Kỹ thuật cải tạo đất nông nghiệp bạc màu

Biện pháp cải tạo đất nông nghiệp bạc màu đơn giản nhưng hiệu quả là luân canh cây trồng hợp lý, phân bón, thủy lợi... Đây là việc làm cần thiết giúp nông dân tiếp tục canh tác, đem lại hiệu quả kinh tế.

Cải tạo đất, luân canh cây trồng, bón phân hợp lý sẽ giúp tăng độ phì nhiêu của đất

Cải tạo đất, luân canh cây trồng, bón phân hợp lý sẽ giúp tăng độ phì nhiêu của đất

Thủy lợi

Đây là biện pháp kỹ thuật quan trọng hàng đầu trong việc cải tạo đất nông nghiệp bạc màu. Việc chủ động nước tưới tiêu bằng một hệ thống kênh mương hoàn chỉnh nhằm cải thiện độ phì đất bạc màu, tăng độ ẩm, làm cho đất tơi xốp hơn, tạo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt.

Biện pháp hữu cơ

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý và tăng cường bón lót bằng các nguồn phân hữu cơ như phân chuồng, phân xanh, phân bắc... để cải tạo và tăng độ phì cho đất. Ngoài ra, có thể sử dụng các loại chất thải, phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ, mùn trấu, rác sinh hoạt, than bùn... để sản xuất phân hữu cơ vi sinh dùng làm chất cải tạo đất rất tốt.

Đa dạng hóa cây trồng

Trên những vùng đất bạc màu nông dân nên trồng xen hoặc luân canh cây trồng chính với các loại cây họ đậu như lạc, đỗ tương, đỗ xanh... vì chúng có khả năng cố định đạm, giúp cải tạo độ phì nhiêu của đất rất tốt. Một số công thức trồng trọt có thể áp dụng để cải tạo đất bạc màu như:

- Công thức 2 vụ: gồm 1 vụ lúa và 1 vụ rau màu như ngô khoai, lạc, đậu đỗ xen với rau.

- Công thức 3 vụ: gồm 1 vụ lúa, 1 vụ rau màu hè thu và 1 vụ rau đông xuân.

Che phủ đất

Che phủ đất cũng là một biện pháp rất thích hợp đối với những vùng đất bạc màu, giúp hạn chế bốc hơi nước, giữ ẩm cho đất, chống gió rét, hạn chế cỏ dại và giữ ấm cho cây trồng. Biện pháp này còn giúp phân phối đều nước không gây úng cho cây trồng, hệ vi sinh vật trong đất hoạt động tốt sẽ làm cho đất tơi xốp, thoáng khí hơn, giúp cho hệ rễ cây trồng phát triển tốt.

Biện pháp làm đất

Đặc điểm của đất bạc màu thường là khô, cứng do đó hạn chế xới xáo để tránh mất nước do bốc hơi, nhất là vào thời kỳ khô hạn. Chỉ nên kết hợp xới xáo khi làm cỏ, bón phân, tưới nước. Nếu trồng lúa trên đất bạc màu thì không nên xếp ải vì sẽ làm đất mất thêm nước, hệ vi sinh vật còn sót lại trong đất sẽ bị chết, đất càng trở nên chai cứng hơn; trồng màu thì lên luống cao kết hợp tưới nước theo rãnh là biện pháp cải tạo đất bạc màu tối ưu nhất.

Bón vôi

Bón vôi đặc biệt hiệu quả đối với vùng đất chua phèn. Nguyên nhân do nước mưa, nước tưới dư thừa làm rửa trôi các chất dinh dưỡng của đất. Bón vôi giúp chất hữu cơ phân hủy nhanh hơn, làm giảm ngộ độc hữu cơ ở đất lúa. Vôi giúp giữ chất mùn (từ sự phân hủy chất hữu cơ) không bị rửa trôi ở đất có nhiều cát, nên đã phát huy vai trò của chất hữu cơ khi được cung cấp vào đất. Ở đất phèn, phân lân bón vào đất chỉ hữu dụng khoảng 30%, bón vôi trước khi bón phân lân, nhất là lân supe sẽ làm gia tăng sự hữu dụng của phân lân. Bón vôi còn làm gia tăng sự hấp thu Kali của cây trồng.

(Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia)

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/nong-nghiep---nong-thon/ky-thuat-cai-tao-dat-nong-nghiep-bac-mau-202696