Kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam 26/12/2023: 'Tham gia tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước'

Sáng 26/12, tại Hà Nội, Bộ Y tế long trọng tổ chức kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam, Hội nghị Tổng kết công tác dân số 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024. Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, lãnh đạo các đơn vị Bộ Y tế; lãnh đạo UBND một số tỉnh; lãnh đạo Sở Y tế và Chi cục Dân số - KHHGĐ 63 tỉnh thành.

Nỗ lực nhưng vẫn nhiều khó khăn, thách thức

Báo cáo tại Hội nghị, Cục Dân số cho biết: Năm 2023, công tác dân số tiếp tục nhận được sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Y tế; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, đoàn thể, của cấp ủy, chính quyền và sự ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân. Điều đó thể hiện "Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển".

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Trung Kiên

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Trung Kiên

Với tinh thần chủ động, quyết liệt cán bộ làm công tác dân số các cấp đã nỗ lực, cố gắng thực hiện các hoạt động, chỉ tiêu và nhiệm vụ kế hoạch năm 2023.

Tuy nhiên năm 2023, ước nhiều chỉ tiêu công tác dân số không hoàn thành, rất nhiều khó khăn, hạn chế. Mức sinh giảm dưới mức sinh thay thế, còn biến động khó lường; hoạt động cung ứng dịch vụ dân số bị gián đoạn; mất cân bằng giới tính khi sinh trở thành thách thức với công tác dân số từ nhiều năm nay và đang có dấu hiệu tăng. Nhiều địa phương vẫn đang tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy làm công tác dân số, gồm cả cộng tác viên dân số. Chất lượng thông tin, số liệu chuyên ngành dân số chưa được đầu tư đúng mức làm giảm độ tin cậy đáp ứng yêu cầu.

Các đại biểu tại Hội nghị. Ảnh: Trung Kiên

Các đại biểu tại Hội nghị. Ảnh: Trung Kiên

Đối với chỉ tiêu cơ bản theo Nghị quyết 01/NQ-CP, chỉ có chỉ tiêu tuổi thọ trung bình (tính từ lúc sinh): 73,8 là đạt kế hoạch. Hai chỉ tiêu tỷ số giới tính khi sinh và tổng tỷ suất sinh là không đạt. Theo đó, tỷ số giới tính khi sinh: Ước cả năm là 113,2 bé trai/100 bé gái sinh ra sống, không đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 là 111,2 số bé trai/100 bé gái sinh ra sống. Tổng tỷ suất sinh: theo số liệu ước tính, TFR năm 2023 là 1,95 con/phụ nữ, tiếp tục giảm so với năm 2022 (2,01 con/phụ nữ) và ở mức dưới mức sinh thay thế, không đạt kế hoạch đề ra (2,1 con/phụ nữ).

Về nguyên nhân không đạt, ông Nguyễn Hồng Quân, đại diện Cục Dân số cho biết tại một số tỉnh/TP, mức sinh biến động không rõ xu hướng, do đó khó khăn trong việc giao chỉ tiêu.

Tại các tỉnh mức sinh thấp: việc giao tăng sinh (+CBR) là chỉ tiêu mới, nên địa phương chưa có nhiều hoạt động can thiệp tăng mức sinh; số cặp vợ chồng trẻ tuổi có xu hướng chậm sinh con hoặc chỉ sinh một con; xu hướng kết hôn muộn trở nên phổ biến… Các chính sách để hỗ trợ, khuyến khích người dân sinh đủ hai con và các mô hình can thiệp để nâng mức sinh thuộc vùng mức sinh thấp (các can thiệp đối với đối tượng VTN/TN, dự phòng vô sinh tại cộng đồng đối với nhóm dân số trẻ, khóa học trước khi kết hôn,...) đang trong quá trình xây dựng, đề xuất nên chưa đủ mạnh để nâng mức sinh của các tỉnh/TP thuộc vùng này.

Tại các tỉnh mức sinh cao: Hạn chế tiếp cận biện pháp tránh thai do thiếu PTTT (thuốc cấy, thuốc tiêm không có); sụt giảm nghiêm trọng kinh phí triển khai Chương trình, đặc biệt hỗ trợ thúc đẩy sử dụng BPTT, một số nơi ngân sách địa phương chỉ cấp PTTT miễn phí các đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo và bảo trợ xã hội.

Tổng số người mới sử dụng BPTT hiện đại trong năm: theo báo cáo của 48/63 tỉnh/TP, tổng số người mới sử dụng BPTT hiện đại năm 2023 tại 48 tỉnh là 4.440.945 người, đạt 110% kế hoạch năm. Ước tính tổng số người mới sử dụng BPTT hiện đại trong năm đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (kế hoạch giao 63 tỉnh/TP là 5.113.387 người).

Lãnh đạo Bộ Y tế, Cục Dân số và các vị đại biểu tại Hội nghị. Ảnh: Trung Kiên

Lãnh đạo Bộ Y tế, Cục Dân số và các vị đại biểu tại Hội nghị. Ảnh: Trung Kiên

Về chỉ tiêu chuyên môn "Giảm số vị thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn" không đạt kế hoạch đề ra (năm 2023 giảm 15% so với năm 2022). Nguyên nhân không đạt là do VTN, TN còn nhiều hạn chế trong tiếp cận với các dịch vụ dân số, KHHGĐ, chưa được giáo dục đầy đủ về sức khỏe giới tính; Chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường – gia đình – xã hội trong việc giúp các em được trang bị đầy đủ kiến thức về giới tính và sức khỏe sinh sản, góp phần nâng cao chất lượng dân số trong tương lai; Gia đình VTN, TN còn chưa chú trọng việc giáo dục SKSS để phòng tránh mang thai ngoài ý muốn cho các em.

Chỉ tiêu "tỷ lệ bà mẹ mang thai được tầm soát (sàng lọc trước sinh)" (chỉ tiêu giao 60%): Tính đến ngày 21/12/2023, qua báo cáo của 51/63 tỉnh, thành phố số phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh chủ yếu bằng kỹ thuật siêu âm (tương ứng 69,63%) số phụ nữ mang thai và chỉ có 11,65% phụ nữ mang thai được sàng lọc bằng kỹ thuật xét nghiệm.

Nếu chỉ tính tỷ lệ sàng lọc trước sinh bằng siêu âm thì đạt kết quả chỉ tiêu giao, nhưng tính chỉ tiêu sàng lọc trước sinh đủ 04 bệnh, dự kiến không đạt chỉ tiêu (các tỉnh, thành phố tổng hợp số lượng/tỷ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh đủ 04 bệnh và đạt tỷ lệ thấp: Yên Bái, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Đồng Tháp...). Nguyên nhân không đạt: phần lớn các tỉnh, thành phố chưa có năng lực thực hiện sàng lọc trước sinh bằng kỹ thuật xét nghiệm (Yên Bái, Hải Dương, Phú Yên, Đăk Lăk....)

Chỉ tiêu "Tỷ lệ trẻ sơ sinh được tầm soát (sàng lọc sơ sinh" (chỉ tiêu giao 55%): Tính đến 21/12/2023, qua báo cáo của 51/63tỉnh, thành phố. Số trẻ em mới sinh được sàng lọc sơ sinh bằng kỹ thuật xét nghiệm mẫu máu gót chân (ít nhất 02 bệnh) là 557.806/931.805 (tương ứng 59,91%) số trẻ em mới sinh 2023.

Nếu chỉ tính trên 02 mặt bệnh G6PD và suy giáp trạng bẩm sinh thì đạt chỉ tiêu giao nhưng tính chỉ tiêu sàng lọc sơ sinh đủ 05 bệnh, dự kiến không đạt chỉ tiêu. Nguyên nhân không đạt: phần các tỉnh, thành phố chưa đủ năng lực thực hiện đủ các kỹ thuật sàng lọc sơ sinh (Yên Bái, Hải Dương, Phú Yên, Đăk Lăk, Đồng Tháp....)

Chỉ tiêu "Tăng thêm tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn" (chỉ tiêu giao 8% so với năm 2022): Tính đến ngày 21/12/2023 có 55/63tỉnh/thành phố gửi báo cáo. Tuy nhiên, các báo cáo gửi chưa thống kê đầy đủ số liệu tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn (có 40 tỉnh, thành phố có số liệu về tăng thêm tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn và chỉ có 14/40 tỉnh có số liệu báo cáo đạt chỉ tiêu kế hoạch giao: tăng thêm tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn:chỉ tiêu giao 8% so với năm 2022). Dự kiến năm 2023 không đạt kế hoạch đề ra.

Nguyên nhân không đạt: Chưa có quy định tính bắt buộc cần sự tự nguyện tham gia của các đối tượng trong đó có lợi ích đối với việc tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn chưa được biết đầy đủ, chưa có danh mục khám sức khỏe trước khi kết hôn.

Chỉ tiêu "Tăng thêm tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm" (chỉ tiêu giao 11% so với năm 2022): Tính đến ngày 21/12/2023 có 48/63 Chi cục DS-KHHGĐ các tỉnh, thành phố gửi báo cáo. Tỉ lệ người cao tuổi khám sức khỏe ước tính đạt 55.3% năm 2023 (của 44 tỉnh, thành phố báo cáo số liệu, các tỉnh không có số liệu khám: Nam Định, Đăk Lắk, Vĩnh Long ). Dự kiến cả năm 2023 không đạt chỉ tiêu kế hoạch giao là tăng 11% so với năm 2022 là 57.5%.

Nguyên nhân không đạt: Về kinh phí để triển khai hoạt động khám sức khỏe định kỳ cho NCT còn nhiều bất cập như chưa bố trí kinh phí; bố trí nhưng ít, không đủ để thực hiện cho tất cả đối tượng NCT; có kinh phí nhưng chưa ghi chưa rõ nội dung, định mức chi nên không thể thực hiện hoặc lúng túng trong việc sử dụng nguồn kinh phí (ngân sách địa phương thực hiện chi thường xuyên và ngân sách từ nguồn CTMTGQ vùng DTTS&MN). Về xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho NCT: một số địa phương còn khó khăn, vướng mắc trong việc giao trạm Y tế triển khai hoạt động (thiếu nhân lực, cơ sở vật chất, công tác quản lý, phối hợp với cơ sở y tế tuyến trên… Bên cạnh đó, người cao tuổi chưa có thói quen khám sức khỏe định kỳ, kiến thức và kỹ năng phòng bệnh và nâng cao sức khỏe còn hạn chế.

Để công tác dân số tiếp tục triển khai và hoàn thành nhiệm vụ năm 2024, TS Phạm Vũ Hoàng, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Dân số cho biết, Cục Dân số kiến nghị với Bộ Y tế: Được ưu tiên bố trí ngân sách trung ương để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của các Chương trình do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2030; Sớm ban hành Thông tư quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chi cục Dân số thuộc Sở Y tế (Thay thế Thông tư số 05/2008/TT-BYT hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bộ máy dân số - kế hoạch hóa gia đình ở địa phương). Đồng thời cũng kiến nghị Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục bố trí Ngân sách trung ương mua phương tiện tránh thai miễn phí cho người dân tại các địa phương có mức sinh cao và đối tượng ưu tiên.

Bên cạnh đó, Cục Dân số cũng kiến nghị với Sở Y tế các tỉnh thành phố tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND: Lồng ghép các yếu tố dân số vào trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương; phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong quá trình triển khai, thực hiện; Ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW, NQ137/NQ-CP (đối với các tỉnh chưa ban hành hoặc ban hành chưa đầy đủ); bố trí đủ kinh phí từ ngân sách của địa phương để thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch về dân số; Ban hành theo thẩm quyền quy định cụ thể đối với một số chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách, các chế độ chi ngân sách đối với một số nhiệm vụ chi có tính chất đặc thù ở địa phương, cơ chế đầu tư, chính sách ưu đãi, khuyến khích các cơ quan, đơn vị, cá nhân cung cấp các dịch vụ dân số phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế ở địa phương.

Cục Dân số cũng kiến nghị Sở Y tế các tỉnh thành phố giữ ổn định tổ chức bộ máy chuyên trách làm công tác dân số các cấp. Thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, chuẩn hóa đội ngũ làm công tác dân số đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện công tác dân số. Thực hiện có hiệu quả cơ chế phối hợp liên ngành. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng, xử lý vi phạm trong việc tổ chức thực hiện; kịp thời phát hiện, giải quyết các vấn đề tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ các nhiệm vụ được giao.

Sớm kiện toàn ổn định tổ chức bộ máy và nhân lực làm công tác dân số

Dù còn nhiều khó khăn, thách thức trong công tác dân số thời gian qua, nhất là trong năm 2023, tuy nhiên, đánh giá về công tác dân số nói chung, tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết: Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là với sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và sự đồng thuận, hưởng ứng của quần chúng nhân dân. Chương trình dân số Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng cả về chất và về lượng. Tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công. Mức sinh thay thế được duy trì trong suốt 16 năm qua. Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực. Dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh. Từ năm 2007, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh và cao hơn so với mức trung bình của khu vực Đông Nam Á. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam được cải thiện.

Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về dân số năm 2023 và kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam 26/12/2023, Bộ Y tế đã chọn chủ đề:"Tham gia tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước" nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về việc nâng cao sức khỏe người dân, chất lượng cuộc sống, đặc biệt là đối với lớp trẻ, nhóm đối tượng thanh niên nam, nữ chuẩn bị kết hôn được tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn để phát hiện, phòng ngừa và hướng dẫn điều trị các bệnh lý có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe sau khi kết hôn, mang thai, sinh đẻ, nuôi con bằng sữa mẹ, các nguy cơ sinh con bị bệnh, tật bẩm sinh góp phần đảm bảo hôn nhân bền vững.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh: Công tác dân số vừa cấp bách, nhưng cũng vừa cơ bản và lâu dài, có ý nghĩa quyết định quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước. "Vì vậy, tại buổi Lễ hôm nay, Bộ Y tế trân trọng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tăng cường sự quan tâm, chỉ đạo nhất là về công tác cán bộ, sớm kiện toàn ổn định tổ chức bộ máy và nhân lực làm công tác dân số, đảm bảo chế độ chính sách cho cán bộ dân số; ưu tiên đầu tư, hỗ trợ nguồn lực kịp thời cho công tác dân số, tiếp tục phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo dân số và phát triển ở các cấp, đẩy mạnh triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 21 của Ban Chấp hành Trung ương và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, các chương trình, đề án, kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đưa công tác dân số thành nội dung quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền các cấp" - Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nói.

Cũng nhân buổi lễ, thay mặt Bộ Y tế, Thứ trưởng trân trọng đề nghị các ban, bộ, ngành, đoàn thể các cấp, các cơ quan truyền thông đại chúng, mỗi cộng đồng và từng người dân tăng cường phối hợp, chia sẻ, đồng hành và hưởng ứng tích cực góp phần cùng với ngành Y tế - dân số triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu về công tác Dân số trong tình hình mới đã đề ra.

Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị cán bộ, công chức, viên chức ngành dân số cả nước cần chú trọng các nội dung sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh triển khai thực hiện mục tiêu tập trung giải quyết toàn diện và đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của địa phương và đất nước.

Thứ hai, đổi mới, đa dạng hóa các loại hình thức cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng dân số giai đoạn đầu đời. Mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ Tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn đến bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện một cách thuận tiện, gần dân.

Thứ ba, Tiếp tục đẩy mạnh công tác phụng dưỡng, chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi, triển khai các mô hình chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng. Thí điểm triển khai mô hình Trung tâm chăm sóc người cao tuổi ban ngày.

Thứ tư, cung cấp các dịch vụ dân số, nhất là chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng, chống vô sinh cho các nhóm đối tượng đặc thù như vị thành niên, thanh niên, người di cư.

Chỉ tiêu kế hoạch năm 2024 của Cục Dân số

1. Chỉ tiêu cơ bản

- Tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh: 73,9 tuổi.

- Tỷ số giới tính khi sinh: 111,1 số bé trai/100 bé gái sinh ra sống.

2. Chỉ tiêu chuyên môn

- Tổng tỷ suất sinh: 2,1 con/phụ nữ.

- Giảm tỷ số giới tính khi sinh (-SRB): -0,1 điểm phần trăm so năm 2023.

- Điều chỉnh mức sinh (+/-CBR): +0,3‰ so với năm 2023.

- Tổng số người mới sử dụng BPTT hiện đại trong năm: 5.075.316 người.

- Giảm số vị thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn: 15% so với năm 2023.

- Tỷ lệ bà mẹ mang thai được tầm soát (sàng lọc trước sinh), đủ 4 bệnh: 50%.

- Tỷ lệ trẻ sơ sinh được tầm soát (sàng lọc sơ sinh), đủ 5 bệnh: 60%.

- Tăng thêm tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn: 8% so với năm 2023.

- Tăng thêm tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm: 11% so với năm 2023.

Hà Anh

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/ky-niem-ngay-dan-so-viet-nam-26-12-2023-tham-gia-tu-van-va-kham-suc-khoe-truoc-khi-ket-hon-vi-hanh-phuc-gia-dinh-vi-tuong-lai-dat-nuoc-172231226110958773.htm