Ký ức của một cựu binh Mỹ

Một buổi sáng tháng Bảy, tại TP. Đông Hà, dự án RENEW (tổ chức hoạt động trong lĩnh vực rà phá bom mìn, khắc phục hậu quả chiến tranh tại Quảng Trị) và Quỹ Viện trợ nhân dân Na Uy (NPA) đã tổ chức buổi nói chuyện về chủ đề kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ. Trong khán phòng chỉ khoảng 200 người ngồi, câu chuyện mà cựu binh Mỹ Chuck Searcy kể lại đã lan tỏa một tình yêu to lớn đối với Việt Nam...

 Buổi nói chuyện có đông đảo cán bộ, nhân viên của các tổ chức rà phá bom mìn ở Quảng Trị tham gia. Ảnh: NGUYỄN PHÚC

Buổi nói chuyện có đông đảo cán bộ, nhân viên của các tổ chức rà phá bom mìn ở Quảng Trị tham gia. Ảnh: NGUYỄN PHÚC

Một số diễn giả được mời đến trong buổi gặp mặt hôm đó, trong đó có viên chức chính trị của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, Giám đốc Quốc gia NPA tại Việt Nam, lãnh đạo Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Trị, đại diện Hội cựu chiến binh tỉnh Quảng Trị... Họ chia sẻ xung quanh những vấn đề hòa giải chiến tranh, tổng quan quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong thời kỳ hiện nay, lịch sử tiếp nhận các dự án bom mìn, định hướng của Quảng Trị trong thời gian đến... Nhưng gây ấn tượng với nhiều người trong khán phòng nhất (chủ yếu là những cán bộ, nhân viên các dự án rà phá bom mìn RENEW/NPA, MAG, Cây hòa bình, Trung tâm hành động bom mìn Quảng Trị (QTMAC)...) là khi ông Chuck Searcy bước lên bục.

Chuck Searcy là cựu binh lục quân Mỹ trong thời gian chiến tranh ở Việt Nam, người đã sống và làm việc ở Việt Nam kể từ năm 1995. Ông là Chủ tịch phân hiệu 160 Tổ chức Cựu chiến binh vì hòa bình, cố vấn quốc tế cho Dự án RENEW. Với giọng nói trầm ấm, câu chuyện do ông thuật lại đã lan tỏa một tình yêu lớn đối với Việt Nam...

HÀ NỘI, ĐÊM KHÔNG QUÊN

Chuck Searcy mở đầu câu chuyện bằng thời điểm tháng 7/1995, khi ông là thành viên trong cộng đồng người Mỹ ở Hà Nội, chờ đợi khoảnh khắc Tổng thống Mỹ Bill Clinton thông báo sắp bình thường hóa quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Không có nhiều sự lựa chọn, họ cùng tìm đến một quán bar ở gần hồ Hoàn Kiếm, thuyết phục chủ quán chuyển qua kênh của CNN để theo dõi thông báo quan trọng của Tổng thống Clinton.

“Tối 11/7, quán bar chật cứng người. Vào thời điểm Tổng thống Clinton xuất hiện trước camera, sau nửa đêm, những người khách quen của quán được mời uống bia thoải mái, háo hức và phấn khích. Quán bar trở nên im lặng khi ông Clinton bước lên trước micro, không giải thích gì thêm, cất giọng: “Hôm nay, tôi thông báo việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam”. Khán phòng rộ lên tiếng reo hò, huýt sáo, các ly bia giơ cao, máy ảnh lóe sáng và ánh sáng nhấp nháy của màn hình ti vi. Tiệc ăn mừng bắt đầu”, ông Chuck Searcy thuật lại. Chuck Searcy cũng nhắc lại những khó khăn của buổi đầu khi hai quốc gia vừa đi qua chiến tranh thiết lập quan hệ ngoại giao và đánh giá rằng đây không phải là một quá trình dễ dàng.

“SỰ KHỞI ĐẦU TỐT ĐẸP”

Theo cựu binh Chuck Searcy, cơ hội cho sự hợp tác Hoa Kỳ - Việt Nam đã bước vào một giai đoạn mới. Người Mỹ bình thường, các cựu chiến binh từng tham chiến ở Việt Nam, các giáo sư và sinh viên, doanh nhân... giờ đây đã có thể làm ăn với các đồng nghiệp Việt Nam ở một cấp độ tin tưởng và hợp tác. Và điều quan trọng nữa là hai bên đã hợp tác để giải quyết hậu quả chiến tranh, một cách chậm rãi nhưng chắc chắn.

 Ông Chuck Searcy nói chuyện với những học sinh tham gia buổi tập huấn về cách phòng tránh bom mìn. Ảnh: HIỀN NGÔ

Ông Chuck Searcy nói chuyện với những học sinh tham gia buổi tập huấn về cách phòng tránh bom mìn. Ảnh: HIỀN NGÔ

Ông kể lại kỷ niệm vào tháng 11/2000, khi Tổng thống Clinton thăm Việt Nam. Phát biểu về hậu quả bom mìn chưa nổ, Tổng thống Clinton nói: “Tôi cảm ơn người Việt Nam đang thực hiện công việc này và cảm ơn các tổ chức phi chính phủ. Và tôi cũng muốn cảm ơn các cựu chiến binh Mỹ đã tham gia...”. “Đó là những lời tử tế cho cựu binh chúng tôi”, Chuck Searcy cảm thán.

Cựu binh Chuck Searcy thuật lại rằng, ngày hôm đó có sự hiện diện của 4 cậu bé đến từ Quảng Trị, các em bị mất tay, chân hoặc bị bỏng nặng trong các tai nạn do bom mìn. Tổng thống Clinton nhìn vào các em và nói: “Các em hãy đứng dậy, để chúng tôi có thể nhận thấy sự can đảm của các em”. Khán giả vỗ tay, dâng trào cảm xúc và nước mắt. Ngay lúc đó, Tổng thống Clinton thông báo Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ sẽ tài trợ một khoản kinh phí lớn cho Quảng Trị để hỗ trợ nạn nhân bom mìn. Ông cũng cam kết rằng Hoa Kỳ sẽ giúp Việt Nam giải quyết vấn đề bom mìn, “cho dù mất bao lâu đi chăng nữa”.

Những người quen Chuck Searcy biết về công lao to lớn của ông đối với việc thành lập dự án RENEW, một cuộc “bắt tay” tốt đẹp giữa Quỹ tưởng niệm cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam và chính quyền tỉnh Quảng Trị, tạo ra cách tiếp cận “lồng ghép và toàn diện” đầu tiên của Việt Nam đối với hành động kết hợp rà phá bom mìn với giáo dục nguy cơ và hỗ trợ nạn nhân. Ông tự hào sau nỗ lực của bao nhiêu người, 3 năm qua không có tai nạn bom mìn ở Quảng Trị... “ Đó là một ví dụ tuyệt vời của thành công”, Chuck Searcy nói.

Cuối cuộc trò chuyện, Chuck Searcy nhắc lại kỷ niệm lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào năm 1995. Lúc đó, khi nhìn vào huy hiệu Việt Nam - Hoa Kỳ gắn lên áo khoác của Chuck Searcy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Việt Nam và Mỹ phải luôn luôn là bạn”.

“25 năm chưa là “luôn luôn”, nhưng nó là một sự khởi đầu tốt đẹp”, vị cựu binh Mỹ coi Việt Nam như quê hương thứ hai nói câu cuối cùng trong tiếng vỗ tay không ngớt...

Nguyễn Phúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=150648