Ký ức của nhà giáo từng gặp Bác Hồ

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành thời gian tiếp xúc với mọi tầng lớp, ngành nghề trong xã hội. Những buổi nói chuyện giữa Bác với mọi người luôn để lại dấu ấn sâu sắc khó phai mờ, mà câu chuyện dưới đây là một minh chứng.

Bác Hồ đang nói chuyện với 1.200 giáo viên và học sinh tại sân trường.

Bác Hồ đang nói chuyện với 1.200 giáo viên và học sinh tại sân trường.

Nhớ mãi buổi gặp xúc động năm đó

Vào cuối năm 1961, trong lần thăm quan triển lãm về các thành tựu khôi phục và xây dựng kinh tế toàn miền Bắc tại Hà Nội, Bác Hồ đã dừng rất lâu tại gian hàng của Trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa (Trường TNLĐXHCN) tỉnh Hòa Bình. Với sự quan tâm đặc biệt dành cho thế hệ trẻ và cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số, Bác Hồ rất ấn tượng và luôn ghi nhớ về những hình ảnh được biết về ngôi trường này. Dù luôn bận rộn với bộn bề công việc, nhưng Bác vẫn muốn thu xếp một lần để trực tiếp tới thăm Trường TNLĐXHCN. Vì đây là mô hình giáo dục đặc biệt rất cần được phát huy nhân rộng trên toàn quốc.

Các cán bộ, giáo viên đang háo hức được gặp Bác Hồ.

Các cán bộ, giáo viên đang háo hức được gặp Bác Hồ.

Ngày 17/8/1962, Người đã thu xếp để trực tiếp đến thăm trường tại xã Yên Mông nhân chuyến về thăm Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc của tỉnh Hòa Bình. Đón Bác về thăm trường hôm đó có sự hiện diện của 1.200 cán bộ, giáo viên, công nhân viên và học sinh của nhà trường cùng hơn 300 học viên của trường Đảng, các Bí thư Chi bộ, Chủ tịch UBND các xã trong tỉnh Hòa Bình và cùng đồng bào dân tộc ở xã Yên Mông huyện Kỳ Sơn.

Theo lời kể lại của ông Đỗ Như Cự cựu giáo viên của nhà trường thì đúng 9 giờ sáng ngày hôm đó, đoàn xe đưa Bác Hồ đến thăm trường đã dừng bánh trước cổng nhà Hiệu bộ trong niềm vui khôn xiết của mọi người.

Học sinh dân tộc thiểu số của Trường đang chăm chú lắng nghe lời Bác dặn.

Học sinh dân tộc thiểu số của Trường đang chăm chú lắng nghe lời Bác dặn.

“Tôi vẫn nhớ như in Bác Hồ với phong cách nhanh nhẹn, giản dị trong chiếc áo lụa, đi đôi dép lốp cao su, đội chiếc mũ cát. Bác Hồ trông rất hồng hào khỏe mạnh, tác phong vô cùng nhanh nhẹn và khẩn trương. Sau khi nghe cán bộ, nhà trường phản ánh rằng trường thanh niên đang phải đổi thành nông trường thanh niên để có tư cách pháp nhân vay vốn ngân hàng phục vụ sản xuất và học tập theo quy định mới, Bác Hồ đã chỉ đạo vừa học tập văn hóa, vừa lao động sản xuất tự túc là cách giáo dục đào tạo thanh niên tốt nhất và đúng đắn nhất. Trường học ở nơi đào tạo con người - cán bộ chứ không phải là nông trường sản xuất kinh doanh. Những quy định nào chưa phù hợp thì phải nghiên cứu thay đổi lại cho phù hợp.

Bác đã tâm tình với mọi người như người ông, người cha nói chuyện với đàn con cháu. Theo Bác, vừa học tập vừa lao động tự túc là cách giáo dục tốt nhất. Trước đây, lúc tuổi thanh niên bác ở bên Pháp cũng vừa lao động và vừa học tập. Nhưng lúc đó bác phải lao động làm thuê cho chủ tư bản, Bác phải làm để tự nuôi sống mình nhưng Bác vẫn dành nhiều thời gian để tự học tập. Ngày làm việc đêm tự học tập chứ bác không đến nhà trường được như các cháu học bây giờ đâu, Bác khuyên các cháu phải học thật tốt, lao động tốt. Bác ân cần căn dặn các giáo viên và học sinh dân tộc thiểu số của trường, phải học những nghề, những ngành có quan hệ đến phát triển sản xuất nông nghiệp đến đời sống nông thôn. Cần gì thì học nấy” - ông Đỗ Như Cự kể lại.

Thầy và trò Trường LĐTNXHCN tỉnh Hòa Bình đón Bác Hồ về thăm ngày 17/8/1962.

Thầy và trò Trường LĐTNXHCN tỉnh Hòa Bình đón Bác Hồ về thăm ngày 17/8/1962.

“Lời Bác dạy thiết thực ngắn gọn, dễ nhớ những bài thơ. Giọng của Bác nói ấm áp ngân vang như một khúc ca làm xúc động tận đáy lòng biết bao người chúng tôi. Những lời Bác dạy hôm đó đã thấm sâu vào trí nhớ, ghim chặt vào trái tim của những chàng trai cô gái tuổi còn xuân trẻ vừa từ Hà Nội lên Hòa Bình để lập trường và mở lớp. Đại diện các học sinh của nhà trường, chị Bùi Thị Xuyến người dân tộc Mường đã hứa với Bác: “Chúng cháu xin hứa với Bác sẽ học tập thật tốt, lao động thật tốt, rèn luyện tu dưỡng để có trình độ văn hóa - kiến thức kỹ thuật, có phẩm chất đạo đức, thói quen lao động, tốt nghiệp trở về quê hương để xây dựng bản làng giàu đẹp”. Sau đó, mọi người đều đồng thanh hô “Hồ Chủ tịch muôn năm!Bác Hồ muôn năm!”. Bác quay lại cười rất tươi và nói nếu các cháu học tập tốt lao động tốt thì Bác Hồ muôn năm. Còn nếu các cháu học chưa tốt, lao động chưa tốt thì Bác Hồ muốn nằm” - ông Đỗ Như Cự bồi hồi tâm sự.

Những lời căn dặn của Bác

Với đặc trưng của nhà trường bắt đầu từ tên gọi Trường TNLĐXHCN tỉnh Hòa Bình, 100% học sinh của nhà trường là thanh thiếu niên người dân tộc thiểu số sinh ra và lớn lên tại tỉnh Hòa Bình. Dù là thanh thiếu niên nhưng khi đó hầu hết mọi người trước khi đến trường đều chưa biết đọc, chưa biết viết. Còn các giáo viên của nhà trường cũng ở độ tuổi thanh niên xuất thân từ Thủ đô Hà Nội. Vậy nên trước khi ra về, Bác đã có lời giải thích vô cùng ấn tượng về chủ nghĩa xã hội để cho tất cả mọi người cùng hiểu và nhớ mãi.

Trường TNLĐXHCN tỉnh Hòa Bình được thành lập vào ngày 1/4/1958. Nhà trường đã vinh dự được trao tặng danh hiệu Đơn vị anh hùng lao động vào năm 1985; Huân chương Lao động hạng nhất vào các năm 1975, 1985 và rất nhiều huân chương, danh hiệu, bằng khen cao quý khác.

Nhà giáo Đinh Hoạt nguyên Phó giám đốc nhà trường đã ghi lại nguyên văn những lời dạy của Bác: “Chúng ta đang xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhưng nhiều người chưa hiểu xây dựng chủ nghĩa xã hội là làm cái gì. Nói vắn tắt chủ nghĩa xã hội là làm cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, người nào cũng được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ. Những phong tục không tốt dần dần xóa bỏ, còn những tập quán tốt cái gì đúng thì ngày càng củng cố và đạo đức ngày một tiến bộ. Nghĩa là vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tiến. Đó là chủ nghĩa xã hội”.

Đối với công tác dạy và học của nhà trường Bác đã căn dặn: “Một là các cháu phải đoàn kết giữa thầy giáo với thầy giáo, giữa thầy giáo với học trò, giữa học trò với học trò và giữa nhà trường với đồng bào địa phương. Hai là phải tôn trọng kỷ luật, không chỉ là kỷ luật trong nhà trường mà là kỷ luật lao động. Bởi vì sau này các cháu sẽ ra trường trở thành những cán bộ trở về địa phương công tác cần nắm vững điểm này. Ba là phải bàn bạc dân chủ. Mỗi công việc cần có kế hoạch rõ ràng, bàn bạc với nhau xem có thêm bớt gì không, làm cho tư tưởng mọi người thông suốt rồi động viên nhau cùng làm. Đây là trường học, các cháu phải học cách bàn bạc, dân chủ và cách thực hiện dân chủ. Và đặc biệt phải học tốt - lao động tốt - cố gắng mãi - tiến bộ mãi”.

Bác Hồ đang ghi lưu bút trong sổ truyền thống của nhà trường.

Bác Hồ đang ghi lưu bút trong sổ truyền thống của nhà trường.

Theo lời kể lại của nhà giáo Trần Ngoạn nguyên Giám đốc, Hiệu trưởng nhà trường giai đoạn 1962-1986 cho biết: “Năm 1969, trước khi đi xa, Bác Hồ còn hỏi những cán bộ giúp việc cho bác rằng trường thanh niên Hòa Bình vừa học vừa làm bây giờ thế nào rồi. Những lời dạy của Bác ngay tại ngôi trường này đã thổi luồng sinh khí mới để nhiều học sinh của nhà trường là thanh niên dân tộc thiểu số phát triển thành cán bộ chủ chốt, nông dân giỏi của tỉnh Hòa Bình và các tỉnh lân cận. Và không ít những giáo viên trẻ ngày đó, sau khi hoàn thành nhiệm vụ đã trở về Thủ đô giữ những vị trí quan trọng trong các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp”.

(Hình ảnh trong bài do nhà giáo Nguyễn Thị Minh - cựu giáo viên thế hệ đầu tiên của Trường TNLĐXHCN tỉnh Hòa Bình cung cấp).

Tuấn Ngọc

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/ky-uc-cua-nha-giao-tung-gap-bac-ho-post512865.html