Ký ức 15 năm vượt biển ra Trường Sa

Thiếu tá Cao Đức Tại là thuyền trưởng tàu vận tải quân sự trong suốt 15 năm, góp phần đưa sức người, sức của đến xây dựng quần đảo Trường Sa.

Biển làm nhà

Thiếu tá Cao Đức Tại (phải) chia sẻ những kỷ niệm về Trường Sa

Thiếu tá Cao Đức Tại (phải) chia sẻ những kỷ niệm về Trường Sa

Trong bộ quân phục sĩ quan Hải quân, thiếu tá Cao Đức Tại cầm trên tay những tấm hình mà ông chụp chung với đồng đội năm xưa. Trong số họ, có người còn, người mất nhưng những kỷ niệm về con tàu quân sự, về Trường Sa thân yêu chẳng thể phai mờ.

Ông Tại sinh năm 1958 tại phường An Lạc (TP Chí Linh). Năm vừa tròn 18 tuổi, ông xung phong nhập ngũ, được biên chế vào tàu tên lửa tại vùng 1 Hải quân, đóng quân tại tỉnh Quảng Ninh. Năm 1980, ông được cử đi học tại Trường Sĩ quan chỉ huy - kỹ thuật Hải quân (nay là Học viện Hải quân). Sau 2 năm học tập và rèn luyện, chàng trung úy trẻ nhận công tác tại Hải đội 413, vùng 4 Hải quân, Quân chủng Hải quân.

Đến năm 1983, được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ thuyền trưởng tàu vận tải quân sự mang số hiệu HQ 613, trung úy Tại lại càng phát huy sự chủ động, nhạy bén trong công việc. Không phải ngẫu nhiên khi mới 25 tuổi, trung úy Tại đã được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ thuyền trưởng một con tàu quân sự trọng tải 509 tấn, quy mô 24 người cùng với 3 thuyền phó đến Trường Sa. Ở trung úy Tại toát lên bản lĩnh, sự tự tin và quyết đoán với những kinh nghiệm đi biển, hết lòng với đồng đội, gắn bó với con tàu, nặng tình với biển khơi.

Lần giở tiếp những bức hình trên tay, như cuốn nhật ký ghi chép một cách ngắn gọn, ông Tại bồi hồi nhớ lại: Khó có thể quên được cảm xúc của tôi lúc đó, vừa tự hào vì được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ, trách nhiệm vẻ vang mà cũng rất nặng nề. Ngày đó, máy móc thô sơ, ra đa cũng chưa có, phải sử dụng la bàn để xác định hướng, việc học tập và đi tàu chủ yếu bằng phương pháp trực quan và kinh nghiệm. Chúng tôi phải luôn tự rèn luyện, học hỏi để làm sao chỉ qua thay đổi của sóng nước, thấy chim báo bão, hay qua cảm nhận gió biển, thay đổi của làn da cơ thể là có thể dự báo được tình hình thời tiết để xử lý công việc.

Không sợ sóng dữ

Ông Tại (ngoài cùng bên trái) chụp cùng đồng đội tại Trường Sĩ quan chỉ huy - kỹ thuật Hải quân năm 1980

Ông Tại (ngoài cùng bên trái) chụp cùng đồng đội tại Trường Sĩ quan chỉ huy - kỹ thuật Hải quân năm 1980

Bằng giọng hào hùng, vị thuyền trưởng kể tiếp: "Năm 1982, lần đầu tiên tôi được trực tiếp đưa đoàn cán bộ mang hàng Tết ra đảo Trường Sa. Lúc đó trên đảo chủ yếu là bộ đội, mọi thứ còn hoang sơ. Giữa mênh mông sóng nước, không biết bao nhiêu lần thủy thủ đoàn phải trải qua ranh giới mong manh của sự sống - cái chết".

Ông Tại nhớ mãi kỷ niệm về những ngày trời mưa bão vào tháng 5.1992. Gần 3 giờ đêm, tàu chở đoàn công tác hơn 100 người cùng hàng hóa đến đảo Đá Lớn. Do gặp bão nên sóng biển dữ dội, tàu chao đảo hết bên này lại bên kia. Khi gần đến đảo Đá Lớn, sóng đánh trùm lên thân tàu, bất ngờ tàu bị hỏng 2 máy điện, nên không thể thả neo.

Đứng trước tình huống nguy hiểm song ông Tại cùng thủy thủ đoàn vẫn bình tĩnh xử lý, cho tàu cơ động tiến nhẹ để thuyền thả trôi. Sóng đánh ngang mạn thuyền khiến tàu trôi xa đảo Đá Lớn đến vài hải lý. Nhận thấy tình hình không thể neo đậu tại đảo Đá Lớn, ông Tại chỉ huy anh em chuyển hướng sang đảo Nam Yết chắn sóng tốt hơn, có thể thả neo bằng tay. Rất may mắn là nhiệm vụ đã hoàn thành, tàu vào đến bờ, ai cũng thở phào nhẹ nhõm như vừa bước ra khỏi cửa tử thần.

Trong suốt 15 năm trên cương vị thuyền trưởng tàu HQ 613, thiếu tá Cao Đức Tại đã nhiều lần nhận nhiệm vụ đưa đoàn công tác của Quân chủng Hải quân đến thăm và làm việc tại quần đảo Trường Sa. Phó Đô đốc, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Mai Xuân Vĩnh, nguyên Tư lệnh Hải Quân cho biết thiếu tá Cao Đức Tại là một thuyền trưởng năng động, dũng cảm. Trong quá trình công tác trên biển gặp nhiều khó khăn, song với bản lĩnh, kinh nghiệm thuyền trưởng Tại đã vượt qua, hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp trên giao phó. Với những cố gắng đó, thiếu tá Cao Đức Tại đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhì cùng nhiều bằng khen, giấy khen khác.

"Cuộc đời là những chuyến đi" - câu nói ấy thật đúng với thiếu tá Cao Đức Tại. Năm 1997, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông xin nghỉ công tác, về sinh sống tại địa phương đến nay.

THÀNH ĐẠT

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/chinh-tri/ky-uc-15-nam-vuot-bien-ra-truong-sa-154797