHPGVN thành phố và các quận, huyện cùng chư tăng ni đã vận động xây dựng được hàng trăm ngôi nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương. Ngoài ra, còn duy trì nồi cháo tình thương, phát thuốc cho người nghèo, tổ chức các hoạt động quyên góp, cứu trợ thiên tai bão lụt, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, học sinh nghèo, trẻ em lang thang với tổng trị giá hàng chục tỷ đồng. Mới đây nhất, GHPGVN thành phố đã kêu gọi chư tăng ni, đồng bào phật tử quyên góp, ủng hộ đồng bào 4 tỉnh bắc miền Trung bị lũ lụt với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng...
Có thể khẳng định tinh thần “Hộ quốc an dân”, đồng hành và gắn bó mật thiết cùng dân tộc trong suốt chặng đường lịch sử hơn 2.000 năm - từ khi Phật giáo có mặt trên dải đất Việt Nam đã trở thành truyền thống vô cùng quý báu, không chỉ là niềm tự hào của Phật giáo Việt Nam mà còn là niềm tự hào chung của cả dân tộc...
D.Hùng
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_157182_khi-pha-t-gia-o-do-ng-ha-nh-cu-ng-da-t-nuo-c.aspx