Kỳ tích Việt Nam

Chủ tịch nước Tô Lâm vừa chủ trì phiên họp thứ 3, Ban Chỉ đạo tổng kết 40 năm đổi mới đất nước. Nhìn lại chặng đường gần 40 năm qua, kể từ khi Đảng lãnh đạo đất nước thực hiện công cuộc đổi mới (năm 1986) đến nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong thập niên 1980, tình hình quốc tế có những biến động phức tạp về chính trị, kinh tế, xã hội, nhiều nước xã hội chủ nghĩa rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Chủ nghĩa đế quốc, các thế lực phản động ra sức tấn công các phong trào cách mạng và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn cầu. Ở trong nước, ngoài việc bị bao vây cấm vận, bị cô lập trên trường quốc tế, Việt Nam còn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức do hậu quả của các cuộc chiến tranh để lại. Hoạt động kinh tế của nước ta chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng ở trình độ sản xuất thấp, quy mô nhỏ. Cơ chế quản lý kinh tế theo mô hình tập trung quan liêu, bao cấp đã bộc lộ rõ những yếu kém và lạc hậu, kìm hãm sự phát triển đất nước. Do đó, vào thời điểm trước đổi mới, GDP của nước ta đạt thấp, nhiều lĩnh vực kinh tế tăng trưởng hằng năm âm, lạm phát có lúc vượt hơn 700%. Đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, hơn 7 triệu người bị thiếu đói… Trong bối cảnh này, Đại hội lần thứ VI (tháng 12-1986) của Đảng đã đánh dấu bước ngoặt có tính lịch sử về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế ở nước ta.

Trong chặng đường gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã giành được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trên tất cả lĩnh vực kinh tế, xã hội, quan hệ đối ngoại, quốc phòng và an ninh… Đưa Việt Nam từ một nước nghèo, lạc hậu thành nước đang phát triển có tiềm lực mạnh. Trong đó, quy mô nền kinh tế của nước ta năm 2023 đạt 430 tỷ USD, xếp thứ 35 trên thế giới, thu nhập bình quân đầu người đạt 4.300 USD, tăng 58 lần so với năm 1986. Trước đổi mới, nền kinh tế khép kín, hiện Việt Nam đã trở thành nền kinh tế có mức độ hội nhập toàn cầu khi trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 thế giới, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2023 đạt gần 700 tỷ USD và là điểm đến lý tưởng trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội đã nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe người dân được nâng cao, tiềm lực quốc phòng và an ninh được tăng cường. Đặc biệt, trong quá trình đổi mới đất nước, Việt Nam đã xóa bỏ được sự bao vây, cấm vận của các thế lực thù địch; đã chủ động, tích cực hội nhập thế giới toàn diện, sâu rộng, đa phương hóa, đa dạng hóa; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 nước trên thế giới, trong đó 7 nước là đối tác chiến lược toàn diện… Đồng thời với các vai trò, vị trí mà Việt Nam đảm nhận trong các tổ chức quốc tế đã góp phần nâng cao vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế.

Nhìn lại chặng đường gần 40 năm đổi mới, nhân dân Việt Nam có quyền tự hào rằng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những kỳ tích trong chặng đường đổi mới là động lực, nguồn lực quan trọng, là niềm tin để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường phát triển toàn diện, đồng bộ và bền vững, nhanh chóng biến khát vọng đất nước hùng cường thành hiện thực.

Tấn Hòa

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/158804/ky-tich-viet-nam