Kỷ niệm 63 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2024): Vang mãi thiên hùng ca

Đường Hồ Chí Minh trên biển là kỳ tích 'có một không hai' trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Hơn 6 thập kỷ đã trôi qua kể từ ngày chiếc 'tàu không số' đầu tiên rời bến chở vũ khí, hàng hóa phục vụ chiến trường miền Nam, nhưng dấu ấn khai mở con đường và những chiến công hiển hách của đoàn 'tàu không số' vẫn còn vang vọng cho đến hôm nay.

Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển tỉnh Thanh Hóa chụp ảnh lưu niệm tại buổi gặp mặt kỷ niệm 63 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển.

Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển tỉnh Thanh Hóa chụp ảnh lưu niệm tại buổi gặp mặt kỷ niệm 63 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển.

Năm 1961, trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng miền Nam, nhu cầu chi viện cho đồng bào, chiến sĩ miền Nam ngày càng lớn. Vì vậy, ngoài con đường Trường Sơn trên bộ, đường Hồ Chí Minh trên biển cũng được hình thành để vận chuyển hàng hóa, vũ khí và cán bộ, chiến sĩ vào những địa bàn ven biển trọng yếu, nơi mà sự chi viện bằng tuyến vận tải trên bộ chưa thể vươn tới được. Trong khi Tiểu đoàn 301 mở đường xuyên Trường Sơn trên bộ thì Tiểu đoàn 603 bắt đầu mở đường trên biển nhằm bảo đảm cho cuộc kháng chiến của ta không lúc nào bị chia cắt.

Ngày 23/10/1961, lực lượng vận tải quân sự trên biển mang tên Đoàn 759 được thành lập (tiền thân của Đoàn 125, sau là Lữ đoàn 125), có nhiệm vụ nghiên cứu mở tuyến vận tải quân sự chiến lược Bắc - Nam bằng đường biển, tổ chức đưa cán bộ, chiến sĩ và vũ khí chi viện cho cách mạng miền Nam. Sau khi thành lập, trung tuần tháng 8/1962, Quân ủy Trung ương thông qua nghị quyết “Mở đường vận chuyển chiến lược trên biển”. Từ đây, Đoàn 759 bước vào một giai đoạn hoạt động đặc biệt, làm nên “con đường huyền thoại” trên biển. Để bảo đảm bí mật cho tuyến đường vận tải đặc biệt này, những chiếc tàu của Đoàn 759 phải cải hoán thành tàu đánh cá, không có số hiệu cố định, xen kẽ, trà trộn vào những đoàn tàu đánh cá của ngư dân trên biển. Tên gọi đoàn “tàu không số” ra đời từ đó.

Khác với các chiến sĩ không quân, lục quân “tìm địch mà đánh”, nhiệm vụ của người chiến sĩ hải quân trên những con “tàu không số” lại tìm mọi cách tránh địch để bảo vệ hàng hóa, vũ khí và cán bộ, chiến sĩ trên tàu. Vì phải giữ bí mật, tuyệt đối không để địch phát hiện ra tuyến vận tải đặc biệt này nên tàu nào cũng được cài sẵn những khối thuốc nổ lớn để phá hủy tàu khi bị phát hiện. Bởi vậy, mỗi lần “tàu không số” xuất phát là một lần thử thách ý chí và tinh thần dũng cảm của mỗi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị.

Ngày 23/10/1961, lực lượng vận tải quân sự trên biển mang tên Đoàn 759 được thành lập (tiền thân của Đoàn 125, sau là Lữ đoàn 125), có nhiệm vụ nghiên cứu mở tuyến vận tải quân sự chiến lược Bắc - Nam bằng đường biển, tổ chức đưa cán bộ, chiến sĩ và vũ khí chi viện cho cách mạng miền Nam.

...nhiệm vụ của người chiến sĩ hải quân trên những con “tàu không số” lại tìm mọi cách tránh địch để bảo vệ hàng hóa, vũ khí và cán bộ, chiến sĩ trên tàu...

Là người lính từng đi qua cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, ông Cao Văn Chân, phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa) năm nay tròn 80 tuổi vẫn nhớ rất rõ hành trình đầy gian nan nhưng rất đỗi vinh quang trên những chuyến tàu huyền thoại. Trong tất cả 8 chuyến đi bám “tàu không số”, ông Chân có rất nhiều kỷ niệm, nhưng đáng nhớ nhất vẫn là chuyến đi đầu tiên trên tàu 68. Theo dòng hồi tưởng, ông Cao Văn Chân nhớ lại: "Giai đoạn 1963-1966, tuyến vận tải biển gặp nhiều khó khăn nên các tàu tạm dừng hoạt động. Đầu năm 1966, tàu 68 thuộc Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 125 được giao nhiệm vụ đi khảo sát mở đường, đồng thời chở theo 60 tấn hàng hóa, vũ khí, nếu an toàn thì sẽ cập bến Bồ Đề (Cà Mau) theo kế hoạch. Xác định đây là chuyến đi khó khăn, cán bộ, chiến sĩ trên tàu có thể phải hy sinh khi làm nhiệm vụ. Vì thế, trước khi xuất phát, Trung tướng Lê Quang Đạo, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã trực tiếp xuống tàu chỉ đạo và dự lễ truy điệu sống cho 17 cán bộ, chiến sĩ thực hiện chuyến đi. Lần đầu tiên tham gia “tàu không số” đã phải làm lễ truy điệu sống nhưng chúng tôi không dao động hay nao núng tinh thần, ngược lại luôn trong tâm thế sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ. Sau lễ truy điệu sống, tàu 68 lấy hàng ở kho Kha Lâm (Hải Phòng), xuất phát sang vùng biển Trung Quốc rồi vào Nam. Tàu chúng tôi đi được khoảng 100 hải lý thì máy bay trinh sát và 2 tàu khu trục của Mỹ bắt đầu theo dõi rồi liên tục bám theo. Đến vùng biển Đà Nẵng thì lực lượng của Mỹ ở trên bờ giám sát chặt chẽ. Vì bị quân địch theo dõi gắt gao nên gần 1 tháng lênh đênh trên biển, mục tiêu cập bến Bồ Đề không thực hiện được".

Sau chuyến đi khảo sát đầu tiên, ông Cao Văn Chân đã tham gia 7 chuyến tàu vận chuyển vũ khí, hàng hóa cho chiến trường miền Nam. Thời kỳ ấy, máy bay và tàu khu trục của Mỹ theo dõi rất sát sao. Quyết không để con đường vận tải chiến lược trên biển bị bại lộ, có tới 6 chuyến hàng tàu 68 phải quay trở về bến ở Hải Phòng. Riêng chuyến đi năm 1967, tàu 68 vào được bãi ngang ở Phú Yên. “Để tránh sự phát hiện của kẻ thù, ban ngày tàu 68 giả danh tàu đánh cá đi ngoài khơi, khoảng 12 giờ đêm đến 3 giờ sáng, khi thủy triều lên thì tàu mới vào gần bến thả hàng xuống biển để thủy triều đẩy hàng vào bờ. Trong 2 đêm thả hàng xuống biển, sóng bãi ngang lắc rất mạnh, các chiến sĩ vừa bốc hàng, vừa bị nôn rất mệt. Vất vả thì không kể hết nhưng cũng rất đỗi vinh quang và tự hào”, ông Chân kể.

Ông Cao Văn Chân và ông Trần Văn Thứ ôn lại kỷ niệm tham gia những chuyến “tàu không số”.

Ông Cao Văn Chân và ông Trần Văn Thứ ôn lại kỷ niệm tham gia những chuyến “tàu không số”.

Kỳ tích đường Hồ Chí Minh trên biển được tạo nên bởi các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của đoàn “tàu không số” với tinh thần dũng cảm, luôn trung thành với Tổ quốc và Nhân dân. Với người lính biển Trần Văn Thứ, phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa), mỗi chuyến “tàu không số” rời bến là một lần sẵn sàng xả thân chiến đấu và hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Quên sao được chuyến đi cuối cùng của tàu 39 bởi đồng đội của ông có nhiều người đã mãi mãi không trở về. Ông Trần Văn Thứ kể: "Theo kế hoạch, cuối tháng 3/1972, tàu 39 nhổ neo từ K4 Hải Phòng chở theo 300 tấn hàng hóa, vũ khí để cập bến Vàm Lũng (Cà Mau). Khi gần đến bến Vàm Lũng, tàu 39 nhận lệnh không được cập bến vì có địch. Sau một thời gian lênh đênh ngoài biển vẫn không thể cập bến, tàu 39 quay trở lại Hải Phòng. Trong lúc tàu 39 đang ở sông Cấm (Hải Phòng) thì bị máy bay địch phát hiện, chúng liên tục bắn rốc-két xối xả khiến tàu bị hỏng lái, cứ quay tròn. Trong tình thế vô cùng nguy hiểm và cấp bách đó, cán bộ, chiến sĩ trên tàu dùng súng 12 ly 7 chống trả quyết liệt. Bị trúng rốc-két, bộc phá trên tàu phát nổ cũng là lúc hầu hết cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Chuyến tàu lịch sử ấy, tôi mãi không bao giờ quên được".

Trong gần 15 năm hoạt động (10/1961 - 4/1975), những con đường, những bến bãi tập kết vũ khí đều nằm trong vùng kìm kẹp, truy quét, đánh phá ác liệt của địch. Nhiều chuyến đi hàng tháng trời trên biển phải quay trở về nhưng không làm cán bộ, chiến sĩ nản lòng. Cách này không đi được ta nghĩ cách khác; đường này bị địch theo dõi ta mở đường mới; khi địch phát hiện, áp sát tấn công ta đánh trả quyết liệt, trong tình huống cấp bách phải phá hủy tàu và hàng để giữ bí mật con đường... Chuyện về con đường biển và những người vận chuyển vũ khí trên con đường ấy được ví như một thiên hùng ca ngời sáng về lòng yêu nước của quân đội Việt Nam. Trong điều kiện kẻ thù ngày đêm phong tỏa, kiểm soát gắt gao, nhưng với tinh thần sẵn sàng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, cán bộ, chiến sĩ trên những con “tàu không số” đã mưu trí, dũng cảm băng qua hiểm nguy, đạp sóng biển Đông và sự vây ráp của kẻ thù để vận chuyển hàng chục, hàng trăm nghìn tấn vũ khí, đạn dược, nhân lực, kịp thời chi viện cho quân và dân miền Nam đánh giặc. Cùng với những con đường trên đất liền, đường Hồ Chí Minh trên biển đã làm nên thắng lợi vĩ đại của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Bài và ảnh: Tố Phương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/ky-niem-63-nam-ngay-mo-duong-ho-chi-minh-tren-bien-23-10-1961-23-10-2024-vang-mai-thien-hung-ca-228275.htm