Ký ức bão giông
Người dân miền Trung sau những ngày chống chịu với lũ lụt, khi 'trạng thái bình thường mới' còn chưa kịp tái lập, nhiều gia đình lại phải căng mình để chống chọi với một hiểm họa mới từ thiên tai mang tên 'bão'.
Tôi sinh ra ở một làng quê ven biển. Từ nhỏ, ngay cạnh nhà tôi là một cánh đồng trồng lúa. Phía mạn bên kia lại là một cánh đồng làm muối. Người dân quê tôi phải tay làm muối, tay chăm lúa may ra mới có cuộc sống đủ ăn. Nhưng cả trồng lúa hay làm muối đều luôn phải đối mặt với những thử thách từ thiên tai. Mưa bão là hai từ khóa người dân lo sợ nhất.
Ký ức tuổi thơ của chúng tôi còn đọng lại những trận mưa dai dẳng và đậm hạt có khi kéo dài cả tuần trời, thời đó hệ thống thủy lợi chưa phát triển, mưa nhiều đến nước tràn vào tận nhà. Cá từ những ruộng lúa gần đó cũng theo nước đến, có khi ngồi trong nhà cũng bắt được cá.
Lúc đó, chúng tôi còn là những đứa trẻ, khi bão đến thì thấy hoan hỉ, khi bão qua í ới rủ nhau ra đồng bắt lươn, bắt ếch. Trẻ con nên chẳng biết được nỗi lo toan hằn lên trên khuôn mặt mẹ cha. Bão quét đi mùa màng, bão lấy đi những thành quả hiện hữu trên từng mái nhà, từng cái cây vất vả chăm bẵm đã đến mùa hái quả. Có đợt, đê vỡ, nước tràn ngập hết cả làng. Bố tôi vốn là cán bộ xã phải đi chống lụt, mấy mẹ con ở nhà chỉ biết ghép bàn lại với nhau rồi trèo lên đó cho khỏi ngập.
Quê tôi cũng như nhiều vùng quê khác luôn là những nạn nhân dự bị hoặc là nạn nhân trực tiếp bởi thiên tai, nhưng ký ức về những ngày bão lũ kinh hoàng không còn lặp lại. Nhưng nhiều vùng quê khác ở miền Trung hiện tại vẫn đang oằn mình chống chọi. Sau những ngày bão qua, sau những đau thương mất mát là những gắng gượng để phục hồi. Nhưng người miền Trung giờ không còn đơn độc nữa, đã có thật nhiều những cánh tay nối dài để cùng gánh đau thương và chia sẻ bình yên.
Nhà báo Hồ Viết Thịnh
Bây giờ, đê ven sông không còn là những con đê đất thô sơ nữa, từ lâu rồi đê đã được kiên cố hóa bằng kè đá, lớp trẻ quê tôi cũng không phải chứng kiến cảnh vỡ đê nước ngập lưng nhà như chúng tôi ngày xưa nữa.
Nhưng bão thì vẫn chưa thôi buông tha những người dân ven biển. Chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất chính là những dãy nhà hàng, nhà nghỉ ở vùng này. Đầu tư vào du lịch biển luôn phải đối mặt với rủi ro từ thiên tai, chỉ một cơn bão quét qua, nhẹ thì tốc mái, nặng thì đổ sập từng dãy. Ám ảnh nhất trong tôi cho đến bây giờ vẫn là tiếng rít mỗi khi bão về. Thời nhỏ bố mẹ vẫn dọa trẻ con khi cứ toan tụt khỏi vòng tay bố mẹ để đi chơi: “Bão về đấy, ông ngáo đang kêu kìa”. Đứa trẻ nào nghe dọa xong cũng đều sợ cả.
Nhưng bão lũ ở quê tôi vẫn chưa là gì so với những gì mà người dân ở các tỉnh như Quảng Bình, Quảng Nam… nước ngập lên đến săm sắp mái nhà. Tôi còn nhớ lúc đó, khi người dân quê tôi vẫn chỉ biết đến mì tôm là những loại mì cân (loại mì nát vụn được bán theo cân). Người dân vẫn tếu táo gọi rằng đó là mì “khỏa thân”, bởi vậy khi xem tivi thấy người dân vùng lũ được tặng những loại mì gói túi bọc, sặc sỡ màu sắc, đứa trẻ chỉ biết ngây thơ nói với bố mẹ: Khi nào quê mình mới được lũ to như thế để được ăn mì gói mẹ nhỉ? Nghe xong phụ huynh chỉ biết cười buồn.
Dân quê tôi giờ không còn trồng lúa nữa, người dân đã chuyển đổi sang thành trồng rau ngắn ngày. Có thể nói đó là một cuộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng làm thay đổi bộ mặt của nông thôn. Dù vẫn bị thời tiết đe dọa, nhưng bão to, mưa lớn thì mất mát cũng không đáng kể gì so với một đồng lúa mất nhiều thời gian và công sức đổ vào.
Tôi đã xa quê hơn 10 năm, Hà Nội cũng là nơi tôi sống từng ấy năm. Tôi đã sống qua những mùa lạnh nhất ở Thủ đô, tôi cũng đã trải qua những cơn gió rít khi nơi này chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão. Cũng đã bao lần trong căn phòng bình yên của mình, tôi gọi điện về cho bố mẹ để hỏi về tình hình mưa bão ở quê nhà, không còn là những câu nói bị gió bạt đi, không còn là tiếng nói nhói lòng: “Mất hết rồi con ạ!”.
Quê tôi cũng như nhiều vùng quê khác luôn là những nạn nhân dự bị hoặc là nạn nhân trực tiếp bởi thiên tai, nhưng ký ức về những ngày bão lũ kinh hoàng không còn lặp lại. Nhưng nhiều vùng quê khác ở miền Trung hiện tại vẫn đang oằn mình chống chọi. Sau những ngày bão qua, sau những đau thương mất mát là những gắng gượng để phục hồi. Nhưng người miền Trung giờ không còn đơn độc nữa, đã có thật nhiều những cánh tay nối dài để cùng gánh đau thương và chia sẻ bình yên.
Ngoan cường và mạnh mẽ nhé những người dân Miền Trung thương yêu!
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ky-uc-bao-giong-post448520.antd