Kỷ niệm về những chuyến bay cứu nạn

Có lẽ rất nhiều người dân miền Trung-Tây Nguyên sẽ nhớ mãi những cánh bay của Trung đoàn 954 (nay là Trung đoàn 930, Sư đoàn Không quân 372, Quân chủng Phòng không-Không quân) về cứu nạn, cứu trợ bà con vùng tâm bão. Hành động dũng cảm, xả thân vì nghĩa lớn ấy càng tôn vinh hình ảnh cao đẹp của người chiến sĩ Không quân nhân dân Việt Nam anh hùng giữa thời bình...

Tôi về Báo Quân đội nhân dân tháng 9-2007 thì hơn hai tháng sau được tham gia cùng tổ bay Mi-17 (8411) do Thượng tá Nguyễn Việt Hùng (nay là Đại tá) làm cơ trưởng. Lần đầu tiên đặt chân lên máy bay trực thăng cùng đoàn công tác thực hiện nhiệm vụ cứu trợ đồng bào vùng cao Tây Trà (Quảng Ngãi) bị cô lập bởi lở núi, tắc đường khiến tôi thấy nao nao...

Qua tìm hiểu, tôi biết chuyến bay lần này khá nguy hiểm bởi tại dãy núi Tây Trà ngày xưa có nhiều trực thăng Mỹ bị rơi, đâm đầu vào núi. Như hiểu tâm trạng của tôi, Thượng tá Nguyễn Việt Hùng động viên: “Không sao đâu, đồng bào mình đang sống trong cảnh đói rét, đang mong chờ hàng cứu trợ, mình phải có mặt kịp thời em ạ!...”.

 Máy bay Trung đoàn 954 chở hàng cứu trợ nhân dân đảo Lý Sơn (sau cơn bão số 9-2009).

Máy bay Trung đoàn 954 chở hàng cứu trợ nhân dân đảo Lý Sơn (sau cơn bão số 9-2009).

Sáng 15-11-2007, chiếc trực thăng Mi-17 (8411) được lệnh rời đường băng, nhưng phải 3 lần mới xuyên mây lên được. Thời tiết xấu, trời âm u, máy bay chao đảo rồi xuyên mây thẳng hướng Quảng Ngãi. Khi đến vùng núi Tây Trà, mây càng thêm dày đặc, gió rít liên hồi, cơ trưởng Nguyễn Việt Hùng điều khiển máy bay chao lên liệng xuống mấy vòng rồi lách qua màn mây hun hút để tìm bãi đáp nhưng vẫn không thấy gì. Trung tá Vũ Huy Quý (phi công bay dẫn đường) lo lắng: “Cứ thế này liệu còn đủ nhiên liệu bay về nữa không?”. Anh Việt Hùng động viên anh em: “Cố lên! Đồng bào đang mong chờ chúng ta từng giây, từng phút, chậm trễ chừng nào là bà con khổ chừng đó!”.

Cơ trưởng Nguyễn Việt Hùng nói vậy nhưng thực tình trong lòng anh như có lửa đốt. Đây là khu vực lần đầu tiên tổ bay tới nên còn lạ lẫm. Tĩnh không (đường vào hạ cánh) quá phức tạp, cứ bay vòng vèo quanh sườn núi mãi mà không tìm thấy bãi đỗ thì rất nguy hiểm. Chỉ cần động tác điều khiển của phi công sai sót hoặc tính toán nhầm quỹ đạo hạ cánh thì tính mạng bị đe dọa nghiêm trọng. Bằng giọng bình tĩnh, cơ trưởng Nguyễn Việt Hùng lệnh cho Trung tá Vũ Huy Quý và Thượng úy Nguyễn Thanh Dũng (cơ giới trên không) tích cực quan sát. Máy bay bay dọc sườn núi khoảng 15 phút, xuyên qua đám mây trước mặt thì phát hiện những chấm trắng lờ mờ ven sườn núi. Bay thêm một đoạn nữa, bất ngờ Trung tá Vũ Huy Quý reo lên: “Kia kìa! Đúng là bãi đáp rồi, chỗ có lá cờ và người dân ấy!”. Tất cả tổ bay thở phào nhẹ nhõm.

Cơ trưởng Nguyễn Việt Hùng cho máy bay đảo thêm mấy vòng rồi từ từ hạ độ cao. Nhưng thật bất ngờ, bên sườn núi có một đường dây điện giăng ngang. Dây nhỏ, thời tiết không thuận lợi, khó quan sát nên khi đến gần mới phát hiện được. Lúc ấy, tổ bay chỉ kịp điều khiển máy bay vọt lên, dây điện roẹt ngang thân máy bay. Lúc này, dãy núi đá sừng sững trước mặt. Không chậm trễ, cơ trưởng Nguyễn Việt Hùng điều khiển trực thăng chúi xuống, rà từ từ rồi đáp xuống bãi đất nhỏ bên sườn núi chênh vênh trong tiếng reo hò của bà con vang dậy núi rừng... Trong chốc lát, toàn bộ 10 tấn hàng cứu trợ cùng 2.000 phao cứu sinh đã được chuyển đến đồng bào.

 Tổ bay của Trung đoàn 954 vận chuyển hàng cứu trợ lên đồng bào Vân Canh (Bình Định).

Tổ bay của Trung đoàn 954 vận chuyển hàng cứu trợ lên đồng bào Vân Canh (Bình Định).

Nếu như chuyến bay cứu nạn đồng bào Tây Trà năm ấy thể hiện sự dũng cảm của những phi công trong điều kiện thời tiết xấu thì chuyến bay cẩu cứu 18 người dân bị nạn trong ngày trùng cửu (9-9-2009) ở xã Cà Dy, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam thể hiện sự mưu trí, sáng tạo... Đúng 7 giờ 47 phút, trực thăng Mi-8 (7831) do Thượng tá Hoàng Quang Hà làm cơ trưởng cất cánh lấy độ cao an toàn (2.500m) bay vào khu vực xã Cà Dy, huyện Nam Giang thực hiện nhiệm vụ cứu nạn khẩn cấp. Vì vẫn còn ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên tầm nhìn hạn chế, trời mây mù; địa hình chủ yếu là núi cao, do vậy, máy bay đã giảm đến độ cao an toàn cho phép nhưng vẫn không nhìn thấy mặt đất. Khi máy bay cách khu vực cứu nạn chừng 20km, cả tổ bay căng mắt nhìn qua kính chỉ thấy một màu xám đục dày đặc. Đại úy Nguyễn Thanh Dũng và Thượng úy Dương Văn Thắng dùng ống nhòm quan sát. Theo phương án tính toán dẫn đường đã chuẩn bị sẵn là bay qua khu vực tìm kiếm cứu nạn, chọn thung lũng có bình độ thấp hơn để tiếp tục sử dụng định vị vệ tinh xác định tọa độ để giảm độ cao. Vài phút sau, chúng tôi thấy một khoảng trống của đám mây phía dưới, tổ bay quyết định bay xuống lỗ hổng đó để bay dưới mây. Khi ra khỏi đám mây, chúng tôi phát hiện phía dưới là dòng sông hung dữ, nước đục ngầu, chảy xiết. Tổ bay quyết định bay dọc theo dòng sông về phía thượng nguồn chừng 15 phút thì phát hiện một bãi bồi nhỏ có một số cây cao giữa dòng sông và mấy cái chòi ni lông tạm bợ, một nhóm người cầm mũ nón giơ cao tay vẫy. Xác định đây là mục tiêu cần cẩu cứu, tổ bay vòng lại giảm độ cao và tiến hành vào treo để cẩu cứu. Bất chấp nguy hiểm, hai sĩ quan dù làm nhiệm vụ “người nhái” là Phạm Đức Huy và Phạm Minh Khuyến thực hiện các thao tác trên hệ thống cẩu, lần lượt hướng dẫn và giúp đỡ từng nạn nhân ngồi vào ghế tời đưa lên máy bay...

Sau cơn bão số 11 (tháng 10-2011), xã Canh Liên, huyện Vân Canh (Bình Định) bị cô lập hoàn toàn; 511 hộ/2.238 người dân có nguy cơ thiếu ăn; hơn 500 học sinh thiếu sách vở. Toàn bộ hệ thống giao thông sạt lở nghiêm trọng, tình hình ở các bản Cà Bưng, Cà Bông, Canh Tiến rất nguy cấp... Theo yêu cầu của địa phương, Quân chủng Phòng không-Không quân đã cử hai tổ bay của Trung đoàn 954 vào ngay Bình Định khẩn trương cứu trợ nhân dân.

Tôi cũng có mặt trong chuyến đi ấy. Hôm đó, đúng 9 giờ 45 phút, trực thăng Mi-8 (7831) được lệnh cất cánh. Sau vài phút, trực thăng Mi-8 (92102) cũng bay lên. Qua cửa sổ máy bay, tôi thấy rừng núi như bãi chiến trường, lũ cuốn từng mảng nham nhở, cây cối gãy đổ chồng lên nhau. Những mái nhà tranh xơ xác, những cánh tay người dân vẫy khăn cứu trợ... Gió thổi mạnh, khu vực Núi Ông mây mù vây kín, Thượng tá Hoàng Quang Hà chỉ huy tổ lái cho máy bay từ từ hạ cánh xuống bãi đỗ. Khi máy bay vừa tiếp đất đã có hàng nghìn người dân vây quanh. Những bao gạo, những thùng mì ăn liền, nước mắm và rất nhiều sách vở được chuyển từ trực thăng xuống trao tận tay người dân. Tuy trong điều kiện khí hậu, thời tiết không thuận lợi nhưng hai tổ bay của Trung đoàn 954 đã tổ chức 14 chuyến bay chở gần 15 tấn hàng cứu trợ đến với bà con vùng lũ bị chia cắt.

Trong khoảng 13 năm qua, tôi vinh dự được tham gia cùng Trung đoàn 954 (nay là Trung đoàn 930) thực hiện 8 chuyến bay cứu nạn, cứu trợ. Mỗi chuyến bay là một kỷ niệm sâu sắc. Sau mỗi chuyến bay, tôi càng thêm khâm phục ý chí, lòng quả cảm và đức hy sinh của những người lính không quân... Tôi nhớ mãi lời tâm sự của Đại tá Bùi Hồng Quân, Chính ủy Sư đoàn Không quân 372 (nay đã nghỉ hưu) sau khi kết thúc chuyến bay cứu nạn đồng bào Vân Canh (Bình Định): “Thời bình, trong bất kỳ tình huống nào, thực hiện cứu nạn, cứu trợ nhân dân là mệnh lệnh trái tim, là trách nhiệm chính trị của người lính không quân. Những quyết định chuẩn xác bảo đảm cho chuyến bay an toàn, hiệu quả nghĩa là thể hiện tốt tinh thần “Tự tính toán, tự bay, tự đến, tự tìm kiếm và tự về. Trung đoàn 954 là một đơn vị tiêu biểu của chúng tôi... ”.

Bài và ảnh: TÙNG LÂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/ky-niem-ve-nhung-chuyen-bay-cuu-nan-641284