Kỳ thị mới là 'đại dịch' nguy hiểm chết người

Covid-19 từ Trung Quốc đã lây lan ra khắp thế giới, dẫn tới làn sóng còn nguy hiểm hơn đại dịch, đó là kỳ thị người Trung Quốc, người gốc Á, từ phân biệt đối xử với lời lẽ thù ghét, bạo lực. Tại Việt Nam, cộng đồng mạng thậm chí có lời lẽ, hành động tàn ác với chính cả đồng bào mình.

1. Từ khi dịch cúm do virus corona chủng mới gây ra và bùng phát tại trung Quốc, lây lan ra một số nước, tình trạng người gốc Á (nhập cư hoặc du khách, du học sinh) trở thành đối tượng bị kỳ thị. Không chỉ nguời Trung Quốc, người dân các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam,… cũng đồng cảnh ngộ.

Ở Pháp, một tờ báo địa phương đã bị lên án gay gắt sau khi đăng tải bài viết với tiêu đề “Báo động da vàng”, lặp lại từ ngữ “Hiểm họa da vàng” mang tính xúc phạm và phân biệt chủng tộc từng có trong lịch sử phương Tây. Sau đó, tờ báo này đã lên tiếng xin lỗi.

Một tờ thông báo bên ngoài tiệm làm móng, nói không nhận khách Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Trên mạng xã hội, những người mang tư tưởng phân biệt chủng tộc sẵn sàng buông lời miệt thị bất kể là người Việt hay gốc Hoa, chẳng hạn “sao không ăn cơm kèm thịt dơi và chuột”. Khi nạn nhân phản ứng, họ bảo đó chỉ là trò đùa. Trên Twitter, cộng đồng gốc Á ở Pháp còn tạo ra một hashtag #Jenesuispasunvirus (Tôi không phải là vi rút) để phản đối nạn kỳ thị. Người gốc Việt cũng buộc phải lên tiếng làm rõ rằng họ không phải là người Trung Quốc. Ở Hungary, một số nhà hàng ở Budapest phải treo biển báo “Chúng tôi là người Việt”.

Tại một số bang ở Mỹ, đa số các nạn nhân của làn sóng kỳ thị trên là những người trẻ tuổi gốc Việt. Truong Nguyen, sống tại Garden Grove (bang California) mới đây lỡ hắt xì trong khuôn viên trường học. “Tôi không rõ họ nhìn mình với cặp mắt xa lánh như thế vì tôi là người gốc Á, hay sợ tôi có thể nhiễm nCoV?”, Truong Nguyen chia sẻ.

Còn cô Cindy Lu, theo học thạc sĩ tại Đại học Nam California cố nén hành động xì mũi (vì dị ứng) tại nơi công cộng để tránh rước lấy những phản ứng không đáng có. Thậm chí, Lisa Tran, 18 tuổi ở Boston (bang Massachusetts) còn bị chỉ vào mặt và gọi là “Corona” trên đường đi học về.

2. Tại Việt Nam, chiều 12/2, UBND tỉnh Vĩnh Phúc công bố Quyết định khoanh vùng cách ly, thực hiện kiểm soát y tế khu vực có dịch tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên nhằm khoanh vùng, dập dịch, thì hiện tượng kỳ thị đã lác đác xuất hiện.

Khi dư luận xã hội có dấu hiệu "kỳ thị người Vĩnh Phúc", ngày 13/2, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã phải đăng đàn nhấn mạnh công tác phòng dịch, cách ly phải được tiến hành gấp rút, hiệu quả nhưng không được tạo tâm lý, sự kỳ thị đối với người dân các tỉnh miền núi và Vĩnh Phúc.

Trước đó, chiều 12/2, Hà Nội tiến hành họp trực tuyến về công tác phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19). Đại diện các quận, huyện đều xin ý kiến về việc cách ly, giám sát đối với sinh viên đến từ tỉnh Vĩnh Phúc. Như quận Bắc Từ Liêm có Đại học Công nghiệp Hà Nội là trường có số lượng sinh viên Vĩnh Phúc nhiều nhất, trong đó có nhiều trường hợp đến từ huyện Bình Xuyên – tâm dịch, lãnh đạo quận này còn đề xuất "cách ly"…

Trước các ý kiến trên, ông Nguyễn Đức Chung đã nhấn mạnh phải tuyên truyền, vận động không kỳ thị với người nước ngoài, kỳ thị với sinh viên các tỉnh giáp biên giới, các sinh viên đến từ Vĩnh Phúc.

Sau Vĩnh Phúc, khi dịch bệnh bùng phát ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, các nguồn bệnh từ nước ngoài, tâm lý kỳ thị người nước ngoài, tiếp viên hàng không, người từ thủ đô Hà Nội về các tỉnh,.. tràn lan trên mạng xã hội.

Điều đó dẫn tới người nước ngoài, du khách không thể thuê được khách sạn nghỉ ngơi, cá biệt có cơ sở khám bệnh từ chối khám thai cho một phụ nữ Việt chỉ vì đi khám cùng chồng là người nước ngoài sống ở Việt Nam từ lâu. Thêm nữa, có chung cư còn khuyến cáo không nên cho tiếp viên hàng không, hướng dẫn viên du lịch thuê nhà, người Hà Nội về quê có nơi không cho vào làng,… là những hiện tượng chưa từng thấy, không thể tin được đối với người Việt được tiếng hiền lành, hiếu khách.

3. Thật may, đại đa số người dân có lương tri, trách nhiệm đã phản ứng lại với hành vi kỳ thị, kết tội người dân ở khu vực có dịch, trở về từ vùng dịch hay làm các công việc có nguy cơ lây nhiễm.

Mới đây nhất, một facebooker khi đăng đàn kêu gọi "thiêu sống" người cố tình phát tán mầm dịch, dù nhẽ ra ông phải biết rằng trừ người có vấn đề về tâm thần, thì không ai chủ ý muốn lây truyền dịch ra cộng đồng. Hiện tại, chỉ có một số người chủ quan, thiếu ý thức, thực hiện trốn/né cách ly phòng ngừa dịch.

"Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ" là một truyền thống quý báu của người Việt, nói lên sự nhân ái, yêu thương, đoàn kết trong một cộng đồng. Thế nhưng, cách hành xử của một bộ phận không nhỏ người dân thời gian gần đây chưa cho thấy điều đó. Và đó mới là "đại dịch" tàn phá các nền tảng đạo đức, văn hóa xã hội, còn ghê gớm hơn cả virus corona.

Kiên Giang

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ky-thi-moi-la-dai-dich-nguy-hiem-chet-nguoi-post75137.html